19h20: Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami ngày 31/7 tuyên bố, việc nước này tiến hành các vụ phóng thử tên lửa là ‘điều rất bình thường” trong các chương trình nghiên cứu quốc phòng.
“Những hoạt động như vậy là rất bình thường trên thế giới”, tướng Amir Hatami đã cho biết như vậy khi được hãng thông tấn ISNA hỏi về thông tin vụ thử tên lửa tuần trước.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tuần trước nói rằng Iran đã phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm trung với đường bay khoảng 1.000 km, đồng thời khẳng định sự việc không bộc lộ mối đe dọa nào với các hoạt động vận tải biển của Mỹ trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran, tướng Amir Hatami. Ảnh: Reuters
17h30: William King, chỉ huy khinh hạm HMS Montrose phụ trách hoạt động hộ tống các tàu chở dầu của Anh qua Eo biển Hormuz ngày hôm nay nói rằng, Iran "dường như đang muốn kiểm tra quyết tâm của Hải quân Hoàng gia Anh".
Ông King cũng cho biết, trong suốt 27 ngày tuần tra cửa ngõ ra vào Vịnh Ba Tư, ông đã có 85 lần "tương tác với các lực lượng Iran" và điều này thường dẫn tới các "trao đổi cảnh báo" qua radio.
"Họ thường sẽ tuyên bố rằng sự hiện diện của chúng tôi là bất hợp pháp, mặc dù chúng tôi tuân thủ đầy đủ luật hàng hải quốc tế. Họ cũng nhiều lần điều tàu cao tốc tiếp cận chúng tôi để kiểm tra xem mức độ cảnh báo của chúng tôi là như thế nào", William King chia sẻ trên hãng tin BBC.
“Người Iran dường như muốn kiểm tra quyết tâm của chúng tôi, luôn muốn thử thách cách thức chúng tôi sẽ phản ứng", ông King nói thêm.
Khinh hạm Hải quân Hoàng gia Anh HMS Montrose làm nhiệm vụ hộ tống ở ngoài khơi biển Cyprus tháng 2/2014. Ảnh: AP
15h17: Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước ngày hôm nay, Bộ trưởng ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho biết Tehran sẽ tiếp tục cắt giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nếu như các đối tác châu Âu không có những hành động thiết thực bảo vệ nước này khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
“Với tình hình hiện tại và nếu như châu Âu không có hành động gì cụ thể thì chúng tôi sẽ thực hiện các bước đi tiếp theo trong việc cắt giảm các cam kết”, ông Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các đối tác châu Âu cần bảo đảm cho Iran được tiếp tục xuất khẩu dầu và thu về ngoại tệ.
14h38: Ông Olaf Scholz, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức ngày hôm nay cho biết, ông đặc biệt hoài nghi về đề nghị của Mỹ mời Berlin tham gia sứ mệnh quân sự ở Eo biển Hormuz.
"Tôi rất ngờ vực về điều đó và tôi nghĩ nhiều người khác cũng có chung quan điểm này", ông Scholz chia sẻ trên kênh truyền hình ZDF.
Phó Thủ tướng Đức cho rằng, điều quan trọng nhất là cần phải tránh leo thang quân sự trong khu vực vì một sứ mệnh như Mỹ đề nghị có nguy cơ biến tình hình hiện nay thành một cuộc xung đột thậm chí còn lớn hơn.
"Đây là lý do tại sao tôi cho rằng đó không phải là một ý tưởng tốt", ông Olaf Scholz giải thích.
Phó Thủ tướng Đức Scholz cho rằng nhiều đảng liên minh trong Chính phủ Đức hiện nay có cùng quan điểm với ông về đề nghị của Mỹ Ảnh: AFP
12h03: Lần đầu tiên xuất hiện trên kênh truyền hình Sky News của Anh kể từ sau vụ hai nước bắt giữ tàu dầu của nhau, Đại sứ Iran tại London, ông Hamid Baeidinejad đã tỏ ra hòa dịu hơn khi đề cập tới biện pháp tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Mặc dù vẫn cho rằng việc chính quyền Gibraltar - vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran là bất hợp pháp và việc Tehran bắt giữ tàu dầu Stena Impero của Anh là hoàn toàn phù hợp nhưng ông Hamid Baeidinejad đã để ngỏ cánh cửa hòa giải khi tỏ ý giải quyết vấn đề giữa hai nước bằng biện pháp chính trị và ngoại giao.
Đại sứ Iran tại London, ông Hamid Baeidinejad
11h05: Theo Washington Post, dự kiến trong tuần này Mỹ sẽ công bố kế hoạch tiếp tục miễn áp đặt các lệnh trừng phạt lên 5 chương trình hạt nhân của Iran, qua đó cho phép Nga, Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu tiếp tục hợp tác hạt nhân dân sự với Tehran.
Trong cuộc làm việc tuần trước tại phòng Bầu Dục, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khi ông này đề xuất tiếp tục gia hạn miễn áp dụng các lệnh trừng phạt Iran bất chấp sự phản đối từ phía Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton.
Ông Mnuchin lập luận với Tổng thống Trump rằng, nếu không gia hạn việc miễn áp đặt trừng phạt theo quy định của luật pháp vào ngày 1/8 thì Mỹ cũng sẽ phải trừng phạt các công ty của Nga, Trung Quốc và châu Âu tham gia vào các dự án ở Iran theo sự cho phép của các điều khoản trong Thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Nhà máy hạt nhân Arak của Iran. Ảnh: Wikimedia Commons
09h17: Theo Sputnik, Mỹ đã chính thức đề nghị Đức, Pháp và Anh tham gia sứ mệnh quân sự chung ở vùng Vịnh để chống lại cái gọi là "các hành động gây hấn của Iran".
"Chúng tôi đã chính thức đề nghị Đức tham gia giúp bảo đảm an ninh cho Eo biển Hormuz và đối phó với các hành động gây hấn của Iran cùng với Pháp và Anh", nữ phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ ở Berlin nói với hãng thông tấn Đức ngày 30/7.
Tuy nhiên, khi được hãng thông tấn - phát thanh Sputnik hỏi ý kiến bình luận về lời đề nghị này, Bộ Ngoại giao Đức cho biết Berlin chưa xem xét đề xuất trên của Mỹ một cách nghiêm túc.
"Gần đây, nước Mỹ đã đưa ra ý tưởng về một sứ mệnh giám sát hải quân ở Vịnh Ba Tư với một số nước đồng minh, trong đó có cả Đức, đồng thời đề nghị họ tham gia. Chính phủ Đức ghi nhận đề xuất này nhưng chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào", thông báo của Bộ Ngoại giao Đức cho biết.
"Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, theo quan điểm của chúng tôi, giảm leo thang căng thẳng phải là ưu tiên số một và phải thực hiện bằng các nỗ lực ngoại giao. Chúng tôi cũng đang tham vấn chặt chẽ với Pháp và Anh. Chúng tôi loại bỏ khả năng tham gia chiến lược "gây sức ép tối đa" của Mỹ".
Tàu hộ tống Magdeburg tại cảng hải quân Warnemuende gần Rostock phía Bắc nước Đức. Ảnh: Sputnik
08h45: Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề Iraq, ông Jeanine Hennis-Plasschaert vừa lên tiếng cảnh báo, những căng thẳng gần đây ở Vịnh Ba Tư giữa Iran và Mỹ không những chỉ tác động tiêu cực tới Iraq mà còn ảnh hướng tới toàn bộ khu vực Trung Đông.
"Những gì đang diễn ra ở Eo biển Hormuz, và nhất là khi mọi viêc vượt khỏi tần kiểm soát, sẽ không chỉ còn là vấn đề giữa Mỹ và Iran mà nó cũng sẽ tác động tới toàn bộ khu vực, đặc biệt là với Iraq", ông Hennis-Plasschaert cho biết.