Cáp ngầm viễn thông dưới biển và cuộc chiến tranh lạnh mới

Diên San |

Cuộc chiến tranh mạng ngày càng lan rộng giữa các quốc gia, đe dọa sẽ gây ra những hậu quả vô cùng thảm khốc khi mà hơn 95% lượng thông tin lưu thông trên Internet toàn cầu được truyền tải qua chỉ 200 hệ thống cáp sợi quang ngầm dưới biển sâu.

Hiện nay, một số cường quốc: Nga, Mỹ, Trung Quốc và Iran đang quan tâm đặc biệt những tuyến ống cáp viễn thông ngầm dưới biển và coi đó là nguồn thông tin tình báo vô cùng quý giá đồng thời chúng sẽ trở thành mục tiêu tấn công mang tính quyết định nếu chiến tranh nổ ra.

Những hành vi nhằm làm tổn hại hệ thống cáp ngầm cũng sẽ đẩy nền kinh tế thế giới vào nguy cơ sụp đổ với mức thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ USD.

Mối de dọa cho cáp viễn thông ngầm dưới biển

Các loại vũ khí được sử dụng trong cuộc “chiến tranh lạnh mới” dưới lòng đại dương bao gồm: tàu ngầm, máy bay vũ trang không người lái (drone) hoạt động dưới nước, robot tác chiến cùng với những chiếc tàu thiết kế đặc biệt và cả… thợ lặn sâu.

Những đường ống cáp ngầm cũng là mục tiêu tấn công của bọn khủng bố và những kẻ phá hoại không phục vụ cho chính quyền nào.

Cáp ngầm viễn thông dưới biển và cuộc chiến tranh lạnh mới - Ảnh 1.

Chiếc Yantar ở eo biển Bosphorus (nối liền Hắc Hải với biển Marmara) trên đường đến Syria năm 2017.

Thiệt hại gây ra do những hành vi phá hoại khó phát hiện được đánh giá là khủng khiếp cho nền kinh tế của đối tượng mục tiêu, bao gồm cả mạng lưới giao tiếp ngoại giao và quân sự, do đường truyền kết nối viễn thông bị gián đoạn – theo báo cáo mới đây có tiêu đề “Cáp ngầm đại dương:

Không thể thiếu và Không an toàn” của Đô đốc Hải quân Mỹ James G. Stavridis, cựu chỉ huy khối Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Rishi Sunak, Nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh, nhận định hệ thống cáp ngầm Internet thế giới truyền tải lượng giao dịch tài chính trị giá khoảng 10 nghìn tỷ USD chỉ trong 1 ngày duy nhất cũng như khối lượng khổng lồ dữ liệu – từ email cho đến thông tin liên lạc mật giữa các quốc gia.

Thêm vào đó, mạng vệ tinh trên Trái đất cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Một trong những vị trí dễ bị thương tổn nhất là vùng eo biển Luzon gần Philippines, nơi mà mọi đường cáp ngầm kết nối với Hồng Công, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Vị trí này được gia cố ngày 26-12-2006 khi một trận lở đất gây hư hại nghiêm trọng cho 6 hệ thống cáp ngầm dẫn đến sự gián đoạn hoạt động Internet tạm thời trong toàn bộ khu vực.

Vị trí những đường ống cáp ngầm dưới biển trên thế giới được lập bản đồ chi tiết và dễ nghiên cứu trên Internet cho nên chúng trở thành mồi ngon cho những cuộc tấn công phá hoại từ tàu ngầm, thợ lặn hay bất cứ vũ khí đơn giản nào như là móc sắt.

Giới chức tình báo Mỹ công khai tuyên bố các tàu ngầm Nga có “hoạt động gây hấn” đối với hệ thống cáp ngầm Đại Tây Dương phục vụ cho nước Mỹ. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy Mỹ cũng tiến hành những hoạt động tương tự.

Hồi tháng 9-2017, giới truyền thông Mỹ đưa tin tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf USS Jimmy Carter (được thiết kế cho các sứ mạng gián điệp) quay về căn cứ ở bang Washington với lá cờ hải tặc Jolly Roger bên cạnh cờ Mỹ.

Đó là tín hiệu được các chuyên gia an ninh tình báo cho là sứ mạng gián điệp thành công. Một số nhà phân tích nghi ngờ chiếc tàu ngầm này thực hiện thiết lập hay can thiệp mắc nối vào những ống cáp ngầm dưới biển.

Tháng 8-2017, Covert Shores - trang web chuyên biệt phân tích các lực lượng hải quân và tàu ngầm - cho rằng, chiếc tàu ngầm Yantar của Hải quân Nga cũng có hành vi mắc nối thiết bị vào hệ thống cáp ngầm phục vụ mục đích tình báo nơi đáy biển.

Trong năm 2015, Yantar xuất hiện gần vùng bờ biển nước Mỹ nên bị Washington cáo buộc là phá hoại hoặc thu thập thông tin nhạy cảm từ hệ thống cáp ngầm dưới biển.

H. I. Sutton, nữ tác giả bài viết đăng trên Covert Shores, bình luận: “Yantar có thể mang theo 2 thiết bị lặn sâu để thực hiện các sứ mạng nơi đáy biển.

Những sứ mạng được cho là cắt đứt cáp, mắc nối thiết bị do thám vào cáp, tháo dỡ những mắc nối tương tự của các quốc gia khác (được mô tả là “gỡ bẫy”) cùng với các sứ mạng tình báo khác.

Ngoài ra, Yantar cũng tiến hành một số sứ mạng đặc biệt như là phục hồi thiết bị nhạy cảm từ máy bay rơi hay các tên lửa thử nghiệm”.

Theo trang web quân sự Covert Shores, Yantar từng được quan sát thấy xuất hiện lảng vảng ngoài khơi một số quốc gia như Mỹ, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Cyprus cũng như những vị trí có mạng lưới cáp ngầm quan trọng.

Robert Huebert, nhà nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Chiến lược Đại học Calgary (Mỹ), nêu rõ trong một báo cáo rằng người Nga có chiếc tàu ngầm mini đặc biệt được hạ thủy từ năm 2003 có khả năng lặn rất sâu được đặt nhiều tên gọi – Loshrik hay Dự án 201 và AS-12.

Chiếc tàu ngầm này bị nghi ngờ - dù không có bằng chứng thuyết phục – thực hiện những sứ mạng liên quan đến cáp viễn thông ngầm dưới biển. Robert Huebert phát biểu với tờ Asia Times: “Nếu người Nga làm được như thế, chắc chắn Mỹ và Trung Quốc cũng có khả năng tương tự”.

Siêu tàu ngầm Yantar có gì đặc biệt?

Hải quân Nga rất hãnh diện đối với siêu tàu ngầm Yantar (theo tiếng Nga có nghĩa là “Hổ phách”) đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm chiếc tàu ngầm diesel ARA San Juan mất tích của hải quân Argentina.

Yantar gia nhập Hạm đội phương Bắc Hải quân Nga từ năm 2015 và được cho là “thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt” cũng như “thám hiểm đại dương” có thể lặn sâu đến hơn 6.000 mét.

Yantar được giới truyền thông phương Tây đánh giá là siêu tàu ngầm do thám hiện đại bậc nhất của Nga, được trang bị nhiều hệ thống dò tìm cực kỳ tinh vi và mang theo những chiếc tàu ngầm con tự hành (ROV).

Cáp ngầm viễn thông dưới biển và cuộc chiến tranh lạnh mới - Ảnh 2.

Thiết bị lặn sâu Rus trong chiếc Yantar.

Igor Sutyagin, chuyên gia nghiên cứu quân sự Nga ở Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) tại London, cho rằng Yantar có khả năng can thiệp vào mạng lưới cáp ngầm: “Thực ra, khó mà mắc nối hệ thống khác vào các sợi quang bởi vì trong đó chỉ có ánh sáng mà không có kết cấu điện tử. Nhưng việc cắt đứt cáp không mấy khó khăn”.

Tháng 10-2017, tờ báo Nga Parlamentskaya Gazeta, có bài báo phân tích: “Yantar có trang thiết bị được thiết kế đặc biệt để do thám dưới đáy biển và chúng có thể mắc nối vào những đường ống cáp ngầm liên lạc tuyệt mật”.

Yantar dài 108 mét với biên chế thủy thủ đoàn 60 người, được đóng tại cảng Kalingrad vùng Baltic và là chiếc đầu tiên trong nhiều chiếc thuộc Dự án 22010. Chiếc thứ 2 có tên gọi Almaz đang chuẩn bị chuyển giao cho Hải quân Nga. Yantar có thể triển khai 2 thiết bị lặn sâu gọi là Rus và Konsul.

Năm 2015, Yantar được triển khai gần căn cứ tàu ngầm hải quân Mỹ US Kings Bay ở Georgia. Kings Bay là nơi đồn trú của 6 chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo US Trident trong đó mỗi chiếc được vũ trang 24 tên lửa hạt nhân.

Theo giới chức Lầu Năm Góc, người Nga thu thập thông tin tình báo về trang thiết bị quân sự trên tàu ngầm Mỹ trong đó bao gồm thiết bị cảm biến dưới nước trong mạng DoDIN. Lầu Năm Góc cũng bày tỏ mối lo ngại khả năng cắt đứt cáp ngầm của Yantar.

Cuối năm 2016, Yantar được phát hiện lảng vảng phía trên mạng cáp ngầm ngoài khơi Syria, trong đó bao gồm nhiều đường cáp liên kết đến châu Âu.

Hoạt động gián điệp dưới biển đang gia tăng

Theo cộng đồng tình báo Mỹ, Iran sử dụng những chiếc tàu dân sự - hơn là tàu hải quân với lớp “vỏ xám” dễ nhận biết – trong vùng Vịnh Persia để tiến hành những hoạt động mập mờ.

James Stavridis lập luận rằng, mạng lưới cáp ngầm dưới biển rất dễ trở thành mục tiêu tấn công phá hoại từ những chiếc tàu dân sự thường không bị chú ý và chúng có thể hoạt động với công nghệ quy ước, phi quân sự.

Cáp ngầm viễn thông dưới biển và cuộc chiến tranh lạnh mới - Ảnh 3.

Căn cứ tàu ngầm US Kings Bay ở Georgia.

Cũng theo Stavridis, giải pháp đối phó cho phía Mỹ là tạo ra mạng lưới "cáp đen" ("dark cables") – nghĩa là những ống cáp không hoạt động nhưng có thể được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp. Giải pháp khác là ràng buộc Nga, Trung Quốc và Iran cũng như những nước khác với luật pháp quốc tế bảo vệ hệ thống cáp ngầm dưới biển.

Trong nhiều năm qua đã xảy ra không ít vụ đứt cáp biển bí ẩn được báo cáo. Ví dụ, một vụ đứt cáp biển gây xôn xao thế giới xảy ra hồi năm 2008 – 5 đường ống cáp biển Internet tốc độ cao phục vụ cho khu vực Trung Đông và Ấn Độ gặp sự cố bí ẩn làm cho tốc độ Internet chậm như rùa bò.

Tháng 3-2013, chính quyền Ai Cập bắt giữ 3 thợ lặn gần thành phố cảng Alexandria miền bắc nước này và họ bị buộc tội cắt đứt một đường cáp biển phục vụ khu vực Trung Đông làm cho tốc độ Internet giảm khủng khiếp.

Tuy nhiên, 3 thợ lặn khai họ làm đứt cáp do tai nạn. Mặc dù vậy, sự cố cũng làm bùng nổ một loạt thuyết âm mưu bao gồm ám chỉ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) mắc nối thiết bị nghe lén vào đường cáp biển hoặc chính quyền địa phương cố tình làm chậm tốc độ truy cập Internet để đối phó với những người dùng smartphone chống đối chế độ.

Tư lệnh các lực lượng vũ trang Anh Stuart Peach cảnh báo: một cuộc tấn công phá hoại cáp biển như thế chắc chắn là “thảm họa khủng khiếp” cho cả thế giới chứ không riêng quốc gia nào. Hàng chục đường ống cáp sợi quang ngầm dưới biển hiện diện trên toàn cầu và NATO cũng sở hữu nhiều mạng cáp quân sự nơi đáy biển.

Vào thập niên 1970, trong cuộc Chiến tranh Lạnh đe dọa sự an nguy của cả thế giới, Hải quân Mỹ bị mất kiểm soát trạm nghe lén dưới biển Sosus (Hệ thống Do thám Âm thanh) được tạo lập để do thám những chiếc tàu ngầm ở Đại Tây Dương. Quân đội Mỹ kết luận rằng một chiếc tàu ngầm Liên Xô có thể đã cắt đứt những đường cáp.

Cũng trong thời gian đó, quân đội Mỹ mắc nối những thiết bị nghe lén vào hệ thống cáp ngầm của Liên Xô ở vùng biển Okhotsk, nơi đặt căn cứ tàu ngầm Liên Xô. Do lo ngại, NATO có kế hoạch phục hồi hoạt động một trạm chỉ huy đã đóng cửa sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc nhằm giúp bảo đảm an toàn cho vùng biển Bắc Đại Tây Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại