"Cuộc tập trận kết thúc bằng màn phóng các tên lửa đất đối không nhằm vào các tên lửa mục tiêu. Những tên lửa mục tiêu mô phòng đường bay của các mục tiêu khí động học, các tên lửa hành trình và các phương tiện bay không người lái”, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Đã có tất cả hơn 10 mục tiêu bị phá hủy, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm.
Cặp đôi vũ khí hàng đầu của Nga – tên lửa đất đối không tầm xa S-300 và tổ hợp tên lửa/pháo phòng không Pantsyr-S đã chứng minh được sức mạnh của chúng trong cuộc tập trận mới nhất nói trên.
Pantsyr-S (NATO gọi là: SA-22 Greyhound) là một tổ hợp tên lửa/pháo phòng không có khả năng tiêu diệt hầu hết các mục tiêu trên không trong phạm vi ngắn và trung. Đây là một trong những hệ thống phòng không tầm gần tiên tiến nhất của Nga hiện nay.
Mỗi tổ hợp phòng không Pantsyr-S gồm 2 khẩu pháo phòng không tự động 2 nòng 30 mm và các tên lửa đất - đối - không 57E6 cùng với radar hoặc thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và đài chỉ huy vô tuyến. Hiện tại, đây được xem là tổ hợp pháo phòng không kết hợp với tên lửa bán chạy nhất thế giới và không có đối thủ trên thị trường vũ khí.
Các tổ hợp phòng không Pantsyr-S thường được sử dụng để bảo vệ những khu vực mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và quân sự, đội hình đơn vị chiến đấu đang cơ động lên tới cỡ trung đoàn hoặc các tổ hợp phòng không khác như S-300/S-400.
Hệ thống Pantsyr-S được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không hoặc dưới mặt đất và trong khi di chuyển có khả năng bám sát tới 20 mục tiêu và thực hiện phóng cùng lúc hai tên lửa vào mục tiêu.
Trong khi đó, hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi, có khả năng phá hủy tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của đối phương. Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.
S-300 ban đầu được thiết kế nhằm mục đích giúp Nga đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù.
Khi lần đầu tiên được Liên Xô triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa được rất nhiều nước thèm muốn bởi nó là thứ vũ khí hiệu quả hàng đầu trong việc bảo vệ các vùng trời.
Hệ thống S-300 được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa hàng trăm km, độ cao lớn.
S-300 được trang bị nhiều loại radar tối tân, bao gồm đài radar trinh sát 36D6 phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km, bám bắt 120 mục tiêu cùng lúc, radar trinh sát bắt thấp (độ cao thấp) 76N6, radar điều khiển hỏa lực 30N6 sử dụng để dẫn đường điều khiển với radar dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối.
Bệ phóng tự hành lắp ống phóng đạn tên lửa của hệ thống này sẽ bắn theo phương thẳng đứng. Hệ thống S-300 có thể phóng 6 tên lửa liền một lúc, mỗi tên lửa có khả năng phá hủy các loại máy bay như F-16 và F-22 - báu vật của Không lực Mỹ, cũng như đánh chặn các mục tiêu đạn đạo.