Cảnh báo bất ngờ từ hỏa lực tên lửa Trung Quốc tới hiện diện quân sự Mỹ tại châu Á

Phương Đỗ |

Một báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Australia chỉ ra, tên lửa Trung Quốc có khả năng tấn công mạnh mẽ các cơ sở quân sự của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương.

Theo một báo cáo mới công bố của các nhà nghiên cứu Australia, nếu xảy ra một cuộc xung đột vũ trang giữa Bắc Kinh và Washington, các tên lửa đạn đạo công nghệ cao của Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ làm tê liệt các căn cứ quân sự và hạm đội hải quân của Mỹ tại phía Tây Thái Bình Dương chỉ trong vòng vài giờ.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang có những bước tiến công nghệ vượt bậc và không ngừng củng cố sức mạnh cứng, bản báo cáo dài 104 trang của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Đại học Sydney - kêu gọi Mỹ và các đồng minh khu vực như Australia và Nhật Bản tái xem xét đầu tư quân sự và các kế hoạch triển khai quân; nếu không vị trí đứng đầu về quân sự Mỹ tại khu vực sẽ bị đe dọa nghiêm trọng bởi Trung Quốc.

Tác giả chính Ashley Townshend đánh giá, tất cả các nước châu Á cần phải cân nhắc về sự thay đổi cân bằng quyền lực trong khu vực, đặc biệt là những nước muốn duy trì quan hệ tốt với các siêu cường, bởi vì lợi ích của họ nằm ở việc ngăn cản Bắc Kinh mở rộng "chính sách ngoại giao hung hãn".

Tuy nhiên, một số nhà phân tích quân sự Trung Quốc lại không đồng tình với nhận định trên và cho rằng, Bắc Kinh vẫn coi Mỹ là siêu cường mạnh nhất trong khu vực.

Cảnh báo bất ngờ từ hỏa lực tên lửa Trung Quốc tới hiện diện quân sự Mỹ tại châu Á - Ảnh 1.

Thiết bị chở theo tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-16 diễu hành qua Thiên An Môn vào tháng 9/2015 (ảnh: AP)

"Chúng tôi tôn trọng sự hiện diện có chừng mực của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương… hiện tại và trong tương lai, chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ là một cường quốc có trách nhiệm trên thế giới, bao gồm ở cả Tây Thái Bình Dương", ông Zhao Yi, một cựu chỉ huy cấp cao của hải quân Trung Quốc nói.

Còn ông Wu Shang-su, một học giả tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore nhận xét, mặc dù năng lực của Bắc Kinh làm làm gián đoạn đối thủ sử dụng không gian – có thể đang phát triển trong những năm gần đây, nó không có nghĩa là Trung Quốc có thể sử dụng năng lực này để kiểm soát không gian đó.

"Ví dụ, để nắm được Đài Loan hoặc bất kỳ địa điểm nào khác đòi hỏi Bắc Kinh phải thiết lập kiểm soát không phận, lãnh hải và không gian điện tử.

Hỏa lực của quân đội Trung Quốc có thể ngăn chặn Mỹ giành quyền kiểm soát nhưng họ cũng cần phải tăng cường khả năng kiểm soát để đạt được các mục tiêu của mình", ông Wu nhận định.

Đề cập tới sức mạnh của tên lửa Trung Quốc, báo cáo tính toán, Trung Quốc có khoảng 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 610 tên lửa tầm trung và hàng trăm tên lửa hành trình tầm xa phóng từ mặt đất.

Những tên lửa đạn đạo thông thường trên có khả năng nhắm trúng mục tiêu tận Singapore – nơi Mỹ có một cơ sở hậu cần quân sự lớn, cũng như các căn cứ của Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cảnh báo bất ngờ từ hỏa lực tên lửa Trung Quốc tới hiện diện quân sự Mỹ tại châu Á - Ảnh 2.

Tầm bắn của các tên lửa đạn đạo Trung Quốc

Trung Quốc còn sở hữu các tên lửa "hàng khủng" như DF-21D có thể tấn công các tàu sân bay của Mỹ ở khoảng cách lên tới 1.500km.

Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Liên Xô năm 1987 cấm triển khai các tên lửa có tầm hoạt động từ 500 – 5.500km.

Tuy nhiên, sau khi INF bị sụp đổ vào năm nay, Washington đã ra tín hiệu muốn triển khai các tên lửa như vậy – hoặc thậm chí là tối tân hơn, tại châu Á – Thái Bình Dương.

Số lượng các tên lửa tầm xa ngày càng gia tăng của Trung Quốc tạo ra một nguy cơ cho hầu hết các căn cứ, sân bay, cầu cảng và hạ tầng quân sự… của Mỹ, đồng minh và đối tác tại Tây Thái Bình Dương.

Theo các nhà nghiên cứu từ Australia, "số lượng các tên lửa tầm xa ngày càng gia tăng của Trung Quốc tạo ra một nguy cơ cho hầu hết các căn cứ, sân bay, cầu cảng và hạ tầng quân sự… của Mỹ, đồng minh và đối tác tại Tây Thái Bình Dương".

"Do các cơ sở trên có thể trở nên vô dụng bởi các đợt tấn công chính xác chỉ trong vòng vài giờ đầu tiên của cuộc xung đột, tên lửa Trung Quốc đang là một thách thức cho khả năng điều quân của Mỹ từ các địa điểm trong khu vực", báo cáo cảnh báo.

Trong trường hợp xung đột, các lực lượng của Mỹ cần có thời gian để tới địa điểm xung đột và cũng phải "chiến đấu để có thể tham chiến". Nó có nghĩa, Mỹ sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn tham gia một cuộc xung đột có tiềm năng "cực kỳ nguy hiểm và đắt đỏ" hoặc chọn không can thiệp – "nhường" viễn cảnh chiến thắng cho Bắc Kinh.

Báo cáo cũng chỉ ra, sự tiến bộ trong công nghệ quân sự của Trung Quốc không phải là lý do duy nhất tác động tới triển khai lực lượng Mỹ tại châu Á.

Trong số các yếu tố bên trong bao gồm cả việc sử dụng quá tải các thiết bị hải quân và không quân – một phần đến từ cam kết của Mỹ với các cuộc chiến ở Trung Quốc – và công tác bảo trì hạ tầng cơ sở thiếu hiệu quả.

Ngoài ra, còn có sự khác biệt ý thức hệ trong chi tiêu quốc phòng giữa các nhà lập pháp cũng là một yếu tố đóng vai trò lớn.

Một trong những đề xuất cải thiện tình hình mà báo cáo đưa ra đó là Australia nên mở rộng đóng góp cho an ninh khu vực bên cạnh Nhật Bản thông qua một loạt các biện pháp, bao gồm xúc tiến các kế hoạch đóng tàu ngầm và tăng cường năng lực tấn công từ mặt đất.

Các nhà nghiên cứu cũng kêu gọi Canberra thu hẹp quy mô triển hai hải quân tại Trung Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại