Căng thẳng với Mỹ leo thang, Trung Quốc dùng chính mô hình của Mỹ để chống đỡ

Minh Khôi |

Trung Quốc đang có chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nước phương Tây, khi căng thẳng Washington - Bắc Kinh vẫn tiếp tục leo thang.

Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giống Mỹ

"Dual circulation" (Lưu thông kép) đang dần trở nên như một thuật ngữ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Trung Quốc có vốn hoá lên tới 9,4 nghìn tỷ USD.

Sau khi nhắc đến "Lưu thông kép" trong một văn bản vào tháng 5, Bộ Chính trị Trung Quốc một lần nữa vào tháng trước đã nhấn mạnh chiến lược "Lưu thông kép" với vai trò quan trọng hỗ trợ phát triển cho nền kinh tế về lâu dài. Ý tưởng được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt ra là tiếp tục xây dựng nền kinh tế nội địa với sức chống chịu trước các rủi ro từ bên ngoài, trong khi tiếp tục gia tăng vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Các nhà hoạch định chính sách định hướng mô hình tăng trưởng của Trung Quốc trong tương lai sẽ không như Nhật Bản hay Hàn Quốc, mà gần giống với Mỹ", Yi Xiong, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Deutsche Bank ở Hong Kong, nói. "Xu hướng tiêu dùng của người dân trong nước sẽ ngày một trở nên quan trọng hơn so với khách hàng nước ngoài đối với các công ty".

Trước định hướng mới từ chính quyền Bắc Kinh, thị trường chứng khoán đã có phản ứng tích cực bằng việc nguồn vốn đổ mạnh vào các công ty trong lĩnh vực quốc phòng, tiêu dùng hay vệ tinh.

Một ngày trước cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 30/7 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Tập Cận Bình khi chiến lược "Lưu thông kép" được nhấn mạnh, ông Tập đã có cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp lớn và nói rằng "chúng ta cần đặt ưu tiên cao nhất cho thị trường nội địa có quy mô siêu lớn" trong bối cảnh xu hướng bảo hộ đang gia tăng và kèm theo đó là triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm.

Theo đó, chiến lược này là nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nước phương Tây, cũng tương tự như việc các nước muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc khi căng thẳng Washington - Bắc Kinh vẫn tiếp tục leo thang.

Tranh cãi về Lưu thông kép?

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế kỉ 21 được công bố vào ngày 11/8 cho rằng các thành phố Trung Quốc phụ thuộc vào thương mại quốc tế sẽ dần điều chỉnh hướng trọng tâm vào kinh tế nội địa.

"Một sự chuyển hướng có hệ thống từ các thành phố Trung Quốc khỏi hoạt động xuất khẩu trong vòng 5 năm tới sẽ thay đổi xu hướng thương mại toàn cầu và các chuỗi cung ứng", một nhà phân tích tại Trivum China, một công ty tư vấn tại Bắc Kinh, nhận định.

Vào tháng 10, Uỷ ban Trung Ương Đảng Trung Quốc dự kiến sẽ có cuộc họp để thảo luận kế hoạch phát triển 5 năm tới của Trung quốc, trong đó có thể bao gồm những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ nhu cầu nội địa.

Trong số đó, nhiều nhà phân tích dự báo có thể bao gồm giảm thuế thu nhập và đóng góp vào an sinh xã hội, tăng mức độ bao phủ y tế để khuyến khích người dân giảm bớt tiết kiệm và cải cách đất đai nhằm "mở khoá" tiềm năng tăng trưởng ở khu vực nông thôn.

Tiêu dùng cá nhân trong năm 2019 đóng góp tới 39% trong GDP của Trung Quốc, đây được cho là mức khá thấp không chỉ theo tiêu chuẩn của các nền kinh tế mới nổi mà còn cả nhóm G20, các nhà kinh tế tại Citigroup đánh giá trong báo cáo ngày 9/8. Trong khi đó, tại Mỹ, tiêu dùng cá nhân đã chiếm tới 2/3 GDP.

Nhưng "Lưu thông kép" cũng có thể sẽ tạo ra mối bận tâm cho các nhà đầu tư trong thời gian tới, khi những thảo luận này vẫn đang hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài của Trung Quốc.

Wu cho biết công ty của ông hiện đang cắt giảm dần các khoản đầu tư tại những công ty có hoạt động tập trung ở thị trường nước ngoài, ví như hàng tiêu dùng điện tử, và tập trung vào những công ty có vốn đầu tư nhà nước, ví như trong ngành vệ tinh.

Một số bày tỏ lo ngại xu hướng đầu tư mới sẽ khiến dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản giảm, trong khi có ý kiến nguồn thu nhập tăng cao sẽ thúc đẩy nhu cầu người dân đầu tư vào nhà cửa.

"Chiến lược mới đã gây ra nhiều tranh cãi tại Trung Quốc", Peng Wensheng, kinh tế trưởng tại tập đoàn China International Capital, nói về "Lưu thông kép". Đồng nghiệp của Peng, nhà phân tích Hanfeng Wang trước đó cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tập trung hơn nhằm duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và nhằm thay thế nguồn cung từ nước ngoài.

"Các nhà đầu tư tại Trung Quốc đã quen với việc đi theo định hướng của Chính phủ và thường đạt được những lợi ích không nhỏ", Hao Hong, chiến lược gia tại Bocom International nói. "Rốt cuộc, nếu bạn chơi bài trong một sòng bạc, việc cần làm chẳng phải là việc tuân theo luật chơi của nhà cái hay sao?"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại