Trung Quốc dẫn đầu, sở hữu 5/7 vắc-xin COVID ở giai đoạn cuối: Vì sao dư luận lo lắng?

Minh Khôi |

Trong số 29 loại vắc-xin đang thử nghiệm lâm sàng trên thế giới, 9 trong số đó là của Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.

Trung Quốc dẫn đầu trong việc sản xuất vắc-xin

Trung Quốc đang nổi lên như là nước đi đầu trong việc sản xuất vắc-xin COVID-19, động thái có thể hỗ trợ cho vị trí cường quốc của nước này nhưng cũng dấy lên quan ngại về vấn đề an toàn.

Trung Quốc có 9 vắc-xin đang ở trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó có 5 loại đang ở Giai đoạn 3 - giai đoạn cuối cùng trước khi được thông qua.

Thành quả này là nhờ vào quá trình nghiên cứu nhiều năm do nhà nước lãnh đạo về các bệnh truyền nhiễm. Tuần trước, nhà sản xuất dược phẩm CanSino Biologics đã tuyên bố sẽ thực hiện thử nghiệm giai đoạn 3 ở Ả Rập Saudi với 5000 tình nguyện viên.

Trong số 29 loại vắc-xin mới đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên thế giới, 9 loại là của Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc cũng sở hữu tới 5/7 vắc-xin trong Giai đoạn 3.

Vắc-xin của Trung Quốc được kỳ vọng đưa vào sử dụng sớm nhất là trong vài tháng tới.

Tiến bộ đáng kể này là kết quả của mối hợp tác mật thiết giữa các công ty dược phẩm và các viện nghiên cứu do nhà nước tài trợ.

CanSino là một công ty khởi nghiệp thuộc sở hữu tư nhân, nhưng đang theo đuổi nghiên cứu chung với sự hỗ trợ từ quân đội. Một nhà sản xuất thuốc khác, Sinopharm, đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, là một công ty nhà nước, trong khi Sinovac Biotech là một liên doanh giữa Đại học Bắc Kinh và các công ty Hồng Kông. Bộ Khoa học và Công nghệ được xem là đầu tàu trong chiến lược vắc-xin của đất nước.

Câu hỏi về mức độ an toàn

Trong Sách Trắng về các biện pháp đối phó với coronavirus vào tháng 6, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng việc phát triển vắc-xin sẽ được tiến hành đồng thời bằng cách sử dụng 5 cách tiếp cận khác nhau. Trong khi chưa biết loại vắc-xin nào có thể được đưa vào sử dụng trong thực tế, Trung Quốc đã chọn thử tất cả để có nguồn dự trữ quốc gia.

Theo truyền thông Trung Quốc, CanSino và Sinovac đang chuẩn bị công suất sản xuất từ 100 đến 200 triệu liều hằng năm với sự hỗ trợ của chính phủ.

Thế mạnh của Trung Quốc là vắc-xin bất hoạt, là loại vắc-xin sử dụng virus hoặc vi khuẩn được nuôi cấy và mất khả năng sinh bệnh. Ba trong số các vắc-xin của Trung Quốc trong giai đoạn 3 là vắc-xin bất hoạt, và trong số 5 nhóm trên thế giới đang theo đuổi vắc-xin COVID-19 bất hoạt, 4 là của Trung Quốc.

Vắc-xin bất hoạt đã có từ rất lâu, và tính hiệu quả và an toàn của chúng đã được chứng minh. Tuy nhiên, việc sản xuất tốn nhiều công sức và kém hiệu quả. Các nhà sản xuất dược phẩm châu Âu và Mỹ đã rút khỏi việc sử dụng phương pháp này.

Sức mạnh của Trung Quốc trong vắc-xin bất hoạt một phần có được là do kinh nghiệm đối phó với các bệnh truyền nhiễm lớn như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và cúm gia cầm trước đây.

Tuy nhiên, vắc-xin Trung Quốc hiếm khi được phân phối ra nước ngoài và chưa biết hiệu quả thực sự của chúng. Một nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết, ngay cả sau khi hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng, vẫn còn sự lo lắng về vấn đề an toàn.

Ngoại giao vắc-xin, cũng là một mối quan tâm.

Việc phát triển và triển khai vắc-xin COVID-19 ở Trung Quốc, khi sẵn sàng sẽ trở thành mặt hàng toàn cầu. Đây sẽ là đóng góp của Trung Quốc trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của vắc-xin ở các nước đang phát triển, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết tại cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới hồi tháng 5, thể hiện ý định chia sẻ vắc-xin COVID-19.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thúc giục Trung Quốc dành ưu tiên cho Philippines trong việc cung cấp vắc-xin, bất chấp bất đồng với Bắc Kinh về Biển Đông.

Tờ Nikkei Asian Review bình luận, có thể Trung Quốc sẽ sử dụng vắc-xin như một công cụ để gia tăng ảnh hưởng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại