Chiến lược "rùa biển" giúp Trung Quốc vươn lên trên mặt trận sản xuất vắc-xin

Minh Khôi |

Được gọi với cái tên "rùa biển", những người trở về đã tận dụng mối quan hệ và chuyên môn học được từ những nước như Mỹ hay Canada và thành lập các công ty dược phẩm.

Chiến lược một thập kỷ

Một thập kỉ trước, tại Canada, khi một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc ngồi bàn luận về năng lực sản xuất vắc-xin của Trung Quốc đang đi sau các nước phát triển về mức độ an toàn và chất lượng, họ đã quyết định phải làm điều gì đó để cải thiện tình hình.

Những người này sau đó đã rời bỏ vị trí họ đang nắm giữ tại những công ty dược phẩm hàng đầu ở Canada và sau đó thành lập một công ty sinh học dược phẩm ở Thiên Tân, với mong muốn một ngày nào đó có thể cạnh tranh với các nước phương Tây trong lĩnh vực sản xuất vắc-xin. Và bây giờ, CanSino Biologics, đang nhận được sự chú ý của toàn cầu khi vượt lên dẫn đầu trong quá tình sản xuất vắc-xin chống Covid-19.

Giám đốc điều hành của CanSino Yu Xuefeng, người từng giữ vị trí giám đốc cấp cao tại bộ phận sản xuất vắc-xin của công ty dược phẩm Sanofi tại Canada, vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ công việc giữa Canada và Trung Quốc. Yu đã thúc đẩy năng lực nghiên cứu của CanSino thông qua việc hợp tác với các tổ chức nghiên cứu lớn nhất của chính phủ Canada.

Trong khi tại Trung Quốc, Yu tiếp tục làm việc với một nhà khoa học quân đội nổi tiếng, đầu tiên là trong quá trình phát triển vắc-xin cho virus Ebola, và sau đó là virus corona.

Vào tháng 5, CanSino trở thành công ty dược phẩm đầu tiên công bố nghiên cứu hoàn chỉnh về thử nghiệm vắc-xin trên người, một bước đi quan trọng để các nhà nghiên cứu trên thế giới có thể đánh giá hiệu quả của vắc-xin.

Tất nhiên hiện vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá tiềm năng của vắc-xin do CanSino, hay bất cứ một công ty nào, sẽ có thể giúp ngăn chặn đà lan rộng của Covid-19. Tuy nhiên, những thành công ban đầu của CanSino cho thấy ngành công nghiệp sinh học dược phẩm còn non trẻ của Trung Quốc đang dần trở thành một đối thủ cạnh tranh tiềm năng trên thị trường toàn cầu, và có thể là một công cụ hữu hiệu.

"CanSino xứng đáng với những lời khen với việc nhanh chóng thúc đẩy quá trình nghiên cứu vắc-xin Covid-19 và sau đó là thử nghiệm trên người", Wang Ruizhe, một nhà phân tích trong lĩnh vực dược phẩm tại Capital Securities ở Thượng Hải cho biết. "Điều đó thể hiện năng lực của họ trong việc huy động và sử dụng nguồn lực một cách hữu hiệu, và nhất là khi nguồn lực đó rõ ràng không hề nhỏ".

Chính sách "rùa biển"

Trước đây, ngành dược phẩm Trung Quốc thường gặp phải các vụ việc liên quan đến chất lượng thuốc và thiếu an toàn. Nhưng những năm gần đây, tình hình đã bắt đầu cải thiện với việc hàng trăm nhà khoa học Trung Quốc được đào tạo ở phương Tây đã trở về nước.

Được gọi với cái tên "rùa biển", những người trở về đã tận dụng mối quan hệ và chuyên môn học được từ những nước như Mỹ hay Canada và tạo ra những công ty dược phẩm. CEO của CanSino Yu, 57 tuổi, có bằng tiến sĩ ở đại học McGill, Canada, ở lĩnh vực vi sinh học và sau đó là người đứng đầu bộ phận phát triển vắc-xin của Sanofi Pasteur tại Canada, là một trong số này.

Trong sự kiện trước khi đưa CanSino lên sàn chứng khoán Hồng Kông vào năm 2019, Yu đã mô tả sự lựa chọn khó khăn khi ông và những đồng nghiệp phải đưa ra để quay trở về Trung Quốc.

"Gần như toàn bộ gia đình chúng tôi vẫn ở lại Canada, và chúng tôi chỉ có thể gặp họ vài lần trong 1 năm", ông nói. "Khi nghĩ về những đứa trẻ sẽ lớn lên mà không có cha chúng bên cạnh, khi bạn biết vợ bạn phải dậy sớm trong thời tiết -20 độ C để đào tuyết, đó là những khoảnh khắc khó khăn".

Cái tên CanSino trong tiếng Trung Quốc mang ý nghĩa sức khoẻ, hi vọng và những lời hứa, trong khi về tiếng Anh, đó là sự kết hợp giữa Canada và Trung Quốc. Bên cạnh Yu, những lãnh đạo cao cấp khác của công ty cũng có mối liên hệ với Canada. Trưởng phòng Khoa học Zhu Tao cũng là một nhà khoa học cấp cao của Sanofi Pasteur tại Canada. Thành công của công ty rõ ràng được dựa trên những "sợi chỉ" gắn liền giữa 2 nước.

Vào tháng 2/2014, tức khoảng 5 năm sau khi quay trở lại Trung Quốc, Yu đã đăng ký bản quyền với một công nghệ mang tên HEK 293 tại Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Canada, vốn được cho là yếu tố cần thiết để có thể sản xuất lượng lớn vắc-xin. Đây được cho là nền tảng cho các nghiên cứu sau này trong công nghệ phát triển vắc-xin viral vector của CanSino.

Viral vector là cách gọi virus đã được sau khi đã sửa đổi gen để không còn nguy hại cho con người, nhưng vẫn có thể mang gen của mầm bệnh nhằm giúp hệ miễn dịch chống lại sự tấn công của virus tương tự. Vào năm 2014, chỉ một số ít công ty Trung Quốc có công nghệ này, ở thời điểm một nhà khoa học quân sự tên Chen Wei bắt đầu tìm kiếm những người có kiến thức về viral vector để thúc đẩy phát triển vắc-xin chống virus Ebola.

Ở vai trò là người đứng đầu Viện Công nghệ sinh học tại Học viện Khoa học y tế Quân đội, Chen bắt đầu hợp tác với CanSino để phát triển vắc-xin Ebola mà tới năm 2017 chính phủ Trung Quốc đã chấp thuận đưa vào nguồn dự trữ quốc gia.

Chen được coi như một ngôi sao tại Trung Quốc. Trong bộ phim mang tên Chiến lang 2 (Wolf Warrior 2), nhân vật một nhà khoa học đã phát triển vắc-xin chống một virus chết người tại châu Phi được cho là lấy hình mẫu từ bà. Chen cũng là người đã phát triển một liệu pháp điều trị được các nhân viên y tế Trung Quốc sử dụng ở thời điểm bùng phát SARS vào năm 2003.

Và lần này, sự hợp tác giữa CanSino và Chen đã mang lại những hiệu quả bước đầu với vắc-xin Covid-19 mang tên Ad5-nCoV, trong đó phải kể đến sự hỗ trợ từ chính quyền Bắc Kinh trong quá trình phát triển.

Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin trên người tại Vũ Hán vào ngày 16/3. Công ty Moderna có trụ sở ở Massachusetts, một trong những ứng viên phát triển vắc-xin Covid-19 hàng đầu tại Mỹ, cũng bắt đầu thử nghiệm trong cùng ngày. Chỉ chưa đầy 1 tháng sau, CanSino đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thứ 2 trên diện rộng. Ngày 22/5, khi công bố nghiên cứu này trên tạp chí y khoa the Lancet, kết quả ghi nhận "vắc-xin dường như an toàn và tạo ra cơ chế miễn dịch, nhưng vẫn còn vài thiếu sót".

Công nghệ viral vector có thể có giới hạn khi một số người đã có sẵn sự miễn dịch với vector virus được sử dụng để tạo vacine.

Trong quá trình thử nghiệm tới đây tại Canada, CanSino đã bổ sung thêm liều lượng vắc-xin đối với những trường hợp có sẫn miễn dịch với vector virus.

"Cansino đang trong cuộc chạy đua," William Hasetine, một nhà khoa học từng nghiên cứu HIV tại trường đại học Harvard nói. "Nhưng liệu ai đó vượt qua vạch đích vẫn còn là một ẩn số khi các dữ liệu về an toàn chưa được công bố".

Vẫn còn thách thức

Tuy nhiên, bước thử nghiệm cuối cùng sẽ là thử thách lớn đối với CanSino. Vắc-xin chống Ebola của công ty này được chấp thuận trên cơ sở khẩn cấp sau 2 quá trình thử nghiệm trên người, nhưng công ty chưa bao giờ hoàn tất quá trình thử nghiệm cuối cùng khi dịch bệnh bắt đầu bị kiểm soát ở châu Phi. CanSino do đó không tạo ra quá nhiều doanh thu bởi phần lớn sản phẩm của họ, bao gồm cả vắc-xin Ebola, đều trong quá trình phát triển, dẫu cho công ty cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh, dù không nhiều.

Sự kết nối của người sáng lập CanSino với Canada một lần nữa mang lại hiệu quả khi công ty bắt đầu thử nghiệm vắc-xin trong giai đoạn 3. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều thách thức khi các nghiên cứu đòi hỏi thử nghiệm quy mô lớn trong giai đoạn cuối nhưng số ca nhiễm tại Canada đang giảm dần. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã gần như kiểm soát được dịch.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Vắc-xin ở Trường đại học Dalhousie, những người tham gia vào quá trình thử nghiệm lâm sàng, nói rằng họ hi vọng sẽ bắt đầu giai đoạn 3 sớm nhất vào mùa thu này. Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada nói nếu các ứng viên vắc-xin được nhà chức trách chấp thuận, sẽ có phương án sản xuất vắc-xin cho trường hợp khẩn cấp tại Canada.

Trong khi đó, việc danh tiếng của Trung Quốc đã bị tổn hại sau những phản ứng mạnh mẽ về việc giới chức Canada bắt giữ lãnh đạo của Huawei tại Vancouver, các cáo buộc về Trung Quốc ban đầu giấu dịch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của CanSino tại Canada.

Một số công ty cũng đang trong cuộc chạy đua. Moderna kì vọng sẽ thử nghiệm vắc-xin cho 30.000 người tại Mỹ trong tháng 7, trong khi các thử nghiệm ban đầu của Pfizer và BioNtech SE cũng cho thấy sự an toàn và giúp bệnh nhân phát triển kháng thể chống virus. Một vắc-xin được đại học Oxford và AstrZeneca đồng phát triển cũng đang trong bước thử nghiệm cuối cùng trên người tại Brazil.

Trong khi đó ở Trung Quốc, Tập đoàn phát triển vắc-xin do Nhà nước sở hữu China National Biotec đã đạt được sự chấp thuận từ nhà chức trách tại UAE để thử nghiệm giai đoạn 3. Công ty Sinovac Biotech có trụ sở ở Bắc Kinh cũng đạt được thoả thuận thử nghiệm vắc-xin giai đoạn cuối tại Brazil. Kết quả của cả 3 công ty này, và cả CanSino, sẽ chỉ được công bố một khi các nghiên cứu khoa học được hoàn thành.

"Công nghệ viral vector mà CanSino đang sử dụng là khá an toàn so với các công nghệ khác, nhưng vẫn còn sớm để nói về tính hiệu quả", Wang, một chuyên gia nghiên cứu vắc-xin tại Thượng Hải nói. "Kinh nghiệm quá khứ cho thấy không ít những nghiên cứu đầy triển vọng nhưng đến bước thử nghiệm cuối cùng lại thất bại".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại