Lệnh cấm bất đắc dĩ "đánh bật" mục tiêu đầy tham vọng: Trung Quốc kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan

Tất Đạt |

Lệnh cấm đã khiến hàng trăm nghìn người ở nông thôn Trung Quốc mất việc, gặp thêm nhiều khó khăn trong đời sống.

Lệnh cấm của chính phủ

Liu Yanqun, một người nông dân nuôi chuột tre ở Trung Quốc (ở Việt Nam còn được gọi là con dúi), đang bắt đầu có nguồn thu nhập ổn định giữa lúc đại dịch do virus corona bất ngờ xuất hiện vào cuối năm ngoái.

Loại virus nguy hiểm này được cho là có liên quan tới hoạt động mua bán động vật hoang dã. Các nhà khoa học nói virus SARS-CoV-2 có thể xuất phát từ dơi và đã lây sang người thông qua một loài thú có vú khác.

Phản ứng lại thông tin này, Trung Quốc đã áp dụng luật cấm trên cả nước đối với hoạt động mua bán và tiêu thụ hàng loạt loại động vật vốn được coi là "đặc sản" tại nhiều địa phương ở Trung Quốc, bao gồm chuột tre, rắn hổ mang và cầy hương.

Lệnh cấm này đã khiến hàng trăm nghìn người ở nông thôn Trung Quốc mất việc dù chỉ vài năm trước đây, người dân tại các địa phương được khuyến khích mở các trang trại nuôi động vật hoang dã để thoát khỏi đói nghèo.

Lệnh cấm bất đắc dĩ đánh bật mục tiêu đầy tham vọng: Trung Quốc kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan - Ảnh 1.

Một nông dân nuôi chuột tre ở Trung Quốc. Ảnh: AFP

"Tôi cảm giác suy sụp. Rất khó để kiếm việc khác vào thời điểm này," Liu nói. Trang trại cỡ vừa với 800 con chuột tre của anh ở tỉnh Hồ Nam đã không thể hoạt động được nữa.

"Tôi không có bất kì kế hoạch nào cho tương lai".

Liu, 38 tuổi, đã chuyển đổi 6 căn phòng ở ngôi nhà cũ ở sâu trong những con đường đồi núi quanh co thành trang trại nuôi chuột 6 năm trước.

Liu đã bắt đầu thu lợi nhuận từ năm ngoái và - cũng như những người nông dân khác - Liu cảm thấy các khoản bồi thường của chính phủ để ngừng kinh doanh động vật hoang dã là không đủ.

Hồi tháng 5, Hồ Nam là một trong những tỉnh đầu tiên ở Trung Quốc bồi thường cho người dân để chuyển đổi nghề.

Theo SCMP, sau khi đánh giá giá trị kinh tế, các địa phương bồi thường 75 nhân dân tệ (khoảng 11USD) cho 1 kg chuột tre, 120 nhân dân tệ cho 1kg rắn hổ mang và 600 nhân dân tệ cho 1 con cầy hương.

Trả lời AFP, nông dân Trung Quốc cho biết số tiền này không tương xứng với giá trị thị trường của các con vạt, và chỉ trả được 1 phần nhỏ chi phí cơ sở hạ tầng mà họ tiêu tốn để xây dựng trang trại.

Lệnh cấm bất đắc dĩ đánh bật mục tiêu đầy tham vọng: Trung Quốc kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan - Ảnh 2.

Trung Quốc đã khuyến khích nông dân nuôi chuột tre để xóa nghèo. Ảnh: Tân Hoa Xã

Một nông dân nuôi chuột tre nói khoản bồi thường chỉ bằng một nửa giá thị trường. Một số người khác gặp nhiều khó khăn khi chờ chính quyền tới đánh giá giá trị kinh tế của số động vật này.

"Chúng tôi không thể giết chúng hay bán chúng," Li Weiguo, 61 tuổi, một nông dân nuôi rắn hổ mang cho biết những con rắn đã chết khi cán bộ địa phương tới.

"Tôi có hơn 3.000 con rắn nhưng chỉ được bồi thường cho khoảng 1.600 con," ông nói.

"Khóc thầm"

Chính sách mới của Trung Quốc đối với các trang trại nuôi động vật hoang dã đã làm ảnh hưởng tới gần 250.000 việc làm, chấm dứt hoạt động tiêu thụ số động vật trị giá tới 11 tỉ nhân dân tệ.

Với số tiền đền bù chỉ đủ trả một phần nhỏ khoản đầu tư, những người nông dân cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn để trả nợ trước khi khởi đầu kinh doanh thứ khác.

"Toàn bộ số tiền (cho kinh doanh) đều từ các khoản vay bạn bè và người thân. Tôi không có cách nào để trả nợ và ngày nào họ cũng đến hỏi tôi," Li - một nông dân nuôi rắn hổ mang - nói.

Một nông dân nuôi chuột tre khác có tên Huang Guohua cho biết anh đang chịu khoản nợ 400.000 nhân dân tệ.

"Năm ngoái, tôi có kế hoạch mở rộng kinh doanh... nhưng đại dịch COVID-19 khiến chúng tôi tổn thất nặng nề," Huang nói.

Kế hoạch của ông là tăng quy mô trang trại lên gấp 3 lần, tuy nhiên số tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã "đổ sông đổ bể" vì lệnh cấm nuôi động vật hoang dã.

"Tôi chỉ biết khóc thầm," Huang nói. Hiện tại ông đang nuôi thỏ và gà.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu xóa nghèo và "xây dựng xã hội tương đối thịnh vượng" vào cuối năm 2020.

Tuy nhiên, dường như mục tiêu này sẽ khó có thể đạt được vì nhiều yếu tố. Thậm chí kể cả trước khi đại dịch bùng phát, hơn 5 triệu người dân Trung Quốc vẫn sống trong diện nghèo - tức là chỉ có thu nhập dưới 2.300 nhân dân tệ (326 USD) một năm.

"Với đại dịch năm nay, chúng tôi đang quay trở lại cảnh nghèo - và thậm chí còn tệ hơn trước đó," Huang nói.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại