Căng thẳng khiến thị trường buôn bán vũ khí thế giới càng sôi động

HOA HUYỀN |

Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa công bố dữ liệu cho thấy, lượng chuyển giao vũ khí hạng nặng giai đoạn 2012-2016 đã đạt mức cao nhất so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Câu hỏi đặt ra là vào thời điểm thương mại quốc tế sụt giảm, tại sao thị trường vũ khí toàn cầu lại "sôi động" như vậy? Các cuộc nghiên cứu gần đây chứng minh, càng có nhiều xung đột và nguy cơ xung đột hay bất ổn thì buôn bán vũ khí càng rầm rộ.

Các mối đe dọa khủng bố, xung đột vũ trang, sự trở lại của cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng trên trường quốc tế đã thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trên toàn thế giới, với mức chi kỷ lục trong năm 2016 là 1.568 tỷ USD.

Theo ước tính của SIPRI, từ năm 2013 đến 2017, ở cấp độ toàn cầu, lượng vũ khí bán ra đã tăng bình quân 10%, trong đó Mỹ vẫn là nước bán được nhiều nhất, chiếm 34% thị trường, theo sau là Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc…

Căng thẳng khiến thị trường buôn bán vũ khí thế giới càng sôi động - Ảnh 1.

Tổ hợp Pantsir-S1 của Nga được nhiều nước quan tâm nhằm tăng cường khả năng phòng thủ. Ảnh: TASS.

Báo cáo của SIPRI cho biết, chi tiêu quân sự của Mỹ vẫn ở mức lớn nhất thế giới, lớn hơn chi tiêu của 7 nước đứng sau gộp lại, dao động luôn quanh mức 600 tỷ USD.

Về phần các khách hàng, Ấn Độ đứng đầu danh sách các nước nhập vũ khí nhiều nhất, theo sau là Saudi Arabia. Sau 15 năm tương đối giải trừ vũ khí, châu Âu nay có bước chuyển mới, sang chiến lược phòng thủ.

Trong khu vực Liên minh châu Âu (EU), hiện chỉ có 4 nước trong tổng số 28 nước thành viên tôn trọng mục tiêu 2% GDP dành cho quốc phòng do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ấn định. Nếu các nước khác cũng phải tuân theo mục tiêu trên, tổng chi phí của toàn khối quân sự này sẽ ở mức 100 tỷ USD hàng năm.

Hiện tượng tăng ngân sách quân sự một cách chóng mặt cũng diễn ra ở châu Á, khi tổng chi cho quốc phòng của châu Á cao hơn 100 tỷ USD so với tổng chi của toàn EU.Theo báo cáo của SIPRI, sau nhiều thập kỷ duy trì hoặc giảm chi phí quân sự, cuộc chạy đua vũ trang quay trở lại khi mức chi phí cho vũ khí tương đương với 2,3% tổng GDP của toàn thế giới.

Sự gia tăng chi tiêu quân sự được ghi nhận lần đầu tiên từ năm 2011, do gia tăng chi tiêu quốc phòng ở Trung và Đông Âu, Trung Đông, châu Á và châu Đại Dương. Đặc biệt là sự gia tăng đáng kể chi tiêu quân sự (13%) ở Trung Âu, cụ thể là ở các quốc gia láng giềng với Nga và Ukraine, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Slovakia và Estonia.

Trong khi đó, cách đây 10 năm, báo cáo của SIPRI cho biết, chi phí dành cho sản xuất và mua vũ khí trên toàn thế giới từ năm 2001 đến 2008 ở mức 1.339 tỷ USD.

Lý giải nguyên nhân về sự bùng nổ buôn bán vũ khí, các chuyên gia về quân sự lấy ví dụ về cuộc tấn công vừa diễn ra tại Syria cho thấy, dù cuộc tấn công chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn, bằng việc sử dụng tên lửa Tomahawak vào rạng sáng 14-4-2018, ngay lập tức nền kinh tế lớn nhất thế giới "mất" 240 triệu USD, và con số này nhiều khả năng sẽ chưa dừng lại.

Theo tờ Financial Times và các báo cáo độc lập, cuộc chiến ở Afghanistan cũng đã tiêu tốn của Mỹ khoảng 1.000 tỷ USD, trong khi 1.700 tỷ USD là cái giá mà Mỹ phải trả cho cuộc chiến ở Iraq.

Thậm chí, số liệu thống kê các khoản chi phí vẫn chưa dừng lại khi mà Washington vẫn tiếp tục phải chi trả các khoản phúc lợi xã hội cho cựu chiến binh trở về từ các chiến trường này.

Xung đột, căng thẳng, leo thang quân sự đặc biệt tại Trung Đông và tại một số khu vực trong những năm qua và dự báo tới đây vẫn không thuyên giảm sẽ càng khiến hoạt động buôn bán vũ khí tiếp tục bùng nổ.

Chỉ có điều đáng chú ý là các thương vụ buôn bán vũ khí lại diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ nghịch với xu hướng cắt giảm ngân sách quân sự, sự ì ạch về kinh tế ở nhiều quốc gia và việc kiểm soát súng đạn ngày càng lỏng lẻo.

Thêm vào đó, không giống như các hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân, các hệ thống kiểm soát vũ khí truyền thống lại chỉ tập trung vào việc bảo đảm rằng vũ khí không được bán cho những người sử dụng vô trách nhiệm, chứ không có chiến lược giải trừ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại