Tại công ty nọ, có một nhân viên được chính lãnh đạo trong đơn vị tuyển lựa. Suốt 5 năm công tác, anh rất nghiêm túc trong công việc, không ngại gian khó. Anh nghĩ rằng với năng lực của mình, chuyện thăng tiến trong công việc là điều hiển nhiên.
Thế nhưng, thực tế lại không được như vậy. Cả hai lần công ty đề bạt, anh đều không xuất hiện trong danh sách. Những người được chọn không vào sau thì cũng thua kém anh về mặt năng lực.
Tuy trong lòng có chút thất vọng, anh vẫn kìm nén và tin rằng mình sẽ tỏa sáng một ngày nào đó.
Đột nhiên, công ty tiến hành "trẻ hóa" lực lượng. Lãnh đạo của anh nghỉ hưu sớm 2 năm. Khi ông ra đi, các nhân viên bận chuyển văn phòng cho lãnh đạo mới, ít ai đến tiễn ông. Anh là người duy nhất giúp lãnh đạo cũ dọn dẹp, còn đưa ông ra tận xe.
"Khi nào rảnh, hãy đến thăm tôi. Tôi có chuyện muốn nói với cậu", ông dặn anh.
Trong một lần đến thăm sếp cũ, anh ta có ở lại ăn cơm. Hai người, một già một trẻ, cùng nhau hàn huyên lại chuyện cũ. Đến lúc này, vị lãnh đạo mới tiết lộ lý do tại sao anh nhân viên làm việc chăm chỉ mãi nhưng không thể thăng tiến.
1. Đừng ngại bộc lộ tình cảm chốn công sở
Tăng cường qua lại và thiết lập các mối quan hệ quen thuộc là tiền đề cơ bản của việc thăng chức. Vị sếp cũ hiểu rõ năng lực anh nhân viên, nhưng lại không thăng chức cho anh, bởi vì trong 5 năm qua, anh chưa từng đến thăm ông dù chỉ một lần.
"Cậu nghĩ rằng chỉ cần làm tốt công việc là đủ, nhưng tôi thì không. Người có năng lực rất nhiều, tại sao phải thăng chức cho một người không thân cận với mình? Cậu cố giữ khoảng cách với tôi, vậy tôi cũng sẽ giữ khoảng cách với cậu", ông nói.
Vị lãnh đạo cũng biết anh nhân viên không phải kẻ tệ bạc, nhưng trách anh đợi tới lúc mình nghỉ hưu mới bộc lộ tình cảm. Đây chính là một loại sai lầm.
Tình cảm phải được xây dựng khi lãnh đạo đang tại vị, khi đó họ mới có thể giúp mình. Chơi cổ phiếu cũng tương tự: phải bán khi được giá, còn đợi tới lúc nó biến mất khỏi thị trường mới nhớ ra thì chẳng khác gì đống giấy vụn.
2. Đừng để sếp mới biết bạn thân thiết với sếp cũ
Vị sếp cũ rất cảm động khi nhân viên đến thăm mình, nhưng cũng không quên nhắc nhở anh.
"Cậu có thể đến thăm lãnh đạo cũ, nhưng tuyệt đối đừng để lộ ra ngoài. Lãnh đạo mới lên chức sẽ cố dùng người thân tín và ủng hộ mình. Muốn được đề bạt, cậu phải nhận được sự tin tưởng của họ", ông khuyên.
"Nếu người mới biết cậu đến thăm người cũ, tự nhiên sẽ nảy sinh tâm lý nghi ngờ. Chẳng ai muốn sử dụng một người mà mình không thể tin tưởng. Vì thế, cậu sẽ bị bỏ rơi."
3. Sống lễ nghĩa, có trước có sau
"Công sở thật ra cũng là một loại chiến trường. Trước hết, cậu phải được lãnh đạo công nhận và sử dụng, đồng thời phải gạt bỏ mọi trở ngại trên con đường thăng tiến", vị sếp già căn dặn.
Việc đầu tiên là giảm thiểu số lượng kẻ thù. Nếu không thể không va chạm, hãy chừa cho đối phương một đường thoát, giữ cho họ chút thể diện. Đừng trở mặt hay làm nhục đối phương, biến họ thành "kẻ thù không đội trời chung".
Thứ hai là sống đàng hoàng. Đừng cố lấy lòng tất cả mọi người, vì làm như vậy chẳng được lòng ai. Hãy trở thành người sống tình cảm, chính trực, vừa có nguyên tắc lại vừa linh hoạt, cái gì từ chối được thì từ chối, đã giúp thì phải giúp.
Thứ ba là giao thiệp nhiều hơn. Bạn không được phép quên các nguyên tắc xã giao cơ bản, dù là đến nhà sếp, hẹn đồng nghiệp hay gặp khách hàng.
4. Đừng tham lợi nhỏ mà bỏ qua lợi lớn
"Đầu tư vào mối quan hệ với sếp không phải để họ giúp mình việc nhỏ nhặt, mà là để họ hỗ trợ mình những lúc quan trọng", vị lãnh đạo già khuyên. "Ví dụ, đến đợt thăng chức, họ sẽ đề bạt cậu. Lợi ích cậu nhận được sẽ vượt xa ‘khoản đầu tư’ thường ngày mà cậu bỏ ra cho mối quan hệ đó."
Đừng tiếc chút tấm lòng, cũng đừng chỉ biết nhờ những việc nhỏ. Nếu nhờ lãnh đạo những việc nhỏ nhặt, họ sẽ thấy bạn rất phiền hà, đến lúc then chốt sẽ loại bạn ra. Như vậy, bạn được con cá nhỏ nhưng sẽ đánh mất con cá to.
5. Sếp nói 1 phải hiểu 10
Lãnh đạo càng to, lời nói ra càng ngắn gọn, đòi hỏi cấp dưới phải hiểu. Là nhân viên, bạn không nên phàn nàn rằng sếp nói chuyện không rõ ràng. Bởi lẽ, đây cũng là một cách họ tự bảo vệ bản thân mình.
Nếu sếp nói rõ hết mọi chuyện, ai sẽ là người hưởng thành tích, ai là người chịu trách nhiệm? Hiểu được lời lãnh đạo nói cũng là một tiêu chuẩn để kiểm tra sự trưởng thành của bạn.
"Lãnh đạo phê chỉ thị, duyệt xử lý chính là để nhìn xem cậu xử lý công việc ra sao. Nếu cậu không thể làm việc ăn ý với lãnh đạo, làm sao có thể đòi hỏi họ coi cậu như người một nhà?", vị sếp già nói.
6. Để thành công, trước tiên phải học cách quản lý cảm xúc
Chẳng ai lại giao việc cho một người không có cảm xúc ổn định. Bởi lẽ, không kiềm chế được cảm xúc thì sao có thể làm được chuyện lớn?
Nếu không thể bình tâm, bạn sẽ bị đánh giá là thiếu năng lực. Vì thế, trong các mối quan hệ nơi công sở, đừng để mình dính vào những xung đột lợi ích cơ bản, cũng đừng dằn mặt ai công khai.
"Hãy nhớ kỹ: Không được mâu thuẫn với sếp bất cứ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ở nơi làm việc khó tránh khỏi sự cạnh tranh, nhưng hãy giữ mọi sự cạnh tranh này trong tối, đừng để lộ ra ngoài", vị lãnh đạo già nói tiếp.
7. Biết cách im lặng, nhìn thấu mà không cần nói ra
Người đời thường nói: "Mất 3 năm để học nói, nhưng phải mất 30 năm để học cách im lặng".
Thông thường, đa số nhân viên gặp tai họa đều từ miệng mà ra. Vì vậy, chỉ cần biết im lặng đúng lúc là bạn đã vượt trội hơn phần lớn đồng nghiệp của mình.
Thứ nhất, thẳng thắn dễ làm mất lòng người khác. Người trưởng thành biết cái gì nên nói, cái gì không.
Thứ hai, việc nhìn thấu mà không nói qua là biểu hiện của sự thông thái, chín chắn và cao thâm.
Thứ ba, việc nói ít đi có thể làm tăng cảm giác bí ẩn. Bí ẩn cũng là một loại sức mạnh, bởi vì con người từ khi sinh ra đã sợ hãi những thứ mình không hiểu. Càng bí ẩn càng thu về nhiều lợi ích; do đó, đừng để mọi người biết quá rõ về bạn.
Thứ tư, đừng nói quá nhiều về lòng tốt của bạn với người khác. Nói 1 lần, lòng biết ơn sẽ giảm đi 1 điểm; nói 3 lần, đối phương sẽ ghét bạn. Khi giúp đỡ người khác, đừng kể công quá nhiều, kỳ vọng càng cao thì thất vọng càng lớn.
(Theo Zhihu)