Cần lưu ý gì khi ăn cơm rượu, mận, vải Tết Đoan ngọ để không hại sức khỏe?

Đinh Kim |

Cơm rượu, mận hay vải đều là những món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan ngọ, tuy nhiên bạn cần lưu ý những điều này khi ăn kẻo sức khỏe “kêu cứu”.

Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch) thường được gọi dân dã là "Tết diệt sâu bọ" do đây là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nóng bức, côn trùng được dịp phát triển gây bênh cho con người, vật nuôi và cây trồng.

Theo truyền thống, vào Tết Đoan ngọ, người Việt thường sử dụng cơm rượu, ăn các loại hoa quả có vị chua, đắng, chát, ngọt (thường là quả vải và quả mận) hoặc bánh gio… để giết sâu bọ.

Cần lưu ý gì khi ăn cơm rượu, mận, vải Tết Đoan ngọ để không hại sức khỏe? - Ảnh 1.

Cơm rượu, mận và vải là những món thường thấy trong mâm cúng Tết Đoan ngọ. Ảnh minh họa

Nhiều người truyền tai nhau rằng những món ăn này có hiệu quả diệt sâu bọ rất tốt nếu được ăn ngay khi vừa ngủ dậy. Tuy nhiên, xét về mặt dinh dưỡng, bụng hoàn toàn trống rỗng sau một đêm dài, nếu lập tức ăn cơm rượu nếp, mận và vải thì sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Dưới đây là những điều quan trọng mà bạn cần lưu ý khi ăn 3 món quen thuộc dịp Tết Đoan ngọ:

Cơm rượu nếp

Cơm rượu nếp có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng bạn không nên ăn quá nhiều vì trong món ăn này có chất chua, lên men lastic tạo ra axit gây rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, chỉ nên ăn loại cơm rượu được lên men trong 3-4 ngày, tránh để lâu, lên men quá mức vì ngoài men rượu còn có men tạp.

Bạn cũng nên tránh ăn cơm rượu khi vừa ngủ dậy vì thời điểm này bụng hoàn toàn trống rỗng, nếu ăn thực phẩm giàu tính axit như cơm rượu thì dễ khiến dạ dày bị kích thích, dẫn đến viêm loét. Thời gian ăn tốt nhất là sau bữa ăn.

Cần lưu ý gì khi ăn cơm rượu, mận, vải Tết Đoan ngọ để không hại sức khỏe? - Ảnh 2.

Do cơm rượu được làm từ gạo nếp ủ men và đường nên có tính ấm, người có thể trạng nóng, bị dị ứng cần hạn chế ăn. Ngoài ra, trẻ ở độ tuổi dậy thì sẽ bị nổi mụn trứng cá nhiều hơn nếu ăn quá nhiều cơm rượu nếp.

Không cho trẻ dưới 10 tuổi ăn vì nhóm trẻ này dễ bị say. Người có bệnh lý đái tháo đường ăn vào rất nguy hiểm vì món này chứa đường hấp thu nhanh. Người có bệnh lý về dạ dày, người thừa cân béo phì cũng được khuyến cáo không nên ăn cơm rượu.

Mận

Tương tự cơm nếp, mận cũng không nên ăn vào thời điểm bụng đói do loại quả này có tính axit cao, nếu ăn ngay khi thức dậy lúc bụng rỗng hoặc khi đói thì không tốt cho dạ dày, dễ gây đau dạ dày.

Cần lưu ý gì khi ăn cơm rượu, mận, vải Tết Đoan ngọ để không hại sức khỏe? - Ảnh 3.

Bạn không nên ăn mận quá nhiều và tránh ăn mận xanh. Mận có tính nóng nên ăn nhiều mận có thể gây ra các hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt. Dù thích mận đến mấy thì bạn cũng chỉ nên ăn khoảng 4-5 quả nếu là người lớn, còn trẻ em ăn 2-3 quả mỗi ngày.

Bên cạnh đó, nếu dị ứng với mận thì bạn không nên ăn vì có thể gây sứng miệng hoặc cổ, bị ngứa. Người ốm, phụ nữ mang thai cũng cần hạn chế ăn mận do quả này có tính nóng, gây nóng trong người, nhiệt miệng và mụn nhọt khó chịu.

Vải

Theo Đông y, quả vải có đặc tính đại nhiệt, ăn nhiều sẽ dẫn đến các bệnh viêm nhiệt như trẻ em ngứa, nhiều rôm sảy, mun nhọt, trằn trọc khó ngủ, táo bón.

Quả vải cũng không nên ăn vào lúc đói vì dễ khiến cơ thể đột ngột ngấm quá nhiều đường, người ăn nhanh chóng xuất hiện hiện tượng nôn nao, hoa mắt, chóng mặt, bủn rủn chân tay, buồn nôn và nôn... Hiện tượng này được dân gian gọi là "say vải".

Cần lưu ý gì khi ăn cơm rượu, mận, vải Tết Đoan ngọ để không hại sức khỏe? - Ảnh 4.

Vải vốn có tính nóng nên người bị rôm sảy, nóng trong, thủy đậu nên tránh ăn, nếu không sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng. Người bị tiểu đường không nên ăn hoặc hạn chế ăn vải vì loại quả này chứa hàm lượng đường cao, nếu gan không chuyển hóa hết được fructose thì lượng đường trong máu sẽ tăng cao bất thường.

Riêng phụ nữ có thai nên tham khảo ý kiến của bác sĩ do vải không chỉ có tính nóng mà còn chứa lượng đường cao, ăn nhiều có khả năng dẫn đến tiểu đường thai kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại