Những cáo buộc kiểu như vậy dễ gây ra rúng động về truyền thông và dư luận. Nhưng kiểm nghiệm tình hình thực tế sẽ cho ra một kết luận hoàn toàn khác: Nga sẽ không đưa quân can dự ở Ukraine.
Kể từ năm 2014 - thời điểm Crimea sáp nhập vào Nga, Mỹ đã viện trợ an ninh cho Ukraine khoảng 2 tỉ USD, trong số này có hai lô tên lửa vác vai Javelin cùng nhiều vũ khí, trang bị quân sự khác. Trung tuần tháng 11 vừa qua, Anh và Ukraine cũng ký thỏa thuận cho phép Kiev tiếp cận các khoản vay từ London để đặt mua tàu chiến và tên lửa của Anh.
Nga có sức mạnh quân sự vượt trội, áp đảo so với Ukraine. Nhưng quyết định can thiệp quân sự ở nước láng giềng sẽ khiến Moskva phải chịu tổn thất lớn về quân sự.
Nổ ra xung đột, gần như chắc chắn Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ sẽ nhảy vào bảo vệ đồng minh, ít nhất cũng cung cấp vũ khí, thông tin tình báo và vì thế đẩy thế giới đến một cuộc xung đột quốc tế lớn. Nga không thu được thành quả gì về quân sự nếu nổ ra một cuộc chiến ở ngay cửa ngõ của mình.
Dưới góc độ kinh tế, việc chiếm đóng quân sự ở Ukraine sẽ khiến Nga tổn thất lớn. Moskva tiếp tục phải chi khoản ngân sách lớn cho Crimea, với số tiền 1,5 tỉ USD chỉ riêng trong năm nay để trang trải cho 68% ngân sách của bán đảo này. Đưa quân vào sâu lãnh thổ Ukraine, nơi chắc chắn không có được sự ủng hộ của công chúng như từng xuất hiện ở Crimea, sẽ khiến phí tổn Nga phải gánh chịu còn cao hơn.
Đây là một phần lý do tại sao Nga không hào hứng chiếm giữ, sáp nhập miền Đông Ukraine, đặc biệt là vùng Donbass, ngay cả khi Moskva có điều kiện thuận lợi để làm điều đó hồi năm 2014 – khi lực lượng ly khai Donbass hối thúc Nga tiếp quản vùng lãnh thổ này.
Khi Nga ra tay can thiệp, Mỹ và EU chắc chắn sẽ áp lệnh trừng phạt hà khắc chống Moskva, khiến nền kinh tế vốn đã mong manh của Nga đối diện với thách thức lớn hơn.
Hệ quả kế tiếp chính là việc mức sống của người dân Nga sụt giảm, khiến tỉ lệ ủng hộ của dân chúng với Tổng thống Vladimir Putin giảm.
Trong vụ việc Crimea năm 2014, chủ nghĩa dân tộc là điều dễ nhận được sự đồng cảm của người dân Nga. Nhưng ở thời điểm hiện tại, không nhiều người ủng hộ một cuộc can dự quân sự của Nga tại nước láng giềng Ukraine, điều sẽ kéo theo trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.
Xét về phương diện ngoại giao, ông Putin không mong muốn hủy hoại hoàn toàn quan hệ với châu Âu, Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại châu Á.
Quan hệ Nga - Phương Tây đã rơi vào băng giá gần đây, nhưng một cuộc tấn công vào Ukraine sẽ khiến các đồng minh ít ỏi của Nga, đặc biệt là các nước ở Trung Á, bị sốc. Nga sẽ bị mang tiếng là nhân tố gây bất ổn ở châu Âu, khó có thể tìm kiếm hợp tác từ các nước trong khu vực.
Binh sĩ Ukraine cùng vũ khí hạng nặng ở Donbass. Ảnh: Reuters
Tựu chung lại, đưa quân can thiệp ở Ukraine sẽ bất lợi cho Nga trên mọi phương diện – từ quân sự, kinh tế cho tới ngoại giao. Vậy ý định của Nga đằng sau bước gia tăng sức ép quân sự áp sát biên giới Ukraine là gì?
Có thể lý giải điều này ở nhiều góc độ khác nhau. Mục tiêu quan trọng nhất Nga hướng tới khi tăng cường răn đe quân sự là buộc Ukraine và NATO phải nhượng bộ. Nga có thể đang gửi đi thông điệp tới Kiev, buộc Ukraine dừng ngay kế hoạch gia nhập NATO.
Đó là cách Moskva đáp trả việc Tổng thống Volodymyr Zelensky mới đây kêu gọi NATO đẩy nhanh tiến trình xét kết nạp thành viên đối với Ukraine.
Cũng có thể Nga không hài lòng với cuộc diễn tập quân sự do Ukraine đứng đầu, có sự tham gia và hỗ trợ quân sự của Mỹ hồi tháng 9 vừa qua. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Nga muốn đánh loãng sự chú tâm của cộng đồng thế giới đối với Belarus, một đồng minh thân cận của Moskva vốn đang chịu sức ép lớn từ EU sau cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm ngoái.
Bất chấp lý do khiến Nga điều chuyển lực lượng, tăng cường áp sát biên giới Ukraine là gì, Tổng thống Putin sẽ không bật đèn xanh để quân đội Nga tiến vào Ukraine. Những luận điểm đối lập đến từ giới chức phương Tây là không hữu ích và chỉ làm xấu đi quan hệ đang căng thẳng với Nga.