Căn cứ không quân Mỹ bị tấn công dữ dội bằng tên lửa

Hòa An |

Căn cứ Không quân Balad của Mỹ đã bị tấn công bằng tên lửa. Đây là lần thứ 3 trong hơn 2 tháng qua, căn cứ của Mỹ bị tấn công.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Ngày 4/4, một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Căn cứ Không quân Balad ở khu vực miền trung của Iraq. Quân đội Mỹ được cho sẽ có hành động đáp trả.

Một nguồn tin an ninh Iraq nói với hãng tin tức al-Ain, 2 quả tên lửa đã bắn trúng căn cứ không quân cách thủ đô Baghdad của Iraq 64 km về phía bắc.

Kênh TV có trụ sở tại UAE dẫn một nguồn tin cho biết: “Hai quả tên lửa đã tấn công vào khu vực rất gần hàng rào bên ngoài căn cứ. Vụ tấn công không gây thiệt hại về người”.

Hãng tin tức Sabereen cho biết, khu vực Căn cứ Không quân Balad của Mỹ đã đóng cửa sau cuộc tấn công. Các quân nhân Mỹ không được phép di chuyển ra bên ngoài.

Cho đến nay, chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công Căn cứ Không quân Balad. Các nhóm do Iran hậu thuẫn từng thực hiện các vụ tấn công tương tự trong quá khứ và bị coi là nghi can chính của vụ tấn công này.

Đây không phải là vụ tấn công tên lửa đầu tiên vào căn cứ của Mỹ ở Iraq. Hai cuộc tấn công tương tự đã diễn ra vào đầu năm nay.

Ngày 15/2, một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào khu vực quân sự của sân bay quốc tế Erbil ở miền bắc Iraq. Một nhà thầu người Philippines đã thiệt mạng. Năm nhà thầu khác, 2 binh sĩ Mỹ và 2 thường dân bị thương.

Sân bay quốc tế Erbil là nơi đóng quân của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại thủ phủ vùng tự trị của người Kurd. Đây là cơ sở quan trọng đối với các hoạt động của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nhóm dân quân tự xưng là Saraya Awliya al-Dam đã nhận trách nhiệm về vụ tập kích. Nhóm này tuyên bố, họ đã tiến hành cuộc tấn công nhằm vào "lực lượng Mỹ chiếm đóng" tại Iraq nhưng không đưa ra bằng chứng.

Sau đó, ngày 3/3, một cuộc tấn công bằng tên lửa cũng đã xảy ra. Lần này, mục tiêu là căn cứ không quân Ain Assad ở phía tây Iraq. Một nhà thầu Mỹ đã chết trong vụ tấn công, nguyên nhân cái chết được cho là do “đau tim” khi đang ở nơi trú ẩn.

Khi cuộc tấn công xảy ra, căn cứ Ain al-Asad có khoảng 2.500 lính Mỹ. 10 quả tên lửa đã bắn liên tục và căn cứ. Giới chức Mỹ nghi ngờ các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn đứng sau hành động này.

Hồi đầu năm 2020, Iran đã tấn công căn cứ Ain al-Asad sau khi tướng chỉ huy đặc nhiệm Qassem Soleimani của nước này thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ. Cách đây vài ngày, Mỹ đã công bố hình ảnh cuộc tấn công của Iran hồi đầu năm 2020.

Các cuộc tấn công vào căn cứ của Mỹ nhằm mục đích buộc lực lượng Mỹ phải rút quân khỏi Iraq. Tuần tới, Baghdad và Washington sẽ bắt đầu “đối thoại chiến lược” về một số vấn đề, bao gồm cả sự hiện hiện của quân đội Mỹ ở nước này.

Mỹ đưa quân vào Iraq từ năm 2003 để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein. Sau đó, theo lệnh của cựu tổng thống Barack Obama, quân đội Mỹ rút hoàn toàn khỏi Iraq vào tháng 12/2011.

Nhưng rồi, Mỹ quay lại từ năm 2014 để chống IS theo đề nghị của chính phủ Iraq. Hiện tại, hàng nghìn binh sĩ Mỹ vẫn đang đồn trú tại Iraq để huấn luyện và hỗ trợ quân đội nước này chống lại IS.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại