Cán bộ Viettel đời đầu kể chuyện làm đường trục “thần thánh” của quân đội Việt Nam

Hòa Nguyễn |

Năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông Nguyễn Đình Trụ, nguyên Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế Viettel, vẫn rất khỏe mạnh. Ngồi hàng giờ liền, ông kể vanh vách những con số, mốc thời gian, kỷ niệm… từ cách đây 30 năm - những ngày đầu tiên Viettel được thành lập.

“Có lẽ là nhờ những cuốc đi bộ cả vài chục km mỗi ngày để khảo sát làm hạ tầng tôi mới có sức khỏe như giờ”, ông Trụ hóm hỉnh. Câu chuyện “từ thời đi làm thuê” qua lời kể của một cán bộ đời đầu Viettel, cho thấy ý chí cũng như quyết tâm của những người lính thời bình.

Lý do ra đời của Viettel

Tính thời gian chính thức, ông Nguyễn Đình Trụ chỉ công tác ở Viettel khoảng 13 năm. Nhưng ông chính là một trong những cán bộ làm việc tại Tổng Công ty Điện tử thiết bị thông tin (SIGELCO) - công ty tiền thân của Viettel từ những ngày đầu tiên.

Trước khi Viettel được thành lập, khoảng những năm 1982-1984, cán bộ thuộc Công ty Công trình Bộ Tư lệnh Thông tin, trong đó có ông, được giao nhiệm vụ quan trọng là tháo gỡ các thiết bị thông tin trong chiến tranh.

Sau đó, những thiết bị này được dùng để lập đường trục vi ba đầu tiên dọc đất nước từ Hà Nội vào Đà Nẵng, từ Đà Nẵng đi tiếp đến miền Nam, Tây Nguyên.

Cán bộ Viettel đời đầu kể chuyện làm đường trục “thần thánh” của quân đội Việt Nam - Ảnh 1.

“Hồi đó bưu điện chỉ có mấy kênh thôi, còn nhiệm vụ sau khi hoàn thành thì có trục vi ba với khả năng truyền được 300 kênh thoại, 1 kênh truyền hình”, ông nhớ lại. Giai đoạn ấy, những cán bộ từ Cu Ba giúp đỡ bộ đội Việt Nam khá nhiều trong việc khảo sát, xây cột ăng-ten, đưa cột lên đỉnh núi, giúp tìm vị trí, thiết kế nhà trạm…

Đến năm 1989, đường trục hoàn thành, được bàn giao cho công ty bưu điện quản lý khai thác. Những cán bộ, người lính tham gia trực tiếp vào quá trình lập đường trục vi ba đầu tiên đã hoàn thành nhiệm vụ.

“Kinh nghiệm về khảo sát, thiết kế đường vi ba, cột cao để thiết lập đường truyền bằng vi ba đã có. Sau bàn giao, số nguyên liệu còn lại của các công trình vẫn còn, nhân lực thì có sẵn”, ông Trụ nhớ lại và lý giải đó chính là nguyên nhân mà Tổng Công ty Điện tử thiết bị thông tin (SIGELCO) - doanh nghiệp tiền thân của Viettel - được thành lập.

Đó là ngày 1/6/1989. Những người lính bắt tay vào làm kinh tế.

Nhìn lịch sử Viettel, có thể thấy, giai đoạn khó khăn nhất chính là khi bắt đầu thành lập (năm 1989) đến khi được cấp phép đầy đủ kinh doanh viễn thông ở Việt Nam vào năm 1995.

Đây là thời kỳ mà Viettel phải nếm trải những khó khăn, vất vả với việc vừa đồng thời phải đi làm thuê để tồn tại, tích lũy kinh nghiệm, gây dựng đội ngũ, vừa phải nuôi và giữ niềm tin rằng người lính có thể làm kinh tế.

Kinh nghiệm làm viễn thông độc nhất thế giới của người lính

Sau khi thành lập, SIGELCO vẫn đi làm thuê cho bưu điện. Thời kỳ đó, Nhà nước có chính sách tăng tốc về thông tin nên ngành bưu điện rất phát triển. “Cũng vì thế mà chúng tôi mới có cơ hội được… đi làm thuê.

Khảo sát vi ba, xây cột, nhà trạm, chúng tôi làm mọi việc được thuê, miễn là học được kinh nghiệm và có… tiền. Làm mãi cho đến khi có dịch vụ 178 được cấp phép thì mới chuyển ra làm riêng”, ông Trụ tâm sự.

Cán bộ Viettel đời đầu kể chuyện làm đường trục “thần thánh” của quân đội Việt Nam - Ảnh 2.

Khi kể lại giai đoạn đi làm thuê ấy, nét mặt của cựu lãnh đạo Viettel không giấu được niềm tự hào, xúc động. Ông nói chính những ngày làm thuê cho Bưu điện đã tạo nên bản lĩnh cho người Viettel như tiên phong nghiên cứu thiết lập đường trục vi ba, làm được những cột ăng-ten cao cả trăm mét.

Nhờ những kinh nghiệm đó, khi tự làm hạ tầng cho mình sau này, Viettel không còn bỡ ngỡ, không phải “rút kinh nghiệm”.

Đây cũng là khoảng thời gian mà ông - với tư cách là cán bộ tư vấn, thiết kế - học được nhiều bài học, bổ sung được nhiều kiến thức thực tế nhất. Giai đoạn đó chưa có các thiết bị, máy móc hiện đại như bây giờ. Người làm tư vấn thiết kế phải mở bản đồ quân sự, chấm 2 điểm trên bản đồ, vẽ bản vẽ mặt cắt để sóng vi ba được truyền thẳng.

“Giờ có máy móc thì nhàn chứ hồi đó phải kẻ thẳng, chấm từng điểm, vẽ từng milimet một mà phải vẽ rất lâu. Chưa kể, có những ngày đi bộ cả 20-30 km”, ông chia sẻ.

Trong lần đi khảo sát ở Sơn Động, Bắc Giang, do không có ô tô, người Viettel phải thuê công nông của người dân để đi. Lúc về gặp mưa, lũ, cả đội tưởng sẽ bị lũ cuốn.

“Lúc đó ai đó mới nảy ra sáng kiến thôi thì… đứng hết lên công nông. Công nông nặng, lũ mà không cuốn được thì người thoát. Thế là anh em hè nhau đứng lên xe, cũng may xe không trôi nên thoát chết”, ông kể.

Rồi chuyện đi lên rừng khảo sát bị vắt rừng bám vào quần áo dày đến mức phải cởi vứt bỏ đồ là chuyện bình thường. “Cũng may là người dân ủng hộ. Chúng tôi đi đến đâu, dân ủng hộ đến đó, vì nói thật là hồi đó ai cũng muốn có cáp để giá cước được rẻ hơn, liên lạc được thông suốt”, ông nhớ lại.

Một kỷ niệm mà ông Trụ bảo sẽ không bao giờ quên đó là một lần đi khảo sát, lúc xuống núi thì vừa đói vừa mệt, vào lán của một người dân: “Ông ấy còn có một quả trứng gà, mang ra chưng lên cho tôi ăn với cơm. Đó là bữa cơm ngon nhất trong cuộc đời mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ”.

Những kinh nghiệm của việc truyền sóng trên núi, trên biển khi đó cán bộ mới được nghe lý thuyết, chưa được làm thực tế. Khi làm cho bưu điện tỉnh Quảng Ninh phải truyền sóng từ Đèo Nai ra Cô Tô, chặng đường khoảng 50 km nhưng ở giữa lại có núi chặn.

Ông Trụ chia sẻ khi ấy việc truyền sóng không thành công vì sóng khi truyền qua biển bị ảnh hưởng bởi thủy triều. Để truyền được, phương án đưa ra là phải có một trạm phụ. Còn truyền sóng nhiễu xạ từ điểm này sang điểm kia qua núi cũng gặp khó khăn vì cứ gặp gió là sóng nhiễu loạn.

“Khi ấy thì anh em mới nghĩ ra cách làm một… đỉnh núi giả bằng lưới B40 giữa đường truyền để sóng gặp vào là như gặp điểm phát. Hồi đó duy nhất Việt Nam làm thế, mà hiệu quả thật vì cây cối không còn là thứ ảnh hưởng sóng nữa.

Thế là thành công”, ông nhớ lại. Chính những kinh nghiệm như vậy đã giúp cho Viettel rất nhiều sau này, khi qua giai đoạn làm thuê chuyển sang làm chủ.

Đi làm thuê là thời kỳ gian khổ nhất nhưng cũng tràn đầy cảm xúc trong cuộc đời của ông Nguyễn Đình Trụ. “Hồi đó ai cũng nghĩ bộ đội thì chỉ biết đánh nhau. Nhưng cuối cùng, chúng tôi chứng minh cho người dân thấy bộ đội còn biết làm kinh tế”, ông kể. Người lính Viettel đời đầu tâm sự, ông chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc, dù khó khăn chồng chất khó khăn.

Khởi tạo thực tại mới với đường trục “thần thánh”

Năm 1999, Viettel hoàn thành đường trục cáp quang 1A dài 2.000 km Bắc - Nam với dung lượng 2.5 Gbps với công nghệ hiện đại nhất Việt Nam.

Đường trục có số hiệu 1A này được gọi là kỳ tích của Viettel khi áp dụng thành công sáng kiến thu, phát trên một sợi quang. 1A được coi là đường trục “thần thánh” của Viettel vì nó là điểm khởi đầu cho nhiều thành tựu lớn sau này trong lĩnh vực viễn thông.

Đoạn đầu tiên, Viettel làm từ Hà Nội lên Hòa Bình. Đội của ông Trụ được giao nhiệm vụ đi khảo sát để đặt cáp quang. Được Nhà nước cấp phép làm sợi cáp quang trên đường dây 500 KV, nhiệm vụ của doanh nghiệp cho nhánh đầu tiên là xây trạm từ Hà Nội lên Hòa Bình.

Cán bộ Viettel đời đầu kể chuyện làm đường trục “thần thánh” của quân đội Việt Nam - Ảnh 3.

Mọi công đoạn khảo sát đều được làm khá thủ công. Vẽ tay, tính bằng tay, cán bộ Viettel khi đi khảo sát thì lăm lăm trên tay cái máy tính cá nhân. “Bây giờ đi khảo sát có máy này xe kia, chứ hồi làm cáp quang A1 thì đi bộ hết. Nhóm thường có 4 người: 1 lấy số liệu, 1 đẩy xe, 1 chỉ huy và một anh tài xế.

Đẩy xe đi từng nơi, mất công vô cùng, lên đồi leo rất mệt, rồi chưa được lại phải đi để chỉnh sửa lại… Nói chung làm việc không tính theo giờ, mà tính bằng… độ mệt.

Cứ sáng sớm xách máy đi, đến tối không nhìn thấy gì nữa, người mệt mới nghỉ”, ông Trụ kể lại. Thời đó, ông Trụ làm Phó giám đốc, vẫn trực tiếp xuống hiện trường khảo sát.

Việc chuyển thiết bị, nguyên liệu qua những vùng có địa hình khó khăn đèo dốc cũng có một không hai. Cán bộ khảo sát như ông Trụ khổ một thì những người trực tiếp thi công khổ gấp 10 lần. Nhiều đoạn qua đèo dốc các phương tiện không đi được, phải chuyên chở bằng xe trâu.

“Trong giao ban, có người đứng lên phát khóc vì áp lực. Mình nghĩ đã cố gắng hết sức rồi nhưng có nhiều yếu tố tác động nên không đạt kỳ vọng của lãnh đạo, bị lãnh đạo mắng, trong lòng ấm ức nhưng giãi bày không được vì thực tế đúng là chưa xong”, ông Trụ nhớ lại.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng, nguyên phó giám đốc trung tâm thể thao kể lại giai thoại “chết hụt” của người đồng nghiệp. Chức danh của ông Tùng lúc đó là trợ lý kỹ thuật, chỉ huy triển khai tuyến cáp quang 1A đoạn Buôn Ma Thuột - Nha Trang.

Hôm đó, Viettel đang thi công ở miền Trung. Khoảng 21h tối, nhóm 4 người có ông Trụ, ông Tùng đi uống cà phê. Ông Trụ thấy mệt nên đi về, đo huyết áp được 160/155.

Lúc đó, ông Trụ mệt quá, nắm tay ông Tùng nói: “Nếu có sao, phải hứa là đưa tôi ra Bắc nhé, đừng để tôi lại trong này!”. May là sau đó tài xế mua được thuốc, ông Trụ uống xong, ngủ thiếp đi đến 12h đêm tỉnh lại thì thấy bình thường.

Khi được hỏi trong những giai đoạn gian khổ, khó khăn như vậy ông Trụ có bao giờ định “bỏ ra ngoài làm” hay “dừng lại”, người lính Viettel thời kỳ đầu cười ha hả.

Ông bảo nếu nói về hy sinh và khó khăn, vợ và các con ông mới là những người phải chịu nhiều nhất. Còn bản thân ông, đã là người lính, làm việc ở Viettel, thì không bao giờ có ý định dừng lại hay bỏ cuộc.

“Giá trị cốt lõi của Viettel là kỷ luật, quyết tâm như người lính thì không có chuyện dừng lại vì khó khăn. Không làm được thì phải nghĩ do mình chưa làm tốt, chưa cố gắng hết sức và cần thử đến khi nào làm bằng được mới thôi”, ông Trụ nói.

Người lính này nghỉ hưu năm 2008 nhưng vẫn tiếp tục làm việc cho Viettel tới năm 2013. Khoe chúng tôi chiếc điện thoại với đầu số 098 - đầu số “đời đầu” của nhà mạng quân đội, ông bảo lúc nào cũng tự hào vì từng là “người Viettel”.

“Làm Viettel tính ra có ngần ấy năm nhưng cái ‘máu Viettel’ ngấm trong người rồi. Đến giờ, nghỉ hưu rồi, ra đường nhìn thấy chỗ nào có màu sơn xanh trùng màu logo của nhà mạng là lại nhớ về Viettel”, ông Nguyễn Đình Trụ chia sẻ.

Khởi đầu là một công ty nghèo khó, đầy khó khăn nhưng Viettel đã bắt đầu với ngành viễn thông bằng việc xây dựng đường trục cáp quang 1A và sau này cũng là các đường trục cáp quang tiếp theo.

Điều này thể hiện triết lý xây dựng hạ tầng bền vững của một công ty luôn muốn tạo ra một thực tại mới, làm điều khác biệt. Trước đó, các công ty nước ngoài thường chọn viba vì triển khai nhanh, giá rẻ chứ không đầu tư ban đầu cho cáp quang.

Giờ đây, tại Việt Nam, Viettel đã có tới 5 đường cáp quang với chiều dài đủ quấn 7 vòng trái đất. Còn nếu tính số km cáp quang của Viettel trên toàn thế giới, chiều dài có thể quấn đủ 9 vòng. Trên thế giới, chỉ có Viettel mới làm như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại