Một nhân viên bếp tại một nhà hàng cháo Man Lin lục lọi thức ăn thừa để nấu lại phục vụ lại cho khách hàng. Ảnh: Truyền hình Phúc Kiến
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, nhân viên nhà bếp của chuỗi nhà hàng cháo Man Ling – thương hiệu có hơn 1.000 cửa hàng trên khắp Trung Quốc- đã bị phát hiện dùng thức ăn thừa để nấu cháo cho thực khách.
Trong một đoạn phim phát sóng trên một đài truyền hình Phúc Kiến, một nhân viên của quán cháo được nhìn thấy đang gắp sườn lợn ra khỏi nồi cháo thừa và dùng chúng để nấu cháo thịt và khoai mỡ cho những khách hàng khác.
“Vâng, đây là đồ ăn thừa. Hoàn toàn ổn để nấu lại”, một nhân viên khác trả lời câu hỏi của phóng viên đài truyền hình trên trong lúc giả dạng khách hàng.
Bên cạnh đó, nhà hàng này cũng bị phanh phui nhiều lần chế biến thức ăn mà không rửa tay. Camera đã ghi lại được cảnh các nhân viên nhà bếp chế biến thức ăn chín bằng tay bẩn nhiều lần.
Cháo Sanmi Congee, chuỗi nhà hàng nổi tiếng khác với hơn 1.100 cửa hàng trên toàn quốc, cũng bị điều tra về hành vi thuê người không có giấy chứng nhận sức khỏe và có các hành vi mất vệ sinh tương tự tại một trong những cửa hàng của Sanmi Congee trong thành phố.
Hiện tại, các cửa hàng trên đều đã phải đóng cửa để kiểm tra sau phóng sự gây sốc của đài truyền hình Phúc Kiến. Phía Man Ling cũng đã lên tiếng xin lỗi vì làm khách hàng của họ thất vọng. Sanmi Congee sau đó cũng có động thái tương tự.
Cả hai thương hiệu, thuộc sở hữu của hai công ty khác nhau có trụ sở tại Thượng Hải, phát triển mạnh trong những năm gần đây trong bối cảnh ngành giao hàng thực phẩm của Trung Quốc bùng nổ.
Mỗi năm, Man Ling bán tổng cộng hơn 180 triệu bát cháo, theo một ứng dụng phân tích dữ liệu đặt hàng thực phẩm có tên Food Info.
Thương hiệu này đã trở thành một chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc vào năm 2019 khi người dẫn chương trình và nữ diễn viên Đài Loan Dee Hsu công khai ca ngợi món ăn này trên Weibo.
“Khi tôi làm việc ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, tôi luôn gọi món cháo ở nhà hàng Man Ling. Nó thực sự rất ngon!” nữ diễn viên viết.
Tuy nhiên, sau quả "drama" to đùng này, dân mạng Trung Quốc cũng bắt đầu hãi hùng với những thương hiệu có slogan "thực phẩm sạch giá rẻ".