Trung Quốc thời cổ đại, quan hệ huyết thống có vị trí rất quan trọng. Nếu bạn là hoàng thân quốc thích thì dân chúng trong thiên hạ đều phải kính trọng, ngưỡng mộ bạn. Đây cũng chính là lí do giải thích việc Lưu Bị thời Tam Quốc nhận được sự trợ giúp từ rất nhiều người, bởi Lưu Bị là con cháu của Tây Hán Trung Sơn Tĩnh Vương, là con cháu hoàng gia.
Bạn đọc nếu đã quen thuộc với lịch sử thời Tam Quốc, chắc chắn đều biết trong trận Định Quân sơn, Hoàng Trung chém đầu Hạ Hầu Uyên, cũng chính nhờ trận chiến này đã giúp Lưu Bị củng cố thế cục "Tam quốc đỉnh lập", chia ba thiên hạ. Nhưng điều khiến người ta bất ngờ là, sau khi Hoàng Trung chém đầu Hạ Hầu Uyên của tập đoàn Tào Tháo, thì Trương Phi lại chủ động xin đi chôn cất cho Hạ Hầu Uyên, lí do việc này là gì?
Bên trên có nhắc tới tầm quan trọng của huyết thống gia tộc, vậy thì trong việc này chúng ta cũng không thể không đề cập tới mối quan hệ giữa Trương Phi và Hạ Hầu Uyên.
Hạ Hầu Uyên là con cháu của Tây Hán Thái Bộc Hạ Hầu Anh, vợ ông là em vợ của Tào Tháo.
Khi Tào Tháo gặp nạn bị bắt giam, Hạ Hầu Uyên đã đứng ra thay ông gánh hết trách nhiệm. Sau khi Tào Tháo thoát thân đã tìm mọi cách cứu lại ông nên Hạ Hầu Uyên mới thoát được tội.
Khi đó Duyễn Châu và Dự Châu đại loạn, Hạ Hầu Uyên "bởi vì đói kém, vứt bỏ con mình nhưng lại nuôi con gái của người em trai đã mất" được mọi người tán dương là người có nghĩa khí.
Hạ Hầu Uyên ban đầu làm Kỵ Đô úy, sau nhận chức Thái thú hai quận Trần Lưu và Vĩnh Xuyên. Ông được xem như là một vị đại tướng quân trong tập đoàn Tào Tháo, công lao vô số, "Tam Quốc chí" ghi chép lại rằng:
Hình ảnh nhân vật Hạ Hầu Uyên trên phim.
"Hạ Hầu Uyên tham gia trận Quan Độ, phụ trách việc đôn đốc vận chuyển lương thảo. Thành thạo việc tiến quân thần tốc tấn công địch ở xa, đánh bất ngờ. Ông từng bình định phản loạn Xương Hi, Từ Hòa, Lôi Tự cùng Thương Diệu…
Hạ Hầu Uyên từng dẫn quân chinh phạt Quan Trung và Lương Châu, chém tướng Lương Hưng, đuổi Mã Siêu, phá Hàn Toại, diệt Tống Kiện, quét sạch Khương tộc, Thị tộc, Đồ Các cùng nhiều thế lực ngoại tộc khác, tiếng tăm vang danh khắp vùng Quan Hữu. Nhờ công lao to lớn, được thăng chức làm Chinh Tây Tướng quân, sắc phong Bác Xương Đình Hầu."
Sau khi Trương Lỗ đầu hàng Tào Tháo, dẫn binh đi trấn thủ Hán Trung, chống lại thế tiến công của Lưu Bị. Có thể thấy được, Hạ Hầu Uyên là một mãnh tướng luôn được Tào Tháo trọng dụng.
Kiến An năm 203, Lưu Bị tiến quân đến Dương Bình quan, Hạ Hầu Uyên dẫn theo các tướng Trương Cáp, Từ Hoảng đưa quân chống trả. Nhờ có Từ Hoảng phá Trần Thức, Trương Cáp trấn thủ Quảng Thạch mà Lưu Bị không thể hạ gục được, hai bên cứ giằng co như thế đến tận năm sau.
Nhưng đến tháng Giêng năm Kiến An 204, khi Lưu Bị từ Dương Bình vượt qua Miện Thủy, đóng quân tại núi Định Quân, Hạ Hầu Uyên dẫn quân nghênh chiến.
Lưu Bị dẫn theo hơn vạn quân tinh nhuệ, chia thành 10 nhóm cứ đêm đến tập kích Trương Cáp. Trương Cáp dẫn theo thân binh đuổi theo phản kích, Lưu Bị không thắng được.
Hạ Hầu Uyên cử Trương Cáp trấn thủ phía Đông Lộc Giác, còn bản thân mang theo quân tinh nhuệ trấn thủ phía Nam Lộc Giác, Lưu Bị cho quân toàn lực tấn công Trương Cáp, Trương Cáp chống trả không nổi, Hạ Hầu Uyên liền phái nửa số binh lính sang ứng cứu Trương Cáp.
Lưu Bị lại vòng qua Mã Cốc, dùng kế vây đốt doanh trại, Hạ Hầu Uyên dẫn theo 400 tinh binh đi trước cứu hỏa, sửa chữa lại Lộc Giác, Lưu Bị phái tướng Hoàng Trung dẫn binh từ trên cao đổ bộ xuống tập kích quân của Hạ Hầu Uyên, Hạ Hầu Uyên chết trận. Thụy hiệu là Mẫn Hầu.
Hình ảnh nhân vật Hoàng Trung trên phim.
Cái chết của Hạ Hầu Uyên khiến toàn quân của ông hỗn loạn. Quân đội của Hoàng Trung sau khi chém chết Hạ Hầu Uyên thì lập tức từ phía Nam Lộc Giác tấn công vào đại doanh của Hạ Hầu Uyên, toàn quân của Hạ Hầu Uyên đại bại.
Khi quân của Hạ Hầu Uyên tán loạn, Quách Hoài – Tư mã của Hạ Hầu Uyên đã tập hợp tàn quân lại, tôn Trương Cáp làm chủ soái, toàn quân Ngụy quân đều bằng lòng nghe theo sự chỉ huy của Trương Cáp.
Hạ Hầu Uyên chết, Trương Phi khi ấy là tướng quân trong tập đoàn Lưu Bị lại chủ động xin đi an tang thi thể của Hạ Hầu Uyên, chuyện này khiến mọi người sau này vô cùng khó hiểu, thậm chí có người còn hoài nghi liệu Trương Phi cùng Tào Tháo có qua lại với nhau không.
Tại sao Trương Phi lại lo hậu sự cho Hạ Hầu Uyên?
Sự thực là, việc Trương Phi an tang cho Hạ Hầu Uyên không có chút liên quan nào đến Tào Tháo, mà là bởi vì Hạ Hầu thị vợ của Trương Phi có quan hệ thân thích, họ hàng với Hạ Hầu Uyên.
Hạ Hầu thị là cháu gái của Hạ Hầu Uyên, cho nên cũng được coi là có quan hệ gần gũi. Cũng chính vì chuyện này, Trương Phi nhất định phải an táng cho Hạ Hầu Uyên, nếu ông không làm như vậy, chắc chắn sẽ phải chịu sự chỉ trích của mọi người thời ấy.
Lưu Bị khi ấy chọn tin tưởng Trương Phi, không hề nghi ngờ Trương Phi có ý nghĩ bất chính gì, qua đó thấy được tình nghĩa huynh đệ sâu nặng giữa Trương Phi và Lưu Bị.
Qua việc Trương Phi lo ma chay, an táng cho Hạ Hầu Uyên, chúng ta có thể thấy được, người xưa đặt rất nặng vấn đề quan hệ huyết thống. Quan niệm này luôn luôn ảnh hưởng đến mọi hành vi cử chỉ của con người cổ đại, thậm chí với xã hội hiện đại ngày nay, tầm ảnh hưởng của nó vẫn rất sâu sắc.