Cái nhìn ngược về "10 vũ khí Nga xoay chuyển thế giới"

Lê Hùng – Nguyễn Hoàng |

Cách đây vài ngày, báo Thụy Điển Svenska Dagbladet có bài viết về “10 vũ khí của Nga làm thay đổi cán cân lực lượng trên thế giới”.

10 loại vũ khí trên là những loại vũ khí nào, bài viết đã liệt kê chi tiết (xem tại đây). Chúng tôi chỉ muốn bổ sung thêm một số thông tin rất ngắn và dẫn bình luận của 2 chuyên gia quân sự Nga về bản danh sách này của tờ báo Thụy Điển nói trên.

1. Điểm gì mới trong "rating" của Báo Thụy Điển?

Đã không ít lần, các tờ báo (nhà xuất bản) Phương Tây đã cùng các nhà phân tích quân sự đưa ra các bảng xếp hạng (đánh giá) vũ khí Nga. Gần như trong các "danh sách" trước đây bao giờ cũng có tên hệ thống tên lửa phòng không S-400, tổ hợp tên lửa chiến dịch- chiến thuật "Iskander", xe tăng "Armata" và tàu ngầm mang tên lửa "Borey".

Danh mục mà tờ "Svenska Dagbladet" đưa ra lần này đáng chú ý ở chỗ là có cả máy bay Su-34, tàu đổ bộ cỡ lớn, cùng lúc có 2 tổ hợp tên lửa và 4 dự án tàu ngầm (các tàu ngầm lớp "Kilo" theo phân loại của NATO thực ra thuộc 2 dự án khác nhau là 877 "Paltus" và 636 "Varshavyanka").

Vậy bảng xếp hạng lần này chính xác đến mức độ nào theo quan điểm của các nhà phân tích phân tích quân sự Nga?

Cái nhìn ngược về 10 vũ khí Nga xoay chuyển thế giới - Ảnh 1.

Tàu ngầm hạt nhân Nga.

2. Ý kiến các chuyên gia quân sự Nga

(Qua bài trả lời phỏng vấn của Tờ "Svobodnaia Pressa.ru" (SP- Nga) ngày 4/3/2017).

Chuyên gia khoa học Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ, kiêm Tổng biên tập Tạp chí "Xuất khẩu vũ khí" (Nga) Andrey Florov:

Thường thì các tờ báo Châu Âu và Mỹ không đưa ra các tiêu chí rõ ràng mà họ đã sử dụng khi lập các "rating" như vậy.

Thành thử nhiều khi bạn có cảm giác mình là một nhân viên giải mã nào đấy cố vắt óc để hiểu được logic của một phương tiện thông tin đại chúng Phương Tây A hoặc B nào đó.

Tôi cho rằng, tàu đổ bộ cỡ lớn được đưa vào "danh sách" là do có Cuộc chiến Syria. Dù rất nghịch lý, nhưng chính các tàu đổ bộ Hải quân Nga đã trở thành biểu tượng của chiến dịch quân sự Nga tại nước này.

Không có gì là lộ bí mật khi nói rằng khả năng chống cự kiên cường của Quân đội Asad và công tác chuyển quân Nga đến Syria đã và còn sẽ phụ thuộc vào cái được gọi là "chuyến tàu tốc hành Syria" này.

Nếu như vẫn có thể tiếp tục chuyển người và một khối lượng hạn chế vũ khí và trang bị kỹ thuật nữa bằng đường không, thì việc duy trì thường xuyên "cầu đường không Berlin", như đã từng làm năm 1948 là điều không thể - không có đủ khả năng để làm điều đó.

Chính vì vậy mà các tàu đổ bộ cỡ lớn – chính là "con ngựa thồ" thực sự của Chiến dịch Syria, thậm chí chúng đã "thồ hàng" không phải năm thứ hai, mà là đã là năm thứ ba rồi (nếu tính tới việc các tàu trên đã tích cực chuyển hàng tới Syria trước khi Nga chính thức đưa quân vào nước này).

Mặc dù các tàu đổ bộ đó, như tờ báo Thụy Điển trên đã nhận xét rất chính xác là đã lạc hậu và quá cũ và cần phải được thay thế một cách khẩn cấp. Đến cuối năm 2017, Hải quân Nga sẽ nhận một tàu đổ bộ cỡ lớn là "Ivan Gren".

SP : - Tổ hợp tên lửa "Tochka" trước đó chưa được đưa vào một bảng xếp hạng nào…

Ông Andrey Florov: Tổ hợp tên lửa chiến dịch – chiến thuật nói trên được đưa vào danh sách, có lẽ bởi vì nó được sử dụng nhiều ở Ucraine và Syria, tuy các quân nhân Nga không phải là những người sử dụng "Tochka" (tại Ukraine và Syria), - nó ("Tochka") cũng đã tham chiến ở Yemen nữa.

Đến thời điểm hiện tại, đấy là một trong những tổ hợp tên lửa "khai hỏa" nhiều nhất, - tuy vậy, nó cũng đã tương đối "già", nó chỉ còn "thọ" giỏi lắm là từ 5 đến 7 năm nữa, bởi vì nó có thể sẽ bị "thiu" hoàn toàn do thời gian bảo quản nhiên liệu rắn chỉ có giới hạn.

Còn những gì liên quan đến khả năng sử dụng ("Tochka") như vũ khí hạt nhân chiến thuật, thì trên thực tế - đấy không phải là một luận cứ có sức thuyết phục.

Nếu cứ theo logic này thì cần phải đưa vào danh sách tất cả các pháo 152 ly, bởi vì chúng cũng có thể sử dụng đầu đạn hạt nhân, và còn nữa, các chiến binh đặc nhiệm cũng vậy, trong ba lô của họ cũng có thể có vũ khí hạt nhân.

SP : Có đúng là các máy bay Su-34 thực sự có thể làm "thay đổi cán cân lực lượng"?

Ông Andrey Florov: - Đấy là loại máy bay tấn công hoàn thiện nhất của Nga, mặc dù nó cũng gặp nhiều vấn đề từ lâu rồi. Có tin là trong tương lai sẽ xuất hiện phiên bản máy bay tiêm kích – ném bom cải tiến, nhưng hiện chưa rõ là nó sẽ như thế nào.

Riêng Su- 34 đã được kiểm nghiệm và chứng minh được những ưu việt của mình trong các hoạt động tác chiến thực tế: đầu tiên là ở Gruzia, sau đó là trong khuôn khổ các chiến dịch chống khủng bố ở Bắc Kapkaz, và hiện nay là ở Syria.

Có hy vọng rằng, tất cả "thực tế" trên sẽ mang đến các đơn đặt hàng xuất khẩu.

Tôi nghĩ rằng trong danh sách chốt khách hàng (mua Su-34) sẽ có Angery và Việt Nam. Máy bay Su-34 là loại vũ khí "cận chiến lược", nó có thể thay thế một phần các máy bay ném bom Tu-22M3.

SP: Tờ báo Thụy Điển đưa vào danh sách một số dự án tàu ngầm Nga cùng một lúc…

Ông Andrey Florov: - Với các tàu ngầm mang tên lửa thì mọi việc đều rất dễ hiểu: "Borey" – đấy là thành tố biển của Lực lượng hạt nhân chiến lược Nga và sau khi các tàu ngầm dự án 667BDRM được thanh lý vào giữa những năm 2020, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo này sẽ là lực lượng duy nhất (có chức năng chiến lược) của Hải quân Nga.

Còn về tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm "Bulava", thì dù có vẫn còn một số vấn đề với nó như nhiều người đã biết, cũng không nên quên rằng, tên lửa này đã được đưa vào trang bị và các tàu mang "Bulava" đã ra biển trực chiến. Hiện nay (Nga) đang thiết kế "Bulava-M", và chắc chắn trong phiên bản mới "Bulava-M" những khiếm khuyết của "Bulava" hiện nay sẽ được khắc phục.

Còn bây giờ chúng ta sẽ đề cập đến các tàu ngầm phi hạt nhân.

Điểm quan trọng mấu chốt trong dự án "Lada" không phải là vũ khí, bởi vì vũ khí của nó cũng giống như vũ khí trên các tàu ngầm thế hệ trước, mà là tổ hợp thủy âm mới, hệ thống thông tin- điều khiển tác chiến đã được hiện đại hóa, thêm nữa – tiếng ồn giảm nhiều và điều kiện làm việc của kíp thủy thủ được cải thiện.

Ý nghĩa của tàu ngầm này cũng đơn giản – nó trông thấy đối phương trước khi đối phương nhìn thấy nó. Lấy ví dụ, (Hải quân Nga) đã tiến hành các cuộc tập trận, và chiếc tàu đầu tiên của dự án này ("Lada"đang được khai thác thử nghiệm – " SP") tấn công tàu ngầm dự án 877 và đã "tiêu diệt" tàu này, trong khi đó, tàu bị tấn công (dự án "877") vẫn không hay biết gì.

Đấy chính là ưu thế của dự án ("Lada"). Nhưng thậm chí chúng ta cứ tạm chưa tính đến tất cả các vấn đề (ưu thế) liên quan đến động cơ, đến hệ thống thủy âm, đến hệ thống thông tin- điều khiển tác chiến, thì vẫn có e ngại rằng dự án này sẽ kết thúc bằng việc chỉ đóng được 3 chiếc (2 chiếc hiện đang được đóng – " SP").

Có thể, sẽ đóng hoàn chỉnh được chiếc thứ tư, trước đây chiếc thứ tư này được lên kế hoạch xuất khẩu và nó đã được khởi công đóng từ năm 1997. Nhưng trong tương lai Hải quân Nga sẽ mua "Kalina" – phiên bản cải tiến sâu của "Lada", chứ không phải là "Lada" – phiên bản này người Thụy Điển chưa đề cập tới (trong danh sách 10 vũ khí nói trên) và thực ra nó cũng chưa tồn tại.

Lớp"Kilo" gồm có vài thế hệ tàu. Lấy ví dụ, các tàu ngầm phiên bản 636.3 (6 chiếc đã bàn giao cho Hải quân Nga và 6 chiếc nữa đã được ký hợp đồng – "SP") không giống các tàu ngầm dự án 877.

Ưu thế chủ yếu của các tàu ngầm này là chúng tương đối rẻ, có thể đóng với số lượng lớn, trong một khoảng thời gian có thể chấp nhận được, hơn nữa, có một điều rất quan trọng là các tàu ngầm lớp "Kilo" chính là phương tiện mang tên lửa có cánh tầm xa "Calibr".

Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự VHLKH Nga Aleksandr Khramchikhin:

Không thể coi các "rating" kiểu này là những "danh sách" nghiêm túc và nếu có đọc chúng thì thuần túy chỉ để giải trí.

Sẽ là tuyệt đối vô nghĩa nếu cứ cố tìm kiếm một logic nào đó trong các danh sách phân loại "vũ khí tàn khốc" kiểu như vậy của Phương Tây.

Tại sao trong "bảng xếp hạng" Thụy Điển thì (tàu ngầm lớp) Borey ảnh hưởng đến cán cân lực lượng, còn các tàu ngầm dự án 667 BDRM "Delphin" với 6 chiếc trong Hạm đội Biển Bắc, hay là các tàu ngầm hạt nhân đa năng thuộc các dự án 949 "Antey", 971 "Shuka-B", 945 "Barracuda" thì lại không (gây ảnh hưởng)?

Trong khi đó, ngay cả tất cả 3 chiếc (tàu ngầm) "Lada" cũng không thể gây ảnh hưởng lên bất cứ một cái gì, bởi vì dự án này gần như đã được chính thức thừa nhận là thất bại, và "Lada" sẽ được thay thế bằng một loại tầu ngầm nào đó.

Còn về các tàu đổ bộ thì tôi (Khramchikhin) đồng ý – chúng đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến dịch Syria.

Nhưng không phải với chức năng là các tàu đổ bộ cỡ lớn, mà chỉ làm nhiệm vụ của các tàu vận tải thông thường, mặc dù, tất nhiên, chúng được đóng không phải chỉ để chở hàng.

Nếu nói về "Tochka" và thậm chí ngay cả "Tochka-U", - thì các tổ hợp này làm sao có thể gây ảnh hưởng tới một cán cân nào đó với tầm bắn tối đa chỉ 120 km ("Tochka-U")?

Ví dụ, tại Kaliningrad, Nga có Lữ đoàn pháo binh 152 được trang bị "Tochka-U", - kiểu tên lửa này giỏi lắm thì cũng chỉ "gãi nhẹ" được Ba Lan và Litva.

Nói chung, những "rating" tương tự như thế này được phát tán rộng rãi và được nhiều người đọc, nhưng nếu đánh giá nội dung của chúng một cách nghiêm túc, thì có thể mạnh dạn ném các danh sách này vào sọt rác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại