JAS 39 Gripen và F-16: Chiến thắng về tay ai?

QS |

Theo chuyên gia John Venable, quyết định xuất khẩu và sản xuất F-16 tại Ấn Độ là bước đi đúng đắn với Mỹ, dù điều này có thể khiến chính quyền TT Donald Trump không hài lòng.

Trong tháng Hai vừa qua, một phái đoàn gồm các quan chức chính phủ và đại diện doanh nghiệp của Mỹ đã bay sang New Delhi. Họ có nhiệm vụ: thuyết phục chính phủ Ấn Độ rằng Mỹ thực sự muốn New Delhi lựa chọn F-16 để bổ sung cho không đoàn máy bay chiến đấu hiện nay.

Chuyên gia nghiên cứu John Venable tại tổ chức tư vấn Heritage Foundation đánh giá đây là một bước đi đúng đắn của Mỹ vì nhiều lý do - một trong số đó có thể khiến chính quyền Tổng thống mới Donald Trump không hài lòng.

Không quân Ấn Độ đang tìm cách "thay máu" cho không đoàn máy bay lỗi thời, gồm các chiến đấu cơ thế hệ 3 từ thời Liên Xô bằng 250 máy bay chiến đấu mới có khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia Ấn Độ trước Trung Quốc và Pakistan trong trường hợp xảy ra xung đột.

JAS 39 Gripen và F-16: Chiến thắng về tay ai? - Ảnh 1.

Cuối năm ngoái, Ấn Độ đã đồng ý mua 36 chiến đấu cơ Rafale từ Pháp nhưng phần lớn các đơn hàng mua máy bay chiến đấu mới sẽ được phê duyệt thông qua cuộc cạnh tranh giữa mẫu tiêm kích JAS 39 Gripen (Thụy Điển) và F-16 Fighting Falcon của Mỹ.

Khả năng hoạt động và chi phí của từng loại máy bay sẽ quyết định kết quả của cuộc cạnh tranh, nhưng chính phủ Ấn Độ còn ra một điều kiện khác, đó là bên thắng thầu phải cam kết sản xuất mẫu máy bay của họ tại Ấn Độ.

Điều kiện tiên quyết này có thể không thuận với các quan chức chính quyền Tổng thống Trump, khi họ đang chú trọng tới vấn đề bảo toàn việc làm cho người dân Mỹ.

Tuy nhiên, ký kết thỏa thuận máy bay chiến đấu sẽ là bước tiến quan trọng để củng cố mối quan hệ giữa Mỹ-Ấn. Đó là điều nên làm khi 2 quốc gia đang cùng chia sẻ các giá trị dân chủ và mối lo ngại địa chính trị ngày càng gia tăng, liên quan tới Trung Quốc.

Năm ngoái, cựu Tổng thống Obama tuyên bố Ấn Độ là "đối tác quốc phòng lớn" đầu tiên của Mỹ - bước tiến mới nhất trong mối quan hệ quốc phòng đang từng bước được thắt chặt hơn so với 2 đời Tổng thống Mỹ trước đây.

Cung cấp cho Ấn Độ các máy bay chiến đấu F-16 sẽ là một minh chứng cụ thể khác cho thấy cam kết của Mỹ trong mối quan hệ chiến lược này, đồng thời củng cố vai trò của Ấn Độ như một đối tác quốc phòng lớn, sẽ vượt qua một chặng đường dài hướng tới mục tiêu gìn giữ sự cân bằng của khu vực.

Khả năng hoạt động và chi phí

Thụy Điển ra mắt phiên bản Gripen E

JAS 39 Gripen, do tập đoàn SAAB (Thụy Điển) thiết kế trong những năm 1980 và được triển khai lần đầu tiên vào cuối những năm 1990, là mẫu máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ 4.

JAS 39E, cất cánh lần đầu tiên năm 2008, là phiên bản mang những cải tiến đáng kể.

Ông Venable cho biết, JAS 39 được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA), gói cảm biến mạnh bao gồm thiết bị tìm kiếm và theo dõi bằng hồng ngoại (IRST), cùng một bộ xử lý cho phép liên kết dữ liệu thời gian thực.

Theo một vài nguồn tin, mẫu máy bay này có giá 85 triệu USD/chiếc, gần bằng với mức giá dự kiến của phiên bản tiêm kích tàng hình F-35A khi đi vào sản xuất hàng loạt.

Đối thủ cạnh tranh với Gripen là tiêm kích thế hệ 4+ F-16 Block 70 của Lockheed Martin - đây là một biến thể của phiên bản Block 60 từng được Mỹ phát triển và bán cho UAE.

JAS 39 Gripen và F-16: Chiến thắng về tay ai? - Ảnh 3.

Chiến đấu cơ F-16F Block 60 của UAE. Ảnh: Defense Industry Daily

Nhờ số tiền hơn 3 triệu USD mà UAE đã đầu tư vào chương trình nghiên cứu-phát triển, phiên bản F-16 mới được trang bị hệ thống có thể xử lý lượng thông tin nhiều gấp 1.000 lần so với các phiên bản cũ.

Với mức giá ước tính 55 triệu USD, phiên bản Block 70 còn được trang bị radar AESA, thiết bị IRST và các thùng nhiên liệu ôm sát thân để tạo điều kiện cho cánh máy bay treo được nhiều vũ khí hơn.

Một số yếu tố khác mà Ấn Độ sẽ cân nhắc bao gồm chi phí cho mỗi giờ bay và các dịch vụ hậu cần phục vụ nhu cầu mua sắm đạn dược, các bộ phận phụ được sản xuất bên ngoài nước này.

Chẳng hạn, mẫu Gripen do Thụy Điển thiết kế nhưng sử dụng động cơ do hãng General Electric của Mỹ sản xuất, vũ khí trên máy bay sẽ do các công ty Mỹ và châu Âu cung cấp. Điều này khiến vấn đề hậu cần trở nên phức tạp hơn đối với ứng viên của SAAB.

Tuy nhiên, Gripen chỉ tiêu tốn 4.700 USD cho mỗi giờ bay, thấp hơn nhiều so với mức 7.000 USD của F-16. Theo thời gian, điều đó thậm chí có thể bù đắp sự chênh lệch về giá cả ban đầu của 2 đối thủ.

Cả 2 mẫu máy bay đều có khả năng hoạt động hiệu quả và giống như SAAB, Lockheed cũng đã đề nghị sản xuất hoặc thậm chí dời dây chuyển sản xuất F-16 sang Ấn Độ.

Theo ông Venable, quyết định cuối cùng có vẻ sẽ phụ thuộc vào dịch vụ hậu cần và mối quan hệ quân sự giữa đôi bên. Đối với cả 2 yếu tố này, lợi thế đều đang nghiêng về phía F-16.

Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia, việc di dời dây chuyển sản xuất có thể sẽ trở thành rào cản tại Mỹ.

Sản xuất F-16 tại Ấn Độ

Cả 2 mẫu máy bay JAS 39 và F-16 đều từng được lắp ráp hoặc sản xuất tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, việc dây chuyền sản xuất F-16 tại Fort Worth sắp đóng cửa đã làm phức tạp vấn đề.

Chiếc F-16 cuối cùng được Không quân Mỹ đặt mua vào năm 1997. Kể từ đó, dây chuyền sản xuất được duy trì chỉ để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu. Thật không may, số lượng các đơn hàng này đã giảm đáng kể trong vài năm trở lại đây, do cuộc cạnh tranh toàn cầu và chính sách xuất khẩu vũ khí có nhiều dao động của Mỹ.

Sau một thời gian vận hành F-16, Bahrain và Đài Loan đã đề nghị Mỹ cung cấp thêm mẫu máy bay này, tuy nhiên, các thỏa thuận đều chưa được chính quyền cựu Tổng thống Obama thông qua. Do không nhận được thêm đơn hàng nào, Lockheed Martin đang dự tính đóng cửa dây chuyển sản xuất tại Fort Worth vào cuối năm nay.

Lockheed không thể giành được hợp đồng nếu Tổng thống đương nhiệm Donald Trump không cho phép di dời dây chuyền sản xuất, dù chỉ là một phần, sang Ấn Độ.

Nếu chính quyền ông Trump cản trở kế hoạch này thì nhiều khả năng Ấn Độ sẽ lựa chọn tiêm kích Gripen và dây chuyền sản xuất F-16 tại Fort Worth sẽ đóng cửa như dự kiến.

Điều đó sẽ khiến tương lai của 450 đơn vị sản xuất và doanh nghiệp Mỹ (chuyên cung cấp phụ tùng, thiết bị cho F-16) trở nên mông lung. Ông Venable cho rằng, việc duy trì sản xuất F-16 tại Ấn Độ sẽ giúp hỗ trợ những công ty đó.

Cuối cùng, quyết định của New Delhi sẽ có những tác động nhất định tới vị thế an ninh toàn cầu của Mỹ.

Chiến thắng sẽ giúp Mỹ củng cố mối quan hệ song phương và nâng cao năng lực quân sự của Ấn Độ, cũng như khả năng tương tác với các lực lượng Mỹ. Điều đó sẽ giúp Mỹ kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc mà không cần can thiệp quá sâu vào khu vực này.

Đây cũng là cơ hội vàng cho chính quyền mới của Mỹ. Thông qua thỏa thuận xuất khẩu và cho phép Ấn Độ sản xuất các chiến đấu cơ F-16, Tổng thống Donald Trump sẽ củng cố vị thế an ninh toàn cầu của Mỹ, tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ, đảm bảo các công dân Mỹ không mất việc làm khi dây chuyền F-16 tại Fort Worth đóng cửa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại