Cái giá quá đắt Trump phải trả sau khi "lên gân cốt" với Triều Tiên

Thi Anh |

Nếu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên qua đi mà không có sự cố nào đáng kể, Trump sẽ đánh mất một thứ quan trọng.

Triều Tiên là một trong những thách thức ngoại giao lớn nhất của Mỹ nhưng nước cờ mở màn của Trump sau khi nhậm chức lại chỉ khiến tình hình thêm tệ hại.

Theo ông Michael H. Fuchs, chuyên gia của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, những phát ngôn thái quá của chính quyền Trump đối với Triều Tiên trong suốt tháng qua là một động thái nguy hiểm, không hiệu quả, không cần thiết và sẽ dẫn tới một trong hai hệ lụy: Hoặc là chiến tranh, hoặc là tình trạng mất niềm tin trước khả năng xử lý vấn đề Triều Tiên của chính quyền Mỹ mới.

Ở cương vị Tổng thống, những lời nói của Trump mang một tầm ý nghĩa đặc biệt quan trọng và dù những lời ấy có phản ánh suy nghĩ thực sự của ông hay không thì các lãnh đạo quốc tế vẫn sẽ lưu tâm.

Thái độ bất cẩn của Trump trước sức nặng từ những lời mình nói ra về Triều Tiên nhanh chóng trở nên trầm trọng trước một thực tế: Chiến tranh và hòa bình có thể đang chơi vơi giữa những dòng tweet của ông.

Trước lễ duyệt binh của Triều Tiên ngày 15/4, chính quyền của Trump đã đưa ra hàng loạt phát ngôn đầy choáng váng và có khả năng gây mất ổn định, có vẻ như nhằm mục đích khiến các sự kiện ở Triều Tiên lâm vào khủng hoảng.

Trump đã nói, "Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên, thì chúng tôi sẽ làm".

Trong khi đó, giữa chuyến công du châu Á, Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố: "Kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược đã chấm dứt".

Và phản ứng trước cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh: "Mỹ đã nói quá đủ về Triều Tiên".

Những phát ngôn này được đưa ra trong thời điểm Mỹ tuyên bố đang đưa tàu sân bay USS Carl Vinson tới Đông Bắc Á và thậm chí chính quyền Trump còn bỏ ngỏ khả năng tấn công phủ đầu nếu biết Bình Nhưỡng thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Lời qua tiếng lại giữa đôi bên khiến căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Fuchs cho rằng, những phát ngôn của Trump rất nguy hiểm, kể cả khi đó chỉ là nỗ lực để đe dọa, buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán. Mặc dù có những ý kiến cho rằng, cần phải đe dọa để Triều Tiên thay đổi hành vi của mình, nhưng những gì chính quyền Trump làm chỉ khiến nguy cơ xung đột tăng cao.

Nếu Trump thực sự tấn công, nhiều khả năng đó sẽ là một cuộc chiến mà Mỹ không thể kiểm soát.

Cuộc tấn công có nguy cơ bùng phát thành xung đột quy mô lớn và kết quả sẽ tàn phá Seoul (nơi có sự hiện diện của hàng nghìn người Mỹ), châm ngòi cho khả năng không kích nhằm vào Nhật Bản, và nhiều khả năng, Mỹ với Trung Quốc sẽ một lần nữa đứng ở hai đầu chiến tuyến trên bán đảo.

Cái giá quá đắt Trump phải trả sau khi lên gân cốt với Triều Tiên - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nếu không có chiến tranh thì...

Cho tới nay, chính sách Triều Tiên của chính quyền Trump vẫn khá tương đồng với Obama và những người tiền nhiệm. Đó là những chiến lược thông thường: Phối hợp với đồng minh Hàn, Nhật, thúc giục Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên, áp cấm vận và sử dụng những công cụ như triển khai THAAD cùng hoạt động mạng.

Nếu giai đoạn căng thẳng hiện nay đi qua mà không có sự cố nào đáng kể, Trump sẽ đánh mất một thứ quan trọng. Đó là lòng tin đối với khả năng giải quyết vấn đề Triều Tiên của chính quyền ông.

Những lời sáo rỗng của Trump sẽ khiến Triều Tiên tin rằng họ có thể khiến Mỹ phải lùi bước một cách dễ dàng. Trung Quốc cũng sẽ ghi nhận bài học rằng Trump chỉ "nói chứ không làm". Nhật Bản và Hàn Quốc thì sẽ không còn niềm tin với Trump như một đồng minh đáng tin cậy.

Thực ra, việc chính quyền Trump "tuyên bố nhầm" về kế hoạch tới Đông Bắc Á của cụm tàu sân bay Mỹ đã khiến Hàn Quốc tức giận. Một ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới của nước này còn tuyên bố: "Nếu đó là một lời nói dối thì trong suốt nhiệm kỳ của Trump, Hàn Quốc sẽ không còn tin bất cứ lời nào ông ta nói".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại