Miền Bắc có nhiều thứ quả chua như sấu, me, thanh trà… đặc biệt là quả dọc làm nên món canh chua cá tươi đặc trưng, rất ngon miệng trong những ngày lạnh.
Canh chua cá tươi khác với canh riêu cá. Món canh riêu cá thường phải rán cá lên rồi mới nấu. Còn người Thanh Hóa nấu canh chua cá từ cá tươi (người không biết bí quyết sẽ làm canh bị tanh), còn món canh chua cá Thanh Hóa nấu từ cá đồng tươi (và cả cá biển) đều rất ngon ngọt thơm phức, rất dễ ăn.
Ông Nguyễn Văn Nam hướng dẫn nấu món canh chua cá tươi đặc sản.
Nguyên liệu (cho 4 người ăn)
- Cá – là các loại cá đồng tươi như trắm, mè, quả… khoảng 6-7 lạng;
- Cà chua 1 quả;
- Dọc (khế, sấu, thanh trà…) 1-2 quả (tùy khẩu vị);
- Mẻ: 3 -5 thìa;
- Dứa nửa quả. Có thể thêm rau giá, đậu bắp, dọc mùng… tùy vùng;
- Rau thơm hành lá, rau ngổ/thì là (người Thanh Hóa có lá sông, ngò gai, rau quế);
- Nghệ, ớt, muối, hạt nêm, bột ngọt, nước mắm.
Nguyên liệu nấu canh chua cá tươi.
Cách làm
Cá rửa sạch, để ráo.
Nghệ xắt sợi. Cà chua cắt múi cau. Dứa xắt lát mỏng.
Cho một ít nghệ, bột canh, nước mắm, hành củ ướp cá cho thấm (nếu ăn được cay thì ướp chút ớt bằm).
Nướng quả dọc cho vỏ ngả sang vàng, bóc lớp vỏ ngoài, rửa sạch để chuẩn bị nấu canh chua. Quả dọc nấu canh cá chua là ngon nhất, nhưng không nên chọn quả dọc vàng vì không chua, quả dọc màu xanh non độ chua chưa ngon. Nên chọn quả dọc màu xanh sậm có độ chua thanh vừa sẽ làm nồi canh cá có vị chua ngon nhất.
Mẻ lọc qua rây lấy nước.
Một số người tới đây thì phi thơm hành, cho cá đã ướp vào xào sơ cho thấm, có thể nêm một ít nước mắm cho đậm vị.
Nhưng anh Nam thì bỏ qua khâu này, mà đổ lượng nước vừa ăn, cho 2 quả dọc đã bóc vào nấu chín thì dầm nát, lọc lấy nước chua đổ vào nổi. Cho tiếp nước mẻ đã lọc vào nồi đun sôi lại mới cho tiếp cà chua, dứa vào nấu. Khi nồi nước sôi lại là ta có được thứ nước hỗn hợp thơm mùi mẻ, chua dịu vị dọc.
Bây giờ mới thả từng khúc cá vào. Bí quyết nấu món canh chua cá tươi không tanh (kể cả cá biển không bị tanh) chính là ở nghệ, mẻ và ở công đoạn này. Nhiều người đổ tất cả cá vào cùng lúc. Nhưng người Thanh Hóa thả từng khúc một. Thả khúc thứ nhất đợi nước sôi lại mới thả tiếp khúc thứ hai, đợi nước sôi lại mới thả tiếp, cứ thế cho đến hết, đảm bảo nồi canh cá sẽ không bị tanh.
Nếu có nồi ủ thì đun canh cá sôi khoảng 10 phút thì bắc ra cho vào nồi ủ, tới khi nào ăn mới lấy ra cho cá nhừ và canh nóng hổi. Nếu không có nồi ủ thì đun 15 -20 phút (tính từ khi cho cá vào nồi) là cá chín. Nêm lại muối, hạt nêm, chút nước mắm cho vừa miệng rồi cho hành lá, rau ngổ (hoặc thìa là) đã xắt nhỏ vào nồi canh cho dậy mùi thơm.
Múc canh ra tô, rắc rau ngổ/ thì là, ớt xắt lát lên trên. Tô canh cá nấu chua bày vào mâm sẽ rất bắt mắt với màu vàng sóng sánh của nghệ, màu đỏ cà chua, màu xanh của rau gia vị và thơm phức mũi, không có tí tanh nào.
Nước chấm cá: Dùng nước mắm ngon, vắt vài giọt chanh và ớt tươi xắt lát. Chỉ nhìn bát nước mắm vàng thơm, nổi màu mấy lát ớt đỏ tươi đã... thèm.
Rau ăn kèm: Giá sống rửa sạch để ráo; rau ngổ hay còn gọi là rau om lặt lấy phần non, ngắt khúc ngắn.
Món canh chua cá tươi ăn kèm rau sống rất ngon miệng.
Canh chua cá tươi vị chua là chủ đạo (ai thích ngọt thì cho thêm đường, nhưng vị ngọt vừa phải) có hương vị rất lạ và ngon miệng. Người Thanh Hóa hay cho lá sông vào nấu canh. Tùy vùng miền mà gia giảm, hương vị có khác chút ít. Nhưng tô canh chua cá tươi là đặc sản của người Thanh Hóa… có màu sắc hài hòa, bắt mắt, hương vị đậm đà, thơm vị chua dịu của mẻ, ngọt của cá, cách nấu đơn giản chỉ vài bước đã hoàn thành xong món canh chua cá tươi cực ngon cho cả nhà thưởng thức.
Canh chua cá tươi ăn ngon nhất với cơm trắng.
Canh chua cá tươi ăn ngon nhất với cơm trắng, và thịt kho trứng nước dừa. Có thể ăn với bún tươi (hoặc hấp nóng càng ngon). Món này ăn kèm rau sống tươi non sẽ đầy ắp hương vị quê dân dã thấm vào từng thớ cá, vào vị chua thanh mát đậm tính ẩm thực dân tộc, nức lòng người thưởng thức.
Cách nấu này có thể chế biến thành món cháo cá cũng ngon và rất bổ dưỡng.