Theo RG (Nga) ngày 12/7, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Interfax gần đây, Giám đốc Tập đoàn Uralvagonzavod, ông Oleg Siyenko nói rằng nhiều nước quan tâm loại xe tăng Armata của Nga nhưng việc xuất khẩu loại xe này đưa được bàn thảo.
“Không phải chỉ mua 10, 20 hay 100 chiếc mà phải đặt mua cỡ 1.000 chiếc trở lên với chỉ một loại xe. Chúng tôi không muốn tung ra thị trường công nghệ mới nhất”, ông Siyenko nói tại triển lãm công nghiệp tổ chức ở Yekaterinburg.
Siêu tăng T-14 Armata của Nga
Ông còn nhấn mạnh rằng việc xuất khẩu xe tăng Armata còn phải được chính phủ và Bộ Quốc phòng phê duyệt. Và dự kiến sớm nhất phải đến năm 2020 loại xe tăng hiện đại nhất này của Nga mới được xuất khẩu.
Tăng T-14 dự kiến sẽ cung ứng cho quân đội Nga từ năm 2017, với 2 đơn vị đầu tiên ở vùng Voronezh.
Armata là dòng xe quân sự mới nhất, trên cơ sở đó Uralvagonzavod chế tạo ra tăng T-14 cùng các loại thiết giáp khác. Theo các chuyên gia, với công nghệ hiện đại, xe tăng T-14 có thể chống lại bất kỳ loại vũ khí chống tăng nào hiện có trên thế giới.
Đây có lẽ là cách bán vũ khí mới của Nga để có được những hợp đồng khủng hơn và tránh được tổn thất vì "hàng nhái" sau bài học Trung Quốc mua Su-35 của nước này.
Su-35 là dòng chiến đấu cơ tiên tiến được Moscow xem như thuộc thế hệ 4++. Nga đã ký hợp đồng bán 24 chiếc Su-35 cho Trung Quốc vào năm 2015. Từng có nhiều lo ngại rằng, việc Bắc Kinh chỉ muốn mua một số lượng nhỏ Su-35 là để tìm cách "chế" động cơ phản lực 117S của nó để "nhái" hàng loạt cho các chiến đấu cơ trong nước.
Thời gian đầu, Nga cho rằng Trung Quốc phải mua một lô lớn Su-35 ngay từ đầu thì Moscow mới đủ tài chính bù cho tổn thất một khi Bắc Kinh đánh cắp thành công công nghệ quân sự này của Nga.
Tuy nhiên, vì căng thẳng giữa Nga và phương Tây sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Moscow đã phải xuống nước hạ thấp yêu cầu của mình.
Chính vì thế, thay vì yêu cầu Trung Quốc mua 48 chiếc Su-35 như trước đó, Nga chỉ yêu cầu Trung Quốc mua 24 chiếc.