Các xu hướng và hiện tượng chính trong chi tiêu quốc phòng năm 2019

Lê Ngọc |

Cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến đại dịch có thể làm thay đổi đáng kể ngân sách quốc phòng của các quốc gia.

Số liệu chung

Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) đã công bố báo cáo thường niên về chi tiêu cho quốc phòng năm 2019, liệt kê một số số liệu thú vị, và cũng cho thấy các xu hướng chính hiện nay trong lĩnh vực quân sự và chính trị.

Chi tiêu quân sự thế giới năm ngoái lên tới 1917 tỷ USD, chiếm 2,2% GDP thế giới và ở mức 249 USD theo đầu người; so với năm 2018, chi phí tăng 3,6%; so với năm 2010, tăng 7,2%.

SIPRI lưu ý rằng các chỉ số tuyệt đối và tương đối hiện nay là cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008; có thể, đây là những giá trị đỉnh và tiếp theo, sẽ bắt đầu suy giảm.

Các xu hướng và hiện tượng chính trong chi tiêu quốc phòng năm 2019 - Ảnh 1.

Tổng chi phí quốc phòng của thế giới và khu vực các thập kỷ gần đây; Nguồn: topwar.ru/SIPRI


62% chi tiêu thuộc về năm quốc gia là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Saudi Arabia. Các nước "Top 40" chiếm 92% chi tiêu toàn cầu. Kỷ lục tuyệt đối về chi tiêu một lần nữa vẫn thuộc về Mỹ với ngân sách quân sự là 732 tỷ USD (tăng 5,3%).

Các nước top đầu khác cũng có mức tăng trưởng tương tự. Tăng trưởng ổn định ngân sách chỉ được quan sát thấy ở các nước phát triển của Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Á. Ở các khu vực khác, các chỉ số hầu như không đổi, hoặc thậm chí giảm.

Nam Mỹ tiếp tục chi tiêu cho quốc phòng ở mức cũ, trong khi các chỉ số trung bình của châu Phi đang tăng nhẹ và ở Trung Đông có sự sụt giảm.

Sự ganh đua của các cường quốc

Sự tăng trưởng chung của chi tiêu quân sự thế giới được đóng góp bởi chỉ một vài cường quốc và danh sách các nước đó không có những thay đổi lớn trong vài năm lại đây.

Lý do cho sự gia tăng liên tục ngân sách quân sự trong trường hợp của họ là cần phải đối đầu với các quốc gia khác có năng lực quân sự tương đương hoặc cao hơn.

Xu hướng này được Mỹ thể hiện rõ nhất với khoản chi 732 tỷ USD cho việc phát triển lực lượng vũ trang. Ngoài ra, Washington đang công khai chạy đua với Trung Quốc và Nga, cần những khoản chi bổ sung.

Trung Quốc và Nga có những phản ứng tương xứng bằng sự gia tăng chi tiêu của họ. Ngân sách quân sự Trung Quốc tăng 5,1% và đạt 261 tỷ USD. Nga năm 2019 đã chi 65,1 tỷ USD cho quốc phòng - tăng 4,5% và là một trong những nước dẫn đầu châu Âu trong chi tiêu quân sự, chiếm 3,9% GDP.

Trung Quốc không chỉ ganh đua với Mỹ, đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực của Trung Quốc là Ấn Độ - nước đồng thời cũng phải cạnh tranh với Pakistan. Cuộc đối đầu với hai nước láng giềng năm ngoái đã khiến ngân sách Ấn Độ tăng lên tới 71,7 tỷ USD - tăng 6,8% và đứng vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng chung.

Đáng chú ý là Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc về tỷ lệ tăng trưởng, nhưng lại thua kém về số lượng tuyệt đối. Liên quan đến hoạt động của Trung Quốc và Triều Tiên, Hàn Quốc đang tăng chi phí.

Với khoản chi 43,9 tỷ USD và tăng 7,5%, nước này chiếm vị trí thứ mười trong danh sách chung. Trên Hàn Quốc là Nhật Bản - nước đã chi 47,6 tỷ USD cho quốc phòng, tuy con số này thấp hơn 0,1% so với năm 2018.

Các xu hướng và hiện tượng chính trong chi tiêu quốc phòng năm 2019 - Ảnh 3.

Các nước dẫn đầu thế giới về mức chi tiêu cho quốc phòng; Nguồn: topwar.ru/SIPRI

Xu hướng thú vị được quan sát ở châu Âu - khu vực đang diễn ra cuộc đối đầu tiếp tục giữa Nga và NATO và các đồng minh. Một số quốc gia NATO duy trì mức chi tiêu trước đây của họ. Vương quốc Anh chi 48,7 tỷ USD (tăng 0%, đứng vị trí thứ bảy), trong khi Pháp chỉ tăng ngân sách 1,6% lên 50,1 tỷ và đứng ở vị trí thứ sáu.

Đức nằm trong "Top 10" với 49,3 tỷ chi phí và tăng đáng kể - 10%. Ukraine có mức tăng trưởng gần 9,3%, nhưng chỉ chi 5,2 tỷ USD. Xu hướng tương tự được quan sát thấy ở một số quốc gia khác, ví dụ, Hà Lan, Thụy Sĩ và Romania tăng chi tiêu 12, 12 và 17%, tương ứng - nhưng với số lượng tuyệt đối, chỉ 12,1 tỷ, 5,2 tỷ và 4,9 tỷ USD.

Chi phí chiến tranh

Một số quốc gia trên thế giới hiện đang buộc phải chống khủng bố như một phần của các hoạt động quân sự. Ở các nước khác, ít nhất là có sự bất ổn chính trị có khả năng dẫn đến một cuộc nội chiến.

Những trường hợp như vậy có thể kích thích sự tăng trưởng của chi tiêu quốc phòng - điều được quan sát thấy ở một số khu vực. Năm 2019, chi tiêu quân sự của Iraq - nước đang tiếp tục chống lại những kẻ khủng bố quốc tế, đã tăng 17% và đạt mức 7,6 tỷ USD. IPRI không có số liệu về Syria - nước có tình trạng tương tự.

Các xu hướng và hiện tượng chính trong chi tiêu quốc phòng năm 2019 - Ảnh 5.

40 nước có mức chi chiếm 92% tổng số chi tiêu quốc phòng của thế giới; Nguồn: topwar.ru/SIPRI


Ngân sách của Burkina Faso cho thấy mức tăng trưởng cao 22%, nhưng chỉ lên tới 358 triệu USD. Trường hợp tương tự là Afghanistan, có tăng trưởng 20% nhưng con số tuyệt đối chỉ 227 triệu.

Ở các nước khác, các quá trình đang đi ngược lại, một nền kinh tế suy yếu có thể không còn duy trì chi tiêu quốc phòng ở cùng mức độ. Nigeria đã cắt giảm ngân sách của mình 20% xuống còn 172 triệu USD; Nigeria – 8,2% xuống còn 1,86 tỷ USD; Chad bắt đầu chi tiêu ít hơn 5,1%.

Сác kỷ lục riêng biệt

Dữ liệu SIPRI cho thấy một số quốc gia có sự tăng trưởng hoặc suy giảm kỷ lục, do nhiều yếu tố khác nhau. Bulgaria đã ghi nhận mức tăng kỷ lục trong chi tiêu quân sự là 127% trong năm ngoái, đã chi 2,27 tỷ USD.

Hai phần ba trong số các khoản chi này, xấp xỉ 1,25 tỷ USD đã được trả cho một hợp đồng duy nhất - tám máy bay chiến đấu F-16, cùng phụ tùng, vũ khí và đào tạo nhân sự tại Mỹ. Cho đến năm 2018, ngân sách quân sự Bulgaria khiêm tốn hơn nhiều; rất có khả năng năm 2020, chi phí sẽ trở về mức trước đó.

Trong số các "nhà vô địch" có thể kể đến Zimbabwe - nước đã không thể đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trong nhiều năm, và chi phí liên tục giảm. Năm ngoái, Zimbabwe đã trở thành nước dẫn đầu trong việc cắt giảm ngân sách quân sự, với 50%. Rất có thể, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong tương lai gần.

Xu hướng và hiện tượng

Dễ nhận thấy, các hiện tượng và xu hướng chính của năm 2019, không khác biệt nhiều so với vài năm trước. Theo số liệu SIPRI, từ năm 2011 đến 2014 đã có sự giảm tổng chi tiêu quân sự. Kể từ năm 2015, quá trình ngược lại đã được ghi nhận - chi tiêu quân sự ở cả từng quốc gia và tổng cộng trên hành tinh, không ngừng tăng lên.

Cho đến nay, những xu hướng này vẫn tiếp tục, trong khi con số cụ thể, tỷ lệ phần trăm và vị trí của các quốc gia trong xếp hạng tổng hợp đang thay đổi.

Các xu hướng và hiện tượng chính trong chi tiêu quốc phòng năm 2019 - Ảnh 7.

Các nước có mức tăng và giảm chi tiêu quốc phòng lớn nhất: Nguồn: topwar.ru/SIPRI


Năm 2019 có thể được coi là sự xác nhận của các quy luật được biết đến từ lâu trong lĩnh vực quân sự-chính trị. Sự suy giảm quan hệ giữa các quốc gia dẫn đến rủi ro quân sự và đối đầu, kéo theo sự gia tăng chi tiêu quốc phòng.

Một quốc gia hiếu chiến tăng mạnh chi phí, đồng thời, một nền kinh tế yếu có thể đơn giản bùng nổ - sau đó, mặc dù tiếp tục nỗ lực, các chỉ số bắt đầu giảm.

Hiện giờ, nền kinh tế thế giới không ở thời kỳ tốt nhất, và nó đang ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực chính, bao gồm cả quốc phòng và an ninh.

Cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến đại dịch có thể làm thay đổi đáng kể ngân sách quốc phòng của các quốc gia. SIPRI sẽ theo dõi các sự kiện tương tự và sẽ giới thiệu báo cáo mới vào mùa xuân tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại