Các tập đoàn quốc phòng Mỹ hưởng lợi lớn do khủng hoảng Triều Tiên?

Đức Dũng |

Cuộc khủng hoảng Triều Tiên đang khiến nhiều quốc gia quan ngại nhưng nó lại đem đến các hợp đồng có giá trị lớn cho các tập đoàn quốc phòng của Mỹ.

Mới đây, Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Mỹ đã quyết định bổ sung thêm hơn 400 triệu USD để chi cho các công tác củng cố hệ thống phòng thủ của Mỹ do các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên ngày càng gia tăng. Các công ty, tập đoàn quốc phòng Mỹ được hưởng lợi từ quyết định này gồm có Boeing, Raytheon, Orbital ATK.

Phát biểu tại phiên điều trần tại Thượng viện về vấn đề Afghanistan vào chiều ngày 5/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh rằng Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản chi bổ sung thêm 416 triệu USD cho việc mở rộng sản xuất các loại tên lửa đánh chặn bố trí trên đất liền, các loại radar, cho hiện đại hóa các tàu chiến để sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa đang ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.

Theo ông James Mattis, ông đã trực tiếp đưa ra đề nghị này và nhận được sự ủng hộ bằng cách cắt giảm nguồn kinh phí từ các chương trình quốc phòng khác, ví dụ như từ kinh phí để tổ chức các chiến dịch quân sự, cũng như kinh phí cho các hoạt động mang tính chiến thuật.

Việc cắt giảm này đã giúp cho Bộ Quốc phòng Mỹ tiết kiệm được khoản tiền 440 triệu USD trong năm tài khóa 2017 và trích số tiền này để phục vụ cho các chương trình nâng cao năng lực phòng thủ như trên.

Các tập đoàn quốc phòng Mỹ hưởng lợi lớn do khủng hoảng Triều Tiên? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, J.Mattis

Theo hãng thông tấn Bloomberg, đề xuất của Bộ Quốc phòng Mỹ là chi thêm 16 triệu USD cho việc kéo dài thời hạn hoạt động cho hệ thống radar AN/FPS-108 Cobra Dane tại khu vực các đảo ở Aleutsk. Công ty Raytheon là đối tác được hưởng lợi từ nội dung này.

Ngoài ra, công ty Raytheon còn có thể nhận thêm 13 triệu USD để đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa 4 tàu chiến mà từ đó có thể phóng các tên lửa Block IIA để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung.

Công ty Orbital ATK, công ty chuyên sản xuất các thiết bị tăng tốc cho tên lửa, theo Bloomberg, cũng nhận được lợi ích từ số tiền bổ sung nêu trên.

Còn công ty Boeing cũng sẽ được cấp thêm 47 triệu USD để lắp đặt thêm 10 bệ phóng tên lửa mới ở Alaska, nơi đang bố trí 32 tên lửa. Thêm 8 triệu USD nữa sẽ được bổ sung để nâng số lượng tên lửa đánh chặn từ 44 lên 64 (trước đó nguồn ngân sách năm tài khóa 2017 cũng đã chi cho chương trình này 219 triệu USD).

Ngoài ra, Boeing còn nhận thêm được 15 triệu USD để cải tiến chương trình phần mềm của hệ thống radar dải tần X được bố trí trên biển.

Để các quyết định trên có hiệu lực, đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cần nhận được sự ủng hộ từ các ủy ban vũ khí thuộc Thượng và Hạ viện Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại