Các nước vùng Vịnh hạ xuống 6 'yêu sách', Qatar sắp thoát vòng vây?

Quốc Vinh |

Trong một động thái dịu giọng bất ngờ, các nước vùng Vịnh đã giảm bớt các yêu cầu xóa bỏ phong tỏa đối với Qatar từ 13 xuống còn 6.

Các nước Ả Rập đang có cuộc tranh cãi ngoại giao Qatar hôm hôm 18/7 cho biết, họ đã sửa đổi và cắt giảm danh sách yêu cầu đối với Doha, trong một nỗ lực hướng tới giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài hơn một tháng qua.

Nhóm các nước vùng Vịnh do Saudi Arabia dẫn đầu ra tuyên bố yêu cầu Qatar chấp nhận 6 nguyên tắc mới được các nước này soạn thảo thay vì tối hậu thư 13 yêu cầu trước đó, theo Al Jazeera.

Các nước vùng Vịnh hạ xuống 6 yêu sách, Qatar sắp thoát vòng vây? - Ảnh 1.

Các nước vùng Vịnh đã phong tỏa toàn bộ đường biển, đường hàng không, đường bộ với Qatar trong hơn một tháng qua.

Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và UAE kêu gọi Qatar cam kết thi hành 6 nguyên tắc "chống chủ nghĩa cực đoan" và "khủng bố" và đàm phán một kế hoạch với các biện pháp cụ thể để thực hiện những điều trên.

Abdallah al-Mouallimi, Đại sứ Saudi Arabia tại Liên Hợp Quốc, nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng, bốn nước này đã cam kết tuân thủ 6 nguyên tắc được các Bộ trưởng Ngoại giao của họ thông qua tại cuộc họp ngày 5/7 tại Cairo.Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và UAE kêu gọi Qatar cam kết thi hành 6 nguyên tắc "chống chủ nghĩa cực đoan" và "khủng bố" và đàm phán một kế hoạch với các biện pháp cụ thể để thực hiện những điều trên.

Ông cho biết, các nước vùng Vịnh đã thay đổi các yêu cầu của họ từ 13 yêu cầu chi tiết sang 6 yêu cầu khái quát mang tính chất "nguyên tắc".

Bản nguyên tắc mới này bao gồm:

Cam kết chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố dưới tất cả các hình thức. Ngăn chặn việc cung cấp tài chính hoặc cung cấp nơi ẩn náu cho các nhóm này.

Tạm dừng tất cả các hành động khiêu khích và diễn thuyết kích động thù hận hoặc bạo lực.

Thực hiện đầy đủ Hiệp định Riyadh năm 2013 và thoả thuận bổ sung năm 2014, trong khuôn khổ chương trình của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.

Tuân thủ tất cả các kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Ả Rập được tổ chức vào tháng 5/2017 tại Riyadh.

Không được can thiệp vào công việc nội bộ của các nước và hỗ trợ các thực thể bất hợp pháp.

Trách nhiệm của tất cả các quốc gia trong cộng đồng là phải coi mọi hành động cực đoan và khủng bố là một mối đe dọa đối với hoà bình và an ninh quốc tế.

Không chỉ rút gọn các yêu cầu trước đó, điều đáng lưu ý hơn là các nước vùng Vịnh không còn thúc ép Qatar đóng cửa kênh truyền hình nhiều ảnh hưởng Al Jazeera.

Đại sứ Mouallimi cho biết, bốn quốc gia Ả Rập tin rằng dừng kích động bạo lực là điều cần thiết, nhưng ông nói đóng cửa Al Jazeera có thể không cần thiết.

“Nếu chúng tôi có thể nhận được sự chấp thuận tất cả những yêu cầu trên thì không cần đóng cửa Al Jazeera cũng là điều tốt”, đại diện các nước vùng Vịnh nhấn mạnh, “điều quan trọng là mục tiêu và những nguyên tắc liên quan".

Qatar kiện lên tòa án quốc tế

Các nước vùng Vịnh hạ xuống 6 yêu sách, Qatar sắp thoát vòng vây? - Ảnh 2.

Mỹ-Qatar đạt được thỏa thuận chống tài trợ khủng bố.

Đại sứ của Qatar tại Liên Hợp Quốc đã bác bỏ những đòi hỏi mới này.

Tuy nhiên, cả hai bên cho biết họ hy vọng sẽ giải quyết vấn đề của họ thông qua hòa giải khu vực. Đồng thời các bên nhắc lại rằng sẽ không có kế hoạch leo thang quân sự.

Trong phản ứng gần đây nhất của mình, Qatar tuyên bố đang xem xét hành động pháp lý chống lại bốn quốc gia đang vây hãm mình, yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc phong tỏa liên tục.

Bộ trưởng Kinh tế Qatar Ahmed bin Jassim Al Thani đã gặp các nhà lãnh đạo thuộc Tổ chức thương mại quốc tế tại Geneva, Thụy Sỹ, để thảo luận về trường hợp bồi thường.

Qatar đã ký kết với một nhóm chuyên gia pháp lý để nghiên cứu hành động của các quốc gia vùng Vịnh, theo một tuyên bố từ bộ Kinh tế Qatar.

Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid bin Mohammed al-Attiyah còn cho biết, nước này thậm chí có thể đưa trường hợp của mình lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), tại The Hague để phân xử rõ ràng.

Trong vài tuần qua, Mỹ và Liên Hợp Quốc đã tăng cường các nỗ lực hòa giải giữa Qatar và các nước Ả Rập đối lập.

Ngoài ra Kuwait cũng đóng một vai trò trung gian trong khu vực nhằm tiết chế khủng hoảng. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã đứng về phía Qatar với các động thái viện trợ lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết.

Đối với Mỹ, cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar là một “cơn đau đầu” mới ở Trung Đông – nơi vốn đã bị lôi kéo vào cuộc xung đột và biến động, từ Syria đến Iraq và Libya, bên cạnh tình trạng bạo lực cực đoan bởi các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có chuyến công du tới khu vực vào tuần trước, gặp gỡ với các quan chức để thúc giục chấm dứt sự rạn nứt đang đe dọa liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.

Washington và Doha đã ký một thoả thuận chung trong việc chống tài trợ khủng bố, một sự phát triển được coi là tích cực, theo Wall Street Journal.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại