Các nước NATO đe dọa “gói trừng phạt chưa từng có” với Nga

Hải Yến |

Các nhà lãnh đạo Vương quốc Anh và các quốc gia thành viên hàng đầu khác của NATO nhất trí rằng “một gói trừng phạt chưa từng có” nên được áp dụng đối với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine.

Quốc kỳ các nước thành viên NATO.

Quốc kỳ các nước thành viên NATO.

Trong một tuyên bố sau cuộc họp trực tuyến hôm qua (24/1), Văn phòng Báo chí của Thủ tướng Anh nói rằng "các nhà lãnh đạo nhất trí nếu Nga tiếp tục xâm nhập vào Ukraine, các đồng minh phải đưa ra các biện pháp đáp trả nhanh chóng, bao gồm một gói trừng phạt chưa từng có."

Theo các báo cáo trước đó, cuộc họp trực tuyến có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và các nhà lãnh đạo của Anh, Ý, Ba Lan, Pháp và Đức. Cuộc họp này đóng cửa đối với truyền thông.

Tầm quan trọng của ngoại giao

Những người tham gia cuộc họp nhấn mạnh "tầm quan trọng của sự đoàn kết quốc tế khi đối mặt với sự thù địch ngày càng tăng của Nga".

"Thủ tướng nhấn mạnh cái giá thực sự của con người đối với bất kỳ hành động xâm lược nào của Nga và sự cần thiết phải thực hiện tất cả các bước trong khả năng của chúng tôi để ngăn chặn kết quả đó" – văn bản cho biết.

Về vấn đề này, các nhà lãnh đạo NATO nhất trí rằng con đường ngoại giao với Nga vẫn là ưu tiên hàng đầu trong việc giải quyết tình hình hiện nay xung quanh Ukraine.

Bên cạnh đó, họ hoan nghênh các cuộc đàm phán đã diễn ra giữa Nga và các đồng minh NATO.

Cung cấp vũ khí

Những người tham gia cuộc thảo luận "cũng nhất trí rằng cộng đồng quốc tế không nên dung thứ cho bất kỳ hành động nào làm xói mòn chủ quyền Ukraine".

"Thủ tướng đã vạch ra các bước mà Vương quốc Anh đã thực hiện để tăng cường năng lực phòng thủ cho Ukraine" – tuyên bố viết.

Ngày 17/1, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Wallace cho biết nước ông đã soạn thảo một gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của đất nước.

Ông cho biết Anh sẽ cung cấp vũ khí tấn công chống tăng cho Ukraine để giúp nước này tự vệ trong trường hợp Nga bị cáo buộc là tấn công.

"Chúng không phải là vũ khí chiến lược và không gây ra mối đe dọa nào với Nga. Chúng được dùng để tự vệ" – Bộ trưởng Ben Wallace nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại