Theo Washington Post, bệnh nhân 61 tuổi ở bang Pennsylvania (Mỹ) sau khi nhập viện ở Đại học Y khoa và Trung tâm Y tế Pittsburgh đã được các bác sĩ ở đây tiến hành các xét nghiệm cần thiết để chuẩn bị ca phẫu thuật ghép gan. Các xét nghiệm cho thấy nước tiểu của bệnh nhân này có nồng độ cồn rất cao, khiến các bác sĩ nghi ngờ bà che dấu chứng nghiện rượu vốn có thể ảnh hưởng tới gan, và từ chối thực hiện ca phẫu thuật.
Tuy nhiên, người phụ nữ này đã cam đoan là bà không nghiện rượu. Khi xem xét kỹ hơn, các bác sĩ nhận thấy hành vi của bà hoàn toàn tỉnh táo, và xét nghiệm máu cho thấy không có dấu hiệu của rượu.
Sau khi hội chẩn rất nhiều lần, các bác sĩ cuối cùng đã phát hiện ra nguyên nhân khiến nước tiểu của bệnh nhân nữ này có nồng độ ethanol cực cao. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng tự sinh rượu đường tiết niệu cực kỳ hiếm gặp, khiến bàng quang của người phụ nữ này chứa đầy cồn. Nói cách khác, cơ quan nội tạng này đã tự ‘sản xuất’ rượu.
Theo Kenichi Tamama, đại diện nhóm nghiên cứu, các bác sĩ đã rất bối rối khi phát hiện ra hội chứng hiếm gặp này.
"Các bác sĩ đã rất ngạc nhiên và sốc. Ban đầu, các bác sĩ lâm sàng nghĩ rằng bệnh nhân đã nói dối về việc sử dụng rượu", Kenichi nói. Bản thân bệnh nhân này cũng có tiền sử tiểu đường và xơ gan.
Theo đó, các xét nghiệm cho thấy bàng quang và nước tiểu của bệnh nhân nữ này chứa rất nhiều đường (do đái tháo đường) và nấm men Candida glabrata. Về cơ bản, nấm Candida glabrata là loại nấm men cơ thể tự sản sinh và tích tụ khi con người ăn quá nhiều đường hoặc tinh bột. Loại nấm này tương tự như nấm men Saccharomyces cerevisiae - 1 loại men bia thường được các nhà sản xuất bia sử dụng. Chính loại nấm men này cùng với đường đã tạo ra ethanol trong bàng quang bệnh nhân.
Trước đây, y học từng ghi nhận một vài trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng say rượu sau khi ăn các món có chứa quá nhiều carbohydrate. Nguyên nhân là do các vi khuẩn trong ruột đã biến carbohydrate thành ethanol. Từ ruột, ethanol đi vào máu và khiến cơ thể bệnh nhân bị nhiễm độc. Tình trạng này được gọi là hội chứng tự sinh rượu, hoặc hội chứng lên men đường ruột.
Tuy nhiên, với riêng với trường hợp bệnh nhân nữ ở bang Pennsylvania, đây là lần đầu tiên các bác sĩ ghi nhận sự xuất hiện của nấm Candida glabrata ở bàng quang, khiến nước tiểu của bệnh nhân có nồng độ ethanol rất cao. Do vậy, các nhà nghiên cứu đã gọi đây là hội chứng tự sinh rượu đường tiết niệu, hay hội chứng lên men bàng quang nhằm phân biệt. Đây cũng là nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine vào thứ Hai (24/2) vừa qua.
Được biết thêm, sau khi tìm ra chính xác nguyên nhân khiến nước tiểu có nồng độ cồn cao, các bác sĩ ở Đại học Y khoa và Trung tâm Y tế Pittsburgh đã cho phép bệnh nhân vào danh sách chờ ghép gan.
Tham khảo Washington Post