Các món ăn bài thuốc bồi bổ sức khoẻ cho người bệnh ung thư được GS Trung y khuyên dùng

Trần Lệ Vân (Y học cộng đồng) |

Món ăn- bài thuốc theo người Trung Hoa là thêm các loại thực phẩm chức năng (functional food) hoặc thảo dược vào trong bữa ăn hàng ngày.

Tác giả: Giáo sư Hou Bing (Trung Quốc) - Chủ tịch Tổ chức Quốc tế về Liệu pháp dùng Món ăn bài thuốc

Tổ chức này được thành lập bởi các chuyên gia bao gồm chuyên viên dinh dưỡng, BS Trung y, BS chuyên khoa và các giáo sư từ các trường ĐH Trung y, có mục đích khuyến khích và phổ biến các tinh hoa về Liệu pháp dùng Món ăn bài thuốc trong việc chăm sóc sức khỏe.

Đây là một nhánh của Đông y, được xem như là đóng vai trò quan trọng trong việc bồi bổ sức khỏe và phòng bệnh.

Khái niệm dùng dinh dưỡng trong điều trị bệnh từ lâu là một vấn đề không thể bàn cãi. Trong cuốn Hoàng Đế Nội Kinh- cuốn sách viết về học thuyết Trung y lâu đời nhất, cũng nói rằng món ăn cũng quan trọng như thuốc trong việc điều trị bệnh.

Đối với bệnh nhân ung thư, chế độ ăn theo thuyết của Trung y giúp họ cải thiện sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp mau lành bệnh, giúp giảm thiểu khả năng tái ung thư và ung thư di căn. Đông y quan niệm bất cứ thứ gì trong cơ thể cũng phải cân bằng thì con người mới khỏe, thành thử ra, các món ăn bài thuốc đều được xây dựng dựa theo thuyết này, ví dụ cơ thể "nhiệt" quá thì mình phải dùng các món ăn để giảm nhiệt,

Như chúng ta đã biết, cả hóa trị và xạ trị đều là những liệu pháp điều trị ung thư xâm lấn, chúng giúp diệt tế bào ung thư, nhưng đồng thời cũng phá hủy các tế bào lành tính. Chúng gây ra rất nhiều tác dụng phụ và phản ứng độc hại cho cơ thể. Vì thế, các bệnh nhân ung thư đều cần một chế độ ăn dinh dưỡng phù hợp để giúp họ tăng cường và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Trong thời gian khám chữa bệnh, GS. BS Hou Bing- Chủ tịch Tổ chức Liệu pháp món ăn bài thuốc Quốc tế (Chairman of International Association of Medicinal Food Therapy) đã quan sát thấy bệnh nhân ung thư dùng chế độ ăn để cải thiện sức khỏe như thế nào. Ông chia sẻ các kinh nghiệm đó qua bài dưới đây.

Món ăn bài thuốc trong thời kỳ xạ trị

Theo quan điểm của Đông y, các tia phóng xạ được xem là "nhiệt độc" và "hỏa độc" (toxic heat and fire evils) vì chúng làm mất dịch trong cơ thể, khiến bệnh nhân ung thư thấy nóng nảy trong người như viêm họng, khát nước, bứt rứt và có nước tiểu vàng.

Các món ăn bài thuốc bồi bổ sức khoẻ cho người bệnh ung thư được GS Trung y khuyên dùng - Ảnh 3.

Các thực phẩm được khuyên dùng trong thời kỳ xạ trị

Xạ trị gây tổn thương cho bộ phận cơ thể tại chỗ hay toàn thân còn tùy thuộc vào phần cơ thể bị xạ, nhưng những triệu chứng thường gặp là khô miệng, đau miệng, kém ăn, tiêu chảy, suy tủy, và suy giảm miễn dịch. Chế độ dinh dưỡng theo Đông y có thể giúp giảm các tác dụng phụ, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả của xạ trị.

Hướng điều trị thông thường là: dưỡng âm (nourishing yin), giúp sinh tân dịch (promoting body fluid production), thanh nhiệt độc (clearing toxic heat), bổ khí (replenishing qi), hoạt huyết (activating blood), giải ứ (resolving stasis), bồi dưỡng tạng phủ (invigorating organs). Những điều này được áp dụng theo tình trạng của từng bệnh nhân.

Dưới đây là chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân trong và sau thời kỳ xạ trị.

- Trong lúc xạ trị, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng như khô miệng, khô da, ngứa ngáy, đau miệng hay táo bón, vì thế, dưỡng âm và giúp sinh tân dịch được chỉ định.

Các loại thực phẩm được khuyên ăn là: cải bó xôi, cải thảo, rau cần, rau dền, rong biển, nấm, bông cải, khoai tây, giá (đỗ), khổ qua, cà tím, dưa leo, bầu, bí, mướp, dưa hấu, lê, quýt, cam, hồng, nho, đào, chuối, sung, mật ong, mía, hàu, đậu xanh, đậu, mộc nhĩ, bách hợp, hạt sen, táo tàu, khoai lang, đào nhân, củ sen, đậu rồng.

Các món ăn bài thuốc bồi bổ sức khoẻ cho người bệnh ung thư được GS Trung y khuyên dùng - Ảnh 4.

Kỷ tử được khuyên dùng sau xạ trị

- Sau xạ trị, sức đề kháng của cơ thể giảm sút, dẫn đến hồng cầu và bạch cầu giảm. Các loại thảo dược như sâm, hoàng kỳ, đẳng sâm, nấm linh chi, nữ trinh tử, kỷ tử, táo Tàu có thể được thêm vào thực đơn hàng ngày để giúp sản sinh tế bào máu.

Bệnh nhân cũng nên ngưng, không ăn thức ăn cay và chiên nhiều dầu mỡ. Nên chọn ăn đa dạng các nhóm thực phẩm, bao gồm nhiều rau củ quả và ngũ cốc để giúp ngon miệng đồng thời giúp tránh táo bón.

Sau đây là vài công thức món ăn cho bệnh nhân dùng xạ trị:

Thực đơn 1:

-Dùng 60g hạt sen+60g bách hợp khô.

-Nấu với 1 lít nước trong vòng 1 giờ. Nêm với muối. Dùng ấm.

-Có tác dụng thanh nhiệt, bao gồm các triệu chứng như viêm họng, khát nước, bứt rứt, nổi nhiệt miệng, và tiểu buốt.

Thực đơn 2:

-30g nấm linh chi+15g sâm+ 60g hoàng kỳ+15g nữ trinh tử.

-Nấu với 1 lít nước rồi uống như trà.

-Có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể, làm giảm sự mệt mỏi và tăng cường thể lực.

Món ăn bài thuốc trong thời kỳ hóa trị

Hoá trị thường gây ra các tác dụng phụ như triệu chứng toàn thân, vấn đề về tiêu hóa, và suy tủy. Bệnh nhân thường buồn nôn, nôn và chán ăn. Có một chế độ ăn đúng sẽ giúp bệnh nhân vượt qua các đợt hóa trị một cách dễ dàng hơn.

Nên thiết lập một chế độ ăn nhẹ, đủ dinh dưỡng và dễ tiêu hóa, bao gồm thức uống sền sệt (semi fluid) và thức ăn nấu mềm. Điều này có thể giúp bệnh nhân dễ nuốt hơn. Nếu cần thì chia làm 5-6 bữa ăn nhỏ trong ngày.

Các món ăn bài thuốc bồi bổ sức khoẻ cho người bệnh ung thư được GS Trung y khuyên dùng - Ảnh 6.

Nữ trinh tử

Khi các triệu chứng về đường tiêu hóa trở nên trầm trọng, hãy thử uống các thứ nước pha chế từ gừng tươi, trái sung và lô căn (reed rhizome) để giảm chứng buồn nôn, nôn và kích thích ăn uống.

Để ngăn ngừa và làm giảm các tác dụng không mong muốn của việc suy tủy, cần ăn các thức ăn giàu đạm (heo, gà và cá là các chọn lựa tốt). Các loại thức ăn khác như rau chân vịt (spinach), rau cần, cà chua, trái đào, nho, thơm, trái thanh mai, trái sung, táo Tàu, đậu phộng. Các loại nấm ăn được giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, nên thêm vào thực đơn mỗi ngày.

Khâu chế biến thực phẩm cũng rất quan trọng để giúp tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Các phương pháp như hấp, chần (luộc nhanh-poaching) và luộc tốt hơn là đem nướng hay chiên.

Thực đơn ăn trong thời kỳ hóa trị:

Thực đơn 1:

Trà giúp giảm triệu chứng buồn nôn và khô miệng

Thành phần: 120g lô căn + 30g đường phèn+750ml nước nấu trong vòng 30 phút.

Thực đơn 2:

Cháo giúp giảm triệu chứng buồn nôn và khô miệng, giúp ăn ngon miệng

Thành phần: 500g củ sen tươi + 5-6 lát gừng tươi +90g gạo + 1500ml nước.

Nấu sôi rồi vặn lửa nhỏ cho đến khi nhừ.

Thực đơn 3:

Cháo giúp ăn ngon miệng và giảm triệu chứng đầy bụng.

Thành phần: 20g trái phật thủ+ 90g gạo +đường phèn vừa đủ ngọt và hành lá. Nấu phật thủ với 500ml nước trong vòng 20 phút, lấy nước bỏ bã. Cho phần nước này vào nồi+ 1000ml nước. Khi nước sôi, cho gạo vào nấu nhừ thành cháo. Tắt lửa, cho đường phèn vào, rắc thêm hành.

Món ăn bài thuốc ăn trong giai đoạn phục hồi sau ung thư

Những người bệnh trải qua quá trình điều trị thường bị kiệt sức và thiếu dinh dưỡng cho các chức năng hoạt động bình thường. Vì thế, một chế độ dinh dưỡng cân bằng có thể giúp họ giảm tình trạng suy dinh dưỡng, giúp tái tạo năng lượng và tăng cường hệ miễn dịch, giúp làm ngắn thời gian phục hồi, nâng cao chất lượng sống và giảm rủi ro bị tái ung thư.

Do đó, việc chọn thực phẩm trong giai đoạn này cũng phải dựa vào yếu tố giúp dễ tiêu hóa và hấp thu.

Trung y ủng hộ thực phẩm mềm, ít xơ, nấu chín, không cay, tươi, không phải dạng thực phẩm đóng hộp. Vì thế, sự thay đổi chế độ ăn này cần phải tuân theo một cách nghiêm túc để bảo vệ cho tỳ và vị.

Chế độ dinh dưỡng đề nghị bao gồm các loại thực phẩm giàu calo, giàu xơ, giàu đạm, đa dạng và kết hợp các nhóm thực phẩm với nhau. Các nghiên cứu lâm sàng và thống kê cho thấy điều này giúp sức tốt cho các bệnh nhân ung thư phục hồi.

Trái cây tươi, rau cải, các loại hạt và thực phẩm có nguồn gốc thực vật là các loại thức ăn tốt cho sức khỏe. Trung y đặc biệt đề nghị chọn các loại thực phẩm sau: khoai lang, cà rốt, củ cải trắng, bắp cải, khổ qua, dưa hấu, cam, quýt, chuối, măng tây, bắp, tỏi, khoai tây, nấm, bông cải xanh, cần tây, cà tím, ớt chuông, dưa leo, đu đủ, mướp, và giá đậu nành.

Các triệu chứng như buồn nôn, nôn, thay đổi khẩu vị, chán ăn, và đi tiêu khó khăn cũng thường xảy ra. Các thực phẩm sau đều thích hợp với mọi người và có thể dùng lâu dài: khoai lang, bo bo, đậu ván, hạt sen, mè, hạt thông, quả óc chó, tuyết nhĩ, phục linh, sơn tra, kỷ tử, nữ trinh tử, a giao, đông trùng hạ thảo, đẳng sâm, thái tử sâm.

Các món ăn bài thuốc bồi bổ sức khoẻ cho người bệnh ung thư được GS Trung y khuyên dùng - Ảnh 8.

Bách hợp

Nếu bệnh nhân có các chứng bất hòa trong cơ thể, thì các thành phần thực phẩm sau dùng rất tốt:

- Chứng Âm hư/ âm và khí hư có các dấu hiệu sau: hồi hộp, bứt rứt, khó chịu, thở ngắn (shortness of breath), dễ bị lạnh, khô miệng, sốt nhẹ và táo bón được gợi ý dùng các thực phẩm như củ ấu, nấm, chuối, củ sen tươi, bách hợp, dưa hấu, khổ qua, rong biển laver, rong biển kelp, sinh địa hoàng, rễ bạch thược, dâu tằm, bắc sa nhân, mạch môn, huyền sâm để chế biến thành món ăn bài thuốc.

- Chứng dương hư/Dương và khí hư có các dấu hiệu như tay chân lạnh, ớn lạnh, ăn kém, đi tiêu phân lỏng, hồi hộp, nặng ngực được gợi ý dùng các loại thực phẩm như: thịt cừu, thịt bò, hồng táo, nhãn nhục, trái đào, mận, hoàng kỳ, bạch truật và đông trùng hạ thảo để chế biến thành món ăn bài thuốc.

Thực đơn ăn trong thời kỳ phục hồi sau ung thư:

1: Súp sâm và hạt sen

Chỉ định: Chứng âm hư.

(Có các triệu chứng như chóng mặt, thở ngắn, nói không ra hơi, bứt rứt và đổ mồ hôi).

Thành phần: 9g nhân sâm châu Á+ 60g hạt sen

Chế biến: Rửa sạch các nguyên liệu, ngâm trong nước lạnh 4 tiếng đồng hồ, thêm đường phèn và nấu trong vòng một tiếng đồng hồ.

Công dụng: Khuyến khích sự tăng sinh khí, kiện tỳ bổ thận, an thần.

Các món ăn bài thuốc bồi bổ sức khoẻ cho người bệnh ung thư được GS Trung y khuyên dùng - Ảnh 9.

Những món ăn bài thuốc

2. Kẹo

Chỉ định: Chứng huyết hư.

(Có các triệu chứng như da nhợt nhạt, da khô, chóng mặt, hồi hộp, mất ngủ, tê tứ chi và rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ).

Thành phần: 60g hồng táo + 60g đậu phộng (đỏ)

Chế biến: Rửa sạch các nguyên liệu, nấu với 700ml nước, để lửa liu riu, đến khi còn 3 phần thì thêm mật ong vào và nấu sao cho hỗn hợp trở nên đông đặc.

Công dụng: Bồi bổ khí huyết.

3. Xúp thịt vịt nấu với đông trùng hạ thảo

Chỉ định: Phế thận âm hư.

(Có các triệu chứng như khó thở, bứt rứt, ra mồ hôi đêm, cơn bốc hỏa, đau nhức lưng, mỏi gối, xuất tinh).

Thành phần: 60g thịt vịt+ 15g đông trùng hạ thảo

Chế biến: Ướp thịt vịt và đông trùng hạ thảo với chút muối, cho vào lồng hấp với 300ml nước. Hấp với lửa lớn trong vòng 60 phút.

Công dụng: Bổ phế, thận

4. Cháo thảo dược

Chỉ định: Tỳ khí hư sinh đàm ẩm

(Có các triệu chứng như khó chịu, bứt rứt, sức khỏe yếu, ăn uống kém, da nổi mẩn, tiêu lỏng).

Thành phần: 20g phục linh + 20g bạch truật + 30g ý dĩ+ 15g hạt kê+ 10g bột nấm vân chi

Chế biến: Nấu 2 loại thảo dược đầu 1,2 lít nước trong 40 phút, giữ nước bỏ bã, thêm vào ý dĩ và hạt kê, nấu trên lửa liu riu đến khi nước súp trở nên đặc. Tắt lửa, thêm vào bột nấm vân chi.

Công dụng: Kiện tỳ và loại trừ đàm ẩm.

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại