Các dự án đầy tham vọng của Liên Xô ở Bắc Cực

Lê Ngọc |

Do điều kiện địa lý và hoàn cảnh, Liên Xô từng thực hiện một số dự án thực sự đáng kinh ngạc về ý tưởng và quy mô tại Bắc Cực.

Đường sắt xuyên cực

1/5 lãnh thổ của Nga, nằm trên Vòng Bắc Cực, nhưng chỉ 1% dân số của nước này - khoảng 1,5 triệu người - sống ở đó. Vùng Permafrost, mùa đông khắc nghiệt kéo dài gần như quanh năm, ngày và đêm... hoàn toàn bất tiện. Tuy nhiên, việc phát triển Bắc Cực có tầm quan trọng lớn vì vùng này rất giàu tài nguyên thiên nhiên và Bắc Băng Dương cung cấp tuyến đường biển từ Âu sang Á ngắn nhất.

Các dự án đầy tham vọng của Liên Xô ở Bắc Cực - Ảnh 1.

Đường sắt xuyên cực đi qua những vùng hẻo lánh và khó khăn; Nguồn: RBTH

Không đáng ngạc nhiên khi Liên Xô đã đưa ra một số dự án thực sự đáng kinh ngạc cho phần này của đất nước. Tuyến đường sắt xuyên cực là một trong những dự án xây dựng quy mô lớn cuối cùng dưới thời Joseph Stalin. Nó được thiết kế để kết nối các thành phố Chum, Salekhard, Nadym, Novy Urengoy và Igarka, với tổng cộng 1.300km đường ray qua các khu rừng, sông và đầm lầy gần như không thể vượt qua.

Tuyến đường sắt được xây dựng thành một đường đơn với 106 điểm tránh và 28 ga nằm cách nhau 40-60km. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1947; khoảng 80.000 tù nhân Gulag được lệnh bắt đầu đặt tà vẹt gỗ từ hai đầu của đường tàu tương lai này. Toàn bộ dự án được bảo mật cao với phần phía tây được mang mật danh 501 và phần phía đông là 503.

Việc xây dựng được tiến hành trong gần 6 năm và 700km đường sắt đã được hoàn thành, mặc dù hai phần không bao giờ được kết nối.

Các dự án đầy tham vọng của Liên Xô ở Bắc Cực - Ảnh 2.

Tượng đài kỷ niệm đường sắt xuyên cực; Nguồn: RBTH

Sau khi Stalin chết vào năm 1953, việc xây dựng bị đình trệ, Gulags bị đóng cửa và các đường ray đã được xây dựng đã nhanh chóng bị quên lãng. Ở vùng hoang dã Siberia, vẫn có thể bắt gặp những đầu máy hơi nước rỉ rét trên đường ray, các khu nhà bằng gỗ và các tháp canh. Một đầu máy hơi nước được đặt trên bệ ở ngoại ô Salekhard như một tượng đài cho “con đường chết”.

Ngày nay, chỉ còn đoạn 200km của tuyến đường sắt ban đầu giữa Chum và Labytnangi (một thị trấn bên kia sông Ob từ phía Salekhard) vẫn hoạt động. Ngoài ra, một số phần nhỏ đường tại khu vực Novy Urengoy đã được khôi phục và được sử dụng cho mục đích công nghiệp.

Dùng vũ khí hạt nhân phá băng

Tuyến đường biển phía Bắc là tuyến đường ngắn nhất nối châu Âu và châu Á, tuy nhiên, băng Bắc Cực khiến tàu bè không thể đi lại dễ dàng. Nếu không có băng, Liên Xô có thể đã thiết lập một tuyến vận chuyển hàng hóa hấp dẫn về kinh tế ở đây, làm cho vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế rẻ hơn nhiều, chưa kể đến việc phát triển mạnh các cảng và thành phố phía bắc.

Trong tài liệu lưu trữ của Viện nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực, có một bức thư của Alexei Pekarsky - một thành viên của Hiệp hội Địa lý - gửi Stalin, đề xuất ném bom hạt nhân phá băng. “Một chiếc máy bay chở các bom nguyên tử bay dọc theo tuyến đường và phá vỡ lớp băng, tạo thành một kênh để đoàn tàu đi qua”, Pekarsky đề xuất trong thư.

Các dự án đầy tham vọng của Liên Xô ở Bắc Cực - Ảnh 3.

Tàu phá băng Moscow; Nguồn: RBTH

Stalin đã gửi tài liệu tới Viện Bắc Cực để xem xét, và các nhà khoa học kết luận sử dụng vũ khí nguyên tử để phá băng Bắc Cực có thể "rất hiệu quả". May mắn thay, vào năm 1946, Liên Xô chưa có bom nguyên tử, nó chỉ được tạo ra vài năm sau đó. Tất nhiên, sau đó, người ta biết là một vụ nổ hạt nhân kèm theo tác dụng phụ như phóng xạ, và vì vậy những ý tưởng cực đoan để ném bom Bắc Cực đã bị bỏ quên.

Tuy nhiên, ý tưởng sử dụng năng lượng nguyên tử ở Bắc Cực cuối cùng cũng đã được thực hiện. Vào cuối những năm 1950, Liên Xô đã chế tạo tàu phá băng nguyên tử đầu tiên để hoạt động quanh năm ở vùng biển phía bắc. Ngày nay, các tàu phá băng nguyên tử mạnh mẽ này dẫn các con tàu dọc theo tuyến đường biển phía Bắc và sự phát triển của mạch giao thông quan trọng này đã trở thành một phần của dự án quốc gia quy mô lớn.

Thành phố có vi khí hậu nhân tạo

Kiến trúc của các thành phố vùng cực bị chi phối bởi khí hậu - các tòa nhà phải có kết cấu như nhà sàn để nhiệt của chúng không làm tan băng, khiến chúng bị chìm; các yếu tố như chống gió cũng phải được tính đến. Vì những điều kiện khắc nghiệt này, những cân nhắc về tính thẩm mỹ và sự thoải mái thường bị đẩy xuống sau cùng. Vào những năm 1960, các kiến trúc sư Liên Xô đã đưa ra đề xuất ban đầu về việc xây dựng một thành phố Bắc Cực dưới dạng một mái vòm.

Các dự án đầy tham vọng của Liên Xô ở Bắc Cực - Ảnh 4.

Dự án nhà ở vùng Bắc Cực của Liên Xô; Nguồn: RBTH

Mô tả về một thành phố, nơi tất cả các tòa nhà sẽ được kết nối bởi các phòng trưng bày có mái che, đã được xuất bản trong một tạp chí khoa học nổi tiếng của Liên Xô có tên Công nghệ cho Thanh niên, vào tháng 9/1961. Trong dự án, các kiến trúc sư S. Odnovalov và M. Tsymbal phác thảo một khu định cư ở Bắc Cực bao gồm các khối căn hộ hình trụ 15 tầng sẽ được kết nối với nhau bằng các lối đi được sưởi ấm và các cơ sở hạ tầng khác nhau.

Mỗi khu phức hợp này có thể chứa từ 500 đến 10.000 người. Ngoài các yếu tố khác, hình dạng hình trụ được sắp xếp hợp lý giúp cải thiện khả năng bảo vệ của các tòa nhà trước những cơn gió, làm cho chúng rất ổn định trong các trận bão tuyết và băng giá. Thiết kế mới đã được lên kế hoạch thử nghiệm ở Yakutia, nhưng cuối cùng, chỉ có một phòng trưng bày được xây dựng giữa các tòa nhà dân cư ở làng Udachny.

Tuy nhiên, ngày nay, ý tưởng về một khu định cư với vi khí hậu nhân tạo đã thực sự được thực hiện một phần tại hai căn cứ quân sự phía bắc của Nga: Bắc Clover ở Yakutia và Trefoil Bắc cực ở Franz Josef Land. Các tòa nhà có hình bầu dục và được kết nối bởi một tòa nhà trung tâm hình tam giác. Bên trong có khu sinh hoạt, phòng học, phòng chiếu phim, căng tin, phòng giải trí, phòng y tế và khu vườn mùa đông với cây cỏ.

Biến đổi khí hậu

Nhà khí hậu học Mikhail Budko có ảnh hưởng lớn của Liên Xô đã đưa ra giả thuyết rằng nguyên nhân chính gây ra lạnh ở Bắc Cực là băng ở Bắc Băng Dương, vì vậy để làm cho vùng này có thể sống thoải mái hơn, cần phải tìm cách làm tan băng. Năm 1962, nhà khoa học đề xuất phun muội than được sản xuất từ chất thải công nghiệp cao su lên Bắc Cực để băng có màu tối sẽ hấp thụ bức xạ mặt trời và tan chảy nhanh hơn.

Để tăng tốc quá trình, Budko còn đề xuất phủ nước không có băng bằng một màng đơn phân tử. May mắn thay, giống như nhiều ý tưởng khác, công việc gây tranh cãi và đắt đỏ này đã không bao giờ được thực hiện. Tuy nhiên, nghiên cứu của Budko đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của mô hình khí hậu cân bằng năng lượng ngày nay./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại