Bứt phá thần tốc, mặt hàng tỷ đô của VN lần đầu vươn lên Top 1 tại Singapore, thị phần gấp 4 lần Thái Lan

Pha Lê |

Trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đã đem về doanh thu 1,43 tỷ USD.

Việt Nam lần đầu tiên là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore

Theo số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu gạo từ thế giới của thị trường Singapore tăng 23,86% so với cùng kỳ, đạt gần 112,9 triệu SGD.

Tổng lượng nhập khẩu 9 loại gạo chính ước tính đạt khoảng 110.636 tấn, tăng 6,15% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng gạo, gạo tẻ trắng chiếm thị phần lớn nhất (25,09%), tiếp đến là gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 21,82%), gạo đồ (chiếm 19,75%), gạo trắng hom ma li (chiếm 16,43%). Các mặt hàng gạo khác chia đều phân khúc còn lại.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, trong 3 tháng đầu năm 2024 thị trường nhập khẩu gạo tại Singapore tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt cả về số lượng và giá trị nhập khẩu. 6/9 nhóm gạo chính đều tăng trưởng tốt, 3/9 nhóm gạo còn lại của Singapore sụt giảm là gạo tẻ trắng (giảm 36,05%), gạo lứt thường (giảm 10,7%), gạo lứt hom ma li (giảm 0,61%).

Chiều hướng tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu gạo của Singapore từ năm 2023 tiếp tục được duy trì trong 3 tháng đầu năm 2024 do 2 nguyên nhân chính là lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và sự phục hồi nhanh lượng du khách du lịch đến Singapore.

Bứt phá thần tốc, mặt hàng tỷ đô của VN lần đầu vươn lên Top 1 tại Singapore, thị phần gấp 4 lần Thái Lan- Ảnh 1.

Tự hào sản phẩm gạo Việt Nam trưng bày tại Singapore

3 tháng đầu năm 2024 đánh dấu sự vươn lên của Việt Nam, lần đầu tiên là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore trong giai đoạn gần đây, chiếm 32,03% thị phần, gấp gần 5 lần so với Ấn Độ (6,96%) và 4 lần so với Thái Lan (8,28%). Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023.

Sự sụt giảm của các nhóm như gạo lứt thường và gạo tẻ trắng được bù đắp bởi mức tăng rất mạnh của các nhóm gạo nếp (kim ngạch 3,79 triệu SGD, tăng 221,76%), gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (kim ngạch 18,06 triệu SGD, tăng 291,17%) và gạo vỡ (kim ngạch 575 nghìn SGD, tăng 111,4%).

Bên cạnh mặt hàng thế mạnh truyền thống của Việt Nam là gạo tẻ trắng thì gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ cũng vươn lên chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại Singapore, lần lượt đạt 80,08% và 73,33%. Đây là nhân tố chính đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan và Ấn Độ trở thành quốc gia chiếm thị phần gạo lớn nhất tại Singapore.

Việt Nam thu 1,43 tỷ USD từ xuất khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm

Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Dựa trên báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 3/2024 đã chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 99,7% về số lượng và 90% về giá trị, đạt khoảng 1,12 triệu tấn tương đương 709,6 triệu USD so với tháng 2/2024.

Cộng dồn trong quý đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu gạo đã tăng 17,6% về số lượng và 45,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, với tổng số lượng đạt hơn 2,18 triệu tấn và giá trị đạt gần 1,43 tỷ USD. Giá gạo bình quân đạt 653,9 USD/tấn, tăng 23,6% so với năm 2023.

Gạo 5% tấm là loại gạo xuất khẩu phổ cập nhất. Loại gạo này của Việt Nam đang thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan 4 USD/tấn và thấp hơn gạo Pakistan 24 USD/tấn.

Philippines, Trung Quốc và Indonesia đang là 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Bứt phá thần tốc, mặt hàng tỷ đô của VN lần đầu vươn lên Top 1 tại Singapore, thị phần gấp 4 lần Thái Lan- Ảnh 3.

Năm 2024 được các chuyên gia đánh giá là năm khá thuận lợi cho việc xuất khẩu gạo. Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, việc Trung Quốc và Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo đã tạo nhiều cơ hội hơn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Trong năm 2024, Việt Nam hướng tới việc ổn định diện tích cấy lúa ở mức 7,1 triệu hecta và mục tiêu sản xuất lên tới hơn 43 triệu tấn lúa, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng như duy trì khả năng xuất khẩu với số lượng lên tới 8 triệu tấn gạo.

Theo Bộ Công thương, tính đến ngày 22/1/2024, cả nước có 161 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. TP.HCM là địa phương có nhiều thương nhân xuất khẩu gạo nhất, với 36 thương nhân, Cần Thơ 34 thương nhân, Long An 22 thương nhân, Đồng Tháp 15 thương nhân, An Giang 14 thương nhân.Một số địa phương chỉ có 1 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo là Hà Nam, Hậu Giang, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Thanh Hóa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại