CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) được thành lập năm 2008, là doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực dịch vụ hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TIA).
SCS hoạt động trong thị trường nhị quyền chỉ có một đối thủ duy nhất là CTCP Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TSC), công ty con của Vietnam Airlines. Tính đến năm 2022, SCS nắm giữ 15% thị phần cả nước và 45% thị phần tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Với số tiền đầu tư lên đến 50 triệu USD, Nhà ga hàng hóa Hàng không SCSC được lên kế hoạch từ năm 2028 và bắt đầu xây dựng từ năm 2009. Nhà ga xây trên diện tích rộng 143.000m2 tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất gồm 3 khu vực: Khu vực sân đậu 52.000m2 có sức chứa 3 máy bay B747F hoặc 5 máy bay A321 cùng lúc; Khu vực Nhà ga hàng hóa 27.000m2, có khả năng xử lý hàng hóa lên đến 350.000 tấn mỗi năm và Khu vực nhà kho, bãi đậu xe và tòa nhà văn phòng 64.000m2.
SCS chuyên cung cấp các dịch vụ phục vụ mặt đất cho hàng hoá vận chuyển bằng đường hàng không, bao gồm dịch vụ giao nhận, bốc xếp, dịch vụ mặt đất hàng hóa, dịch vụ đào tạo nghề và lưu giữ hàng hóa. Mảng kinh doanh này chiếm hơn 90% tổng doanh thu mỗi năm. Ngoài ra, SCS còn cung cấp dịch vụ môi giới, kinh doanh xăng dầu và đại lý làm thủ tục hải quan.
Trong năm 2023, doanh thu của công ty đạt 705 tỷ đồng, giảm 17,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng năm 2023 giảm 22,9% so với cùng kỳ xuống còn 498 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm xuống 75,9% từ mức 82% trong năm 2022.
Trong những tháng đầu năm 2024, triển vọng của ngành vận tải hàng không khá khả quan khi sản lượng hàng không tăng 36,5% so với cùng kỳ. Điều này cũng khiến hoạt động kinh doanh của SCS khởi sắc.
SCS đã vận chuyển tổng cộng 15.343 tấn hàng hóa trong tháng 2/2024, tăng trưởng 8,1% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hàng hóa quốc tế chứng kiến sự đột phá với mức tăng 12,7% so với cùng kỳ, đạt 11.355 tấn. Trong 2 tháng đầu năm, tổng sản lượng hàng không của SCS tăng 26,7% so với cùng kỳ lên 34.496 tấn.
Cùng với đó, trong cuộc họp vào tháng 2 vừa qua, ban lãnh đạo SCS đã thông báo rằng Qatar Airways sẽ chuyển hoạt động hợp tác từ Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng Hóa Tân Sơn Nhất (TCS), hiện đang hoạt động hết công suất, sang SCS.
"Theo đó, chúng tôi ước tính điều này sẽ giúp SCS tăng thêm 30.000 sản lượng hàng không trong năm 2024, chiếm khoảng 12,5% sản lượng hàng không kỳ vọng của chúng tôi", báo cáo của Công ty chứng khoán VnDirect nhận định.
Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã công bố kế hoạch mở thầu các gói thầu quan trọng trong 2 quý đầu năm 2024. Trong đó, gói thầu số 7,8 bao gồm xây dựng, lắp đặt thiết bị Nhà ga hàng hóa số 1 (LTIA) và các công trình phụ trợ sẽ được thực hiện.
Nhà ga hàng hóa số 1 có công suất vượt trội, có thể chứa tới 1,2 triệu tấn, gấp 6 lần năng lực vận chuyển hiện tại của SCS. ACV dự kiến khởi công vào tháng 6 tới đây và hoàn thành vào tháng 5/2026. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn này của gói thầu ước tính là 779 triệu USD.
Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (SCS) được kỳ vọng sẽ giành được một phần trong gói thầu sắp tới, mở ra tiềm năng phát triển lớn cho doanh nghiệp. Theo ước tính của VnDirect, nếu SCS trúng thầu từ 10% đến 20% gói thầu, chi phí vốn cho dự án sẽ dao động từ 77,9 - 155,8 triệu USD. Với chiến lược chuyển các chuyến bay quốc tế sang LTIA của ACV, SCS dự kiến sẽ dần chuyển dịch nguồn lực của mình sang sân bay mới này, tùy thuộc vào việc được xác nhận là nhà khai thác chính thức.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng sản lượng hàng không quốc tế SCS tăng 34,4%/8,6% so với cùng kỳ trong năm 2024 - 2025, đạt 239.617/256.842 tấn chủ yếu nhờ vào tăng trưởng quốc tế.
"Do đó, chúng tôi dự phóng doanh thu 2024 - 2025 của SCS đạt 929,2/1.018,1 tỷ đồng, tăng 31,8%/9,6% so với cùng kỳ. Hơn nữa, chúng tôi ước tính biên lợi nhuận gộp đạt 77,0%, tăng nhẹ 1,1 điểm % trong năm 2024 do sản lượng hàng hóa quốc tế tăng trưởng mạnh hơn dẫn đến tỷ trọng cao hơn. Lợi nhuận ròng đạt 616,3/685,4 tỷ đồng, tăng 23,6%/9,8% so với cùng kỳ", VnDirect nhìn nhận.