Sau "năm khắc nghiệt", nhà thầu xây dựng hàng đầu VN giảm 1/2 nhân sự, sếp 15 năm gắn bó cũng dứt áo ra đi

Pha Lê |

Từ văn phòng ít ỏi với 20 người, đến nay, tập đoàn này đã trở thành nhà thầu hàng đầu Việt Nam.

Doanh thu giảm mạnh, tiếp tục lỗ lớn

Tiền thân của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) Văn phòng Xây dựng Hòa Bình được xây dựng vào năm 1987 với số lượng nhân viên ít ỏi là 20 người, ban đầu chủ yếu nhận thiết kế và thi công công trình nhà ở tư nhân. Đến nay, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trở thành nhà thầu xây dựng lớn hàng đầu tại Việt Nam.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023 vừa được công ty công bố có thể thấy, năm 2023 là một năm cực kỳ khắc nghiệt đối với doanh nghiệp này.

Cụ thể, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Hòa Bình là 7.542,1 tỷ đồng đạt 60% kế hoạch, giảm 46,7% so với cùng kỳ. Trong số này, phần lớn đến từ doanh thu hợp đồng xây dựng, đạt hơn 7.158 tỷ đồng. Tiếp đến là doanh thu cho thuê bất động sản đem lại gần 256,5 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính cũng đem lại cho công ty hơn 74 tỷ đồng, tăng mạnh từ mốc 24 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022.

Nhà thầu xây dựng hàng đầu VN sa thải hơn 1 nửa nhân sự, 15 năm

Cùng với đó, chi phí tài chính của công ty đạt gần 560 tỷ đồng, tăng gần 40 tỷ đồng so với năm 2022. Chi phí bán hàng cũng tương đương năm 2022, đạt gần 39 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp trong năm giảm mạnh, từ mức hơn 2.245 tỷ đồng xuống còn gần 758 tỷ đồng.

Tổng chung, công ty báo lỗ sau thuế hợp nhất 1.115,3 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của HBC là 15.249,9 tỷ đồng, tuy nhiên, vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 93,4 tỷ đồng, còn lại 15.156,5 tỷ đồng là nợ phải trả (gấp 162,3 lần vốn chủ sở hữu).

Giảm hơn một nửa nhân viên, sếp lớn cũng vừa từ nhiệm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của HBC, trong năm 2023, tập đoàn này đã cắt giảm một lượng lớn nhân sự. Cụ thể, năm 2022, Hòa Bình có 5.093 nhân sự, tuy nhiên, đến hết ngày 31/12/2023, số nhân sự của tập đoàn đã giảm hơn một nửa, xuống còn 2.163 người.

Báo cáo mới công bố của Hòa Bình không có thông tin cụ thể về khoản lương mà nhân viên công ty nhận được trong năm 2023. Tuy nhiên, theo số liệu công bố tại Báo cáo thường niên 2022 của Tập đoàn Hòa Bình thì mức lương trung bình mỗi nhân sự tại tập đoàn nhận được trong năm là gần 23 triệu đồng, tăng 12% so với năm 2021 và tăng đến hơn 30% so với năm 2020.

Trong một diễn biến khác, mới đây, tập đoàn đã thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Tấn Thọ sau 15 năm gắn bó với tập đoàn. Ông Thọ từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Đơn từ nhiệm này có hiệu lực kể từ ngày 4/4. Người thay thế chức vụ trên là ông Lê Văn Viên sẽ giữ chức Phó Tổng Giám đốc tập đoàn kể từ ngày 1/5.

Nhà thầu xây dựng hàng đầu VN sa thải hơn 1 nửa nhân sự, sếp lớn sau 15 năm

Ông Nguyễn Tấn Thọ

Hiện tại, các lãnh đạo của Hòa Bình có 6 người gồm ông Lê Văn Nam -Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc là ông Lê Viết Hiếu, ông Nguyễn Hùng Cường, ông Nguyễn Khánh Hoàng, ông Đinh Văn Thanh và ông Lê Văn Viên vừa mới gia nhập.

Theo giới thiệu của Tập đoàn Hòa Bình, ông Thọ sinh năm 1965, tốt nghiệp Kỹ sư Xây dựng Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Giai đoạn từ 1989 - 1994, ông Thọ công tác tại Công ty Xây lắp Thương mại 2, Bộ Thương mại.

Ông tham gia vào hoạt động của tập đoàn với vai trò là Trợ lý Tổng Giám đốc, Giám đốc dự án các công trình Hòa Bình từ năm 1995 - 2009. Đến năm 2010, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Công ty CP XD&KD Địa ốc Hòa Bình và nắm giữ vị trí này đến năm 2017.

Từ năm 2017 đến lúc ông Thọ từ nhiệm, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại