Sáng ngày 6/1/2025, Tổng cục Thống kê thông tin, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 của Việt Nam đạt 786,29 tỷ USD (trong đó, xuất khẩu tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 405,53 tỷ USD).
Trong số các nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực, ngành công nghiệp điện tử của nước ta đạt được sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024.
Tổng cục Thống kê cho biết, tính từ 1/1 - 15/12/2024, giá trị xuất khẩu điện thoại và các loại linh kiện của Việt Nam đạt 51,6 tỷ USD, chiếm khoảng 13,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thành tích này có sự đóng góp không hề nhỏ từ các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung, LG, Foxconn, DBG Technology...
51,6 tỷ USD là con số biết nói, cho thấy sự đóng góp to lớn của ngành điện tử vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2024.
Do đó, Chính phủ đã nhanh chóng xác định ngành công nghiệp điện tử là ngành đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế hiện đại của nước nhà; đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử sở hữu công nghệ mới, thông minh và thân thiện với môi trường.
Việc ứng dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường chính là mấu chốt để Việt Nam thâm nhập sâu vào các thị trường "khó tính" như châu Âu, Mỹ - vốn rất coi trọng các quy định về sản xuất bền vững.
Vậy trước khi chuyển đổi sang sản xuất xanh trong ngành điện tử, cần hiểu rõ ngành này đang có những tác động xấu gì đến môi trường.
Thách thức môi trường từ ngành công nghiệp điện tử
Ngành công nghiệp điện tử đã có những bước tiến dài về mặt đổi mới và tiến bộ công nghệ, nhưng những phát triển này cũng dẫn đến lượng khí thải carbon và tác động môi trường tăng lên. Với tính cấp thiết ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, ngành công nghiệp điện tử nói chung cần đóng vai trò trong việc giảm lượng khí thải carbon và giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu.
Hiện tại, ngành này đang có những thách thức gì về môi trường?
Gây cạn kiệt tài nguyên: Việc sản xuất các thiết bị điện tử đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu thô, bao gồm kim loại đất hiếm, silic, đồng, gali, indi và nhiều loại khác. Quá trình khai thác và chế biến các vật liệu này góp phần làm cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường trong khu vực khai thác.
Sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng: Việc sản xuất các linh kiện điện tử, đặc biệt là chất bán dẫn, tiêu tốn rất nhiều năng lượng, do đó góp phần làm tăng lượng khí thải carbon, đặc biệt là ở những khu vực sử dụng nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch.
Độc tính và rác thải điện tử: Thống kê cho biết, năm năm 2030, thế giới sẽ thải ra khoảng 68 triệu tấn rác thải điện tử. Đây là loại rác đặc biệt vì chúng có thể chứa nhiều chất độc hại, chẳng hạn như chì, thủy ngân và cadmium. Nếu xử lý rác thải điện tử không đúng cách có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường và gây ra rủi ro sức khỏe cho người lao động và cộng đồng tham gia vào các hoạt động tái chế không chính thức.
Vòng đời sản phẩm ngắn: Tốc độ tiến bộ nhanh chóng của công nghệ trong ngành điện tử thường dẫn đến vòng đời sản phẩm ngắn. Điều này không chỉ góp phần làm tăng rác thải điện tử mà còn tác động nhiều hơn đến sản xuất và tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn.
Đâu là con đường phát triển bền vững?
Để vượt qua những thách thức trên, các doanh nghiệp ngành điện tử đang dần chuyển đổi phương thức sản xuất, lựa chọn công nghệ kỹ thuật tiên tiến, vật liệu có tính chất bền vững, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có xu hướng lựa chọn các vật liệu cho nhà máy, nhà xưởng, nhà kho hướng đến tính bền vững, đồng thời để tăng tính bảo quản các sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử, hạn chế sửa chữa hỏng hóc có thể tạo ra rác thải điện tử, Báo Tài nguyên Môi trường thông tin.
INTI MEDIA - nền tảng tiên tiến dẫn đầu trong việc cung cấp thông tin mới nhất về những tiến bộ và đổi mới công nghệ của Indonesia, đưa ra giải pháp cụ thể:
- Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Điều này không chỉ làm giảm lượng khí thải carbon mà còn giúp các công ty tiết kiệm chi phí năng lượng trong thời gian dài.
- Áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, trong đó các sản phẩm được thiết kế để có tuổi thọ cao và có thể tái sử dụng, với các vật liệu và thành phần được tái chế vào cuối vòng đời của chúng. Điều này làm giảm nhu cầu về vật liệu nguyên sinh, giảm chất thải và kéo dài tuổi thọ của sản phẩm.
- Nghiên cứu và phát triển để tìm ra các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức về môi trường, chẳng hạn như phát triển vật liệu phân hủy sinh học, bao bì thân thiện với môi trường và quy trình sản xuất bền vững. Những sáng kiến này không chỉ có lợi cho môi trường mà còn tạo ra cơ hội cho các thị trường và nguồn doanh thu mới.
- Các công ty phải ưu tiên tính bền vững và cùng nhau tìm ra giải pháp. Các chính phủ cũng có thể đóng vai trò bằng cách đưa ra các ưu đãi và quy định để khuyến khích áp dụng các hoạt động bền vững và giảm phát thải carbon.
Dù còn rất nhiều thách thức liên quan đến chi phí, lộ trình, ngành công nghiệp điện tử có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đạt được tương lai trung hòa carbon. Bằng cách ưu tiên tính bền vững và hợp tác, ngành công nghiệp điện tử có thể đóng góp đáng kể vào tương lai bền vững hơn.
Tham khảo: Tổng cục Thống kê, INTI MEDIA, Báo Tài nguyên và Môi trường