Ông trùm công nghệ cược tỷ đô để hồi sinh 'bóng ma' từng ám ảnh cả nước Mỹ: Để nuôi AI

Trang Ly |

Trước nhu cầu bùng nổ về năng lượng, đã đến lúc Mỹ cần thay đổi?

Các công ty công nghệ lớn trên thế giới đang trong cuộc đua sống còn để chiếm ngôi vị thống lĩnh toàn cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Điều tất yếu diễn ra. Nhu cầu sử dụng điện năng để vận hành các trung tâm dữ liệu cung cấp năng lượng cho AI và điện toán đám mây tăng vọt đến mức bùng nổ. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, mức sử dụng điện toàn cầu có thể tăng tới 75% vào năm 2050. Điều này một lần nữa nhấn mạnh tham vọng về phát triển trí tuệ nhân tạo của ngành công nghệ toàn cầu.

CNBC đưa ra hình ảnh để ta dễ hình dung: Các trung tâm dữ liệu riêng lẻ có thể "ngốn" nhiều điện hơn một thành phố Mỹ với dân số khoảng 1,8 triệu người.

Nghịch lý là: Trong nhiều năm, những người chơi lớn nhất của Thung lũng Silicon nằm trong số những người ủng hộ mạnh mẽ nhất và có nhiều tiền nhất cho đầu tư năng lượng sạch, nhưng hiện nay, vì nhu cầu năng lượng mất kiểm soát (do trí tuệ nhân tạo thúc đẩy), lượng khí thải của những "ông trùm" công nghệ như Google, Meta, Microsoft và OpenAI đang tăng mạnh và các mục tiêu phi carbon hóa cao cả của họ đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết. 

Microsoft chi tỷ đô để hồi sinh 'bóng ma hạt nhân' Three Mile Island từng ám ảnh cả nước Mỹ: Để 'nuôi' AI - Ảnh 1.

Công nghệ AI, điện toán đám mây hứa hẹn sẽ còn bùng nổ trong tương lai. Ảnh minh họa: Andriy Onufriyenko | Getty Images

Báo cáo Môi trường năm 2024 của Google tiết lộ rằng lượng khí thải nhà kính của công ty đã tăng gần 50% kể từ năm 2019, do sự mở rộng mạnh mẽ của việc sử dụng AI trong hoạt động của công ty. Do đó, công ty hiện công khai thừa nhận rằng mục tiêu đầy tham vọng của riêng mình là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030 đang ngày càng trở nên khó khăn hơn - nếu không muốn nói là không thể - để đạt được.

Một nghiên cứu được công bố vào đầu năm 2024 bởi các nhà khoa học tại Đại học Cornell (Mỹ) đã phát hiện ra rằng các hệ thống AI tạo ra như ChatGPT sử dụng nhiều năng lượng hơn tới 33 lần so với các máy tính thông thường chạy phần mềm dành riêng cho tác vụ; và mỗi truy vấn Internet do AI cung cấp (ví dụ: tìm kiếm trên Google) tiêu thụ nhiều năng lượng hơn khoảng 10 lần so với truy vấn truyền thống. 

Kết quả là, lượng năng lượng cần thiết để duy trì sự tăng trưởng của ngành AI đang tăng gấp 2 sau mỗi 100 ngày. 

Với tốc độ này, riêng ngành AI có thể chịu trách nhiệm cho 3,5% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu vào năm 2030.

Hồi sinh từ đống tàn tro

Sau nhiều năm tập trung vào năng lượng tái tạo (nhưng không đủ đáp ứng) cũng như để chống lại sự tiêu thụ năng lượng AI mất kiểm soát, các công ty công nghệ lớn (Big Tech) đang dồn sức vào các giải pháp thay thế năng lượng sạch, bền vững chưa được khám phá và phát triển mạnh như năng lượng hạt nhân và năng lượng địa nhiệt.

Địa nhiệt, gần đây đã trở thành một lựa chọn khả thi hơn nhiều cho mọi địa hình nhờ công nghệ khoan mượn từ ngành thủy lực phá vỡ đá phiến, đã nổi lên như một lựa chọn phổ biến.

Tuy nhiên, trong khi địa nhiệt cung cấp nguồn năng lượng sạch gần như vô hạn với chi phí chung tương đối thấp, thì chi phí trả trước để phát triển các nguồn địa nhiệt lại rất lớn. "Điều đó đã làm giảm bớt sự nhiệt tình ban đầu của các công ty công nghệ cao, với các khoản đầu tư rất hạn chế cho đến nay", Reuters đưa tin.

Điều này buộc các Big Tech phải chuyển hướng. Ngày 28/12, CNBC cho biết, loạt các Big Tech như Google, Amazon, Microsoft và Meta đang đặt cược lớn vào năng lượng hạt nhân bằng cách đầu tư vào các dự án điện hạt nhân lớn trị giá hàng tỷ USD trong những tháng gần đây. 

Đây là ví dụ:

Nửa cuối tháng 9/2024, gã khổng lồ công nghệ Microsoft đã đạt được thỏa thuận với Constellation Energy để khởi động lại lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở bang Pennsylvania. Nơi đây chính là địa điểm xảy thảm họa rò rỉ hạt nhân vào năm 1979, được chuyên gia đánh giá là sự cố nhà máy nguyên tử thương mại nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ, trở thành "bóng ma" ám ảnh cả nước Mỹ. 

Microsoft chi tỷ đô để hồi sinh 'bóng ma hạt nhân' Three Mile Island từng ám ảnh cả nước Mỹ: Để 'nuôi' AI - Ảnh 2.

Với kế hoạch mở lại lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island có thể làm trẻ hóa ngành năng lượng hạt nhân tại Mỹ. Ảnh: AP/Bradley C Bower

Reuters cho biết, gã khổng lồ năng lượng Mỹ Constellation Energy đang lên kế hoạch khôi phục nhà máy Three Mile Island (nếu có sự chấp thuận của Ủy ban quản lý hạt nhân Mỹ), và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2028. Nếu thành công, đây là lần đầu tiên Three Mile Island được vực lên từ "đống tro tàn" sau sự cố cách đây 45 năm. 

Tất nhiên, lò phản ứng dự kiến được mở lại để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu của Microsoft không phải là lò phản ứng bị rò rỉ năm 1979.

Sau khi năng lượng hạt nhân phần lớn bị xóa sổ trong quá khứ do lo ngại lan rộng về sự cố rò rỉ và không an toàn, các chuyên gia đang coi những khoản đầu tư gần đây của Big Tech là sự khởi đầu cho "sự hồi sinh của năng lượng hạt nhân", có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng ở Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Alessandra Di Credico, Giáo sư vật lý tại Đại học Northeastern (Mỹ), người giảng dạy khóa học về năng lượng và môi trường, cho biết: "'Hạt nhân' là một từ có tiếng xấu, nhưng khi sử dụng trong xã hội của chúng ta, nó thực sự rất tiện lợi".

Việc hồi sinh Three Mile Island được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi từ năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo và không phát thải; đồng thời giải được bài toán về nhu cầu bùng nổ năng lượng cho AI, tiền điện tử, điện toán đám mây...

Tham khảo: Oilprice, CNBC, NBC Chicago

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại