Trung Quốc thời gian gần đây vừa tiến hành thử nghiệm thành công mô hình (được cho là đã sẵn sàng sản xuất hàng loạt) một loại vũ khí mới mà Bắc Kinh gọi là tên lửa đạn đạo DF-17.
Điểm khác biệt của DF-17 so với các tên lửa đạn đạo thông thường là nó được thiết kế để mang theo một thiết bị phóng trượt siêu âm (Hypersonic Glide Vehicle - HGV).
"Các tên lửa siêu âm này bộc lộ một mối đe dọa mới vì chúng có thể di chuyển và bay nhanh hơn 5.000 km/h, có khả năng xâm nhập hầu hết các hệ thống phòng thủ và gia tăng thêm sức ép thời gian đáp trả của một quốc gia bị chúng tấn công", một báo các gần đây của Viện nghiên cứu RAND (Mỹ) cảnh báo.
Thiết bị phóng trượt siêu âm này được thiết kế tinh xảo, giống hình mũi tên, có khả năng mang theo cả đầu đạn hạt nhân và thông thường, di chuyển với tốc độ nhanh khó tưởng tượng. Vận tốc của HGV nhanh tới mức chúng phải được thiết kế để chống chọi được nhiệt độ đủ sức làm tan chảy thiên thạch và phải cực kỳ hoàn hảo để không bị rơi xuống mất kiểm soát.
Nhưng không chỉ bay ở vận tốc nhanh khó tin, HGV cũng có thể tự dẫn đường, phóng lướt tới mục tiêu chỉ định. Những thiết bị như vậy khiến hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay trở nên lỗi thời.
Tạp chí The Diplomat dẫn thông tin từ một nguồn tin chính phủ Mỹ giấu tên cho biết, Trung Quốc đã tiến hành 2 vụ thử nghiệm HGV, một vụ vào ngày 1/11 và một vụ vào ngày 15/11.
"Trong các vụ thử này, tên lửa đạn đạo đã được thiết kế để mang theo HGV sẵn sàng đưa vào hoạt động thực tế chứ không còn là mẫu thử nghiệm. Như vậy, đây là vụ thử HGV đầu tiên trên thế giới sử dụng một hệ thống với mục đích triển khai hoạt động thực", nguồn tin của The Diplomat nhấn mạnh.
Thiết bị phóng trượt siêu âm (HGV) được truyền thông Trung Quốc đăng tải
Một bước nhảy vọt về công nghệ
Quả tên lửa đầu tiên phóng ngày 1/11 được cho là đã xuất phát đi từ Trung tâm Vũ trụ Tửu Tuyền ở Nội Mông. Tên lửa đạn đạo DF-17 đã đẩy HGV tới vận tốc siêu âm ở giai đoạn quay trở lại bầu khí quyển trái đất.
Sau đó, HGV sẽ tách ra khỏi tên lửa rồi tiếp tục duy trì độ cao và đà phóng, di chuyển quãng đường còn lại dài 1.400 km tới một bãi thử ở Tân Cương trong thời gian chưa tới 11 phút tấn công mục tiêu với bán kính lệch tâm chỉ vài m.
Các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá, sự kết hợp giữa tên lửa đạn đạo và đầu trượt siêu âm có tầm bắn tối đa từ 1.800 km đến 2.500 km. Theo họ, các mẫu hoạt động sẽ được Trung Quốc triển khai đầy đủ vào năm 2020.
Vụ phóng thử này đã đánh dấu sự kết thúc chương trình thử nghiệm được tiến hành từ năm 2014. Tính đến tháng 11/2017, Trung Quốc đã phóng thử khoảng 7 thiết bị siêu âm như vậy.
Tháng 10/2017, lần đầu tiên truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công bố hình ảnh về các thiết bị phóng trượt siêu âm. Chưa rõ, liệu có bất cứ hình ảnh nào đại diện cho thiết bị mà tên lửa đạn đạo mới DF-17 đã mang theo hay là của các tên lửa trước đó.
Trung Quốc không phải là nước duy nhất đang nỗ lực phát triển một tên lửa siêu âm đầy đủ chức năng và đáng tin cậy. Nga từng nghiên cứu chế tạo 3M22 Zircon, dự tính triển khai cho 2 tuần dương hạm của mình là Pyotr Velikyi và Admiral Nakhimov cũng như các thế hệ tàu ngầm mới của nước này.
Mỹ cũng đang phát triển các mẫu riêng của mình. Australia đã tiến hành một loạt thử nghiệm chung với Mỹ ở Outback trong tháng 7/2017. Tuy nhiên, rất nhiều các vụ thử nghiệm những năm gần đây của Mỹ, Nga và các quốc gia khác đều thất bại. Chỉ có Trung Quốc dường như là đã đạt tới ngưỡng chế tạo hàng loạt một vũ khí như vậy.
Hình ảnh HGV đang được thử nghiệm trong hầm gió
HGV nguy hiểm đến mức nào?
Ngoài tốc độ, điểm khiến một thiết bị phóng trượt siêu âm trở thành vũ khí được nhiều nước quan tâm phát triển chính là ở quỹ đạo phẳng của nó.
Thông thường, HGV được tên lửa vận chuyển tới ranh giới giữa bầu khí quyển trái đất và khoảng không vũ trụ (Đường Cacman - Karman Line), ở độ cao cách mặt đất khoảng 100 km. Khi tới độ cao này, HGV bắt đầu lướt trượt theo một quỹ đạo tương đối phẳng và tăng tốc.
Giai đoạn trượt không chỉ cho phép HGV thực hiện được các động tác lẩn tránh radar và chống đánh chặn mà còn giúp kéo dài tầm bay của tên lửa.
Không giống với các thiết bị hồi quyển (re-entry) thông thường, là những loại hạ độ cao xâm nhập bầu khí quyển trái đất theo một đường đạn đạo có thể dự đoán được, các đầu đạn trượt siêu âm gần như không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống vốn bám nắm mục tiêu thông qua cảm biến vệ tinh và radar đặt trên mặt đất hay trên biển.
Các tên lửa đạn đạo thông thường di chuyển theo một đường vòng có thể đoán định trước. Tốc độ của các tên lửa này tăng dần cho tới đỉnh vòng cung trước khi lao xuống mục tiêu chỉ định.
Cung đường bay kiểu này khiến chúng dễ bị tổn thương trong giai đoạn đẩy chậm. Quỹ đạo lao xuống của nó cũng nằm trong khả năng của các tên lửa đánh chặn bố trí gần mục tiêu, chẳng hạn như THAAD và SM6.
Một tên lửa đạn đạo mang theo thiết bị phóng lướt siêu âm có thể hồi quyền ở khoảng cách xa hơn và ở một góc hạ phức tạp hơn, trước khi giải phóng đầu đạn trượt siêu âm bay về hướng mục tiêu ở trần bay thấp hơn.
Do đường cong của trái đất, các hệ thống radar sẽ có ít thời gian phát hiện nó. Góc tiếp cận mục tiêu cũng khó đoán định hơn, khiến nó trở nên rất khó phát hiện đối với các hệ thống đánh chặn.
Tuy nhiên, các thiết bị phóng trượt siêu âm cũng có một hạn chế. Chúng bay lướt, nghĩa là sẽ dần mất tốc độ. Khoảng cách tới mục tiêu càng xa thì càng tiệm cận mục tiêu chúng càng di chuyển chậm.
Chính giai đoạn này khiến chúng dễ bị tổn thương trước các hệ thống phòng thủ điểm thế hệ mới (các tên lửa và pháo bố trí bảo vệ một mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như tàu chiến).
Quân đội Trung Quốc diễn tập phóng tên lửa