Bước đi của Nga ở Donbass có thể mở lối thoát khỏi khủng hoảng Ukraine?

Hoàng Phạm |

Việc Nga công nhận độc lập của 2 nước cộng hòa tự xưng ở Donbass (miền Đông Ukraine) có thể gây ra bất ổn, nhưng cũng có thể mở ra lối thoát cho khủng hoảng Ukraine, chuyên gia Nga nhận định.

Người dân đi lại trên đường phố tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng sau khi được Nga cộng nhận độc lập, ngày 22/2/2022. Ảnh: Getty.

Người dân đi lại trên đường phố tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng sau khi được Nga cộng nhận độc lập, ngày 22/2/2022. Ảnh: Getty.

Động thái của Nga công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) ở miền Đông Ukraine có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán cuối cùng dẫn tới chấm dứt khủng hoảng Ukraine, ông Vitaly Naumkin, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Khoa học Nga nhận định với RT.

Mở lối thoát khỏi bế tắc

“Việc Nga công nhận độc lập của 2 nước cộng hòa, về lý thuyết, có thể dẫn tới các cuộc đàm phán [giữa DPR, LPR và Kiev] nhằm thoát khỏi bế tắc. Tuy nhiên, để làm được điều này, giới lãnh đạo Ukraine cần thể hiện ý chí chính trị”, ông Naumkin trả lời phỏng vấn RT. “Cho tới nay, họ vẫn chưa thể hiện điều đó”.

Ông Naumkin cho ra rằng, trước đây, Kiev đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội đạt được một thỏa thuận với các cộng hòa ly khai ở miền Đông Ukraine.

“Khi họ được khuyên rằng họ cần đàm phán với Donetsk và Lugansk, họ đã thẳng thừng từ chối”.

Bế tắc trong việc giải quyết xung đột giữa các lực lượng ly khai ở Donbass và chính phủ Ukraine – cuối cùng đã trở thành lý do cho hành động của Moscow, theo ông Naumkin.

Nhà phân tích cũng cho rằng quyết định của Nga công nhận chủ quyền của 2 nước cộng hòa ly khai ở Donbass cũng có thể mở đường cho “các cuộc đàm phán nghiêm túc” giữa Washington và Moscow, nếu Mỹ “xem xét lại” việc nước này đã bác bỏ đề xuất của Nga về đảm bảo an ninh ở châu Âu.

Phía Nga muốn có cam kết NATO không mở rộng về phía Đông, viện dẫn những đảm bảo trước đây mà các nhà lãnh đạo phương Tây đã nhiều lần đưa ra sau khi Liên Xô tan rã.

Theo ông Naumkin, việc ra quyết định thực sự về Ukraine xảy ra ở bên kia Đại Tây Dương.

“Kiev không phải là nơi các quyết định được đưa ra, không phải ở Văn phòng [Tổng thống Ukraine] Zelensky, mà là ở Mỹ”, ông Naumkin nhấn mạnh.

Giải pháp nào thay thế các thỏa thuận Minsk

Tuy nhiên, theo ông Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Đoàn chủ tịch Hội đồng Chính sách quốc phòng và đối ngoại, cơ quan tư vấn phi chính phủ tại Nga, “vẫn cần phải xem” điều gì sẽ thay thế các thỏa thuận Minsk không hiệu quả.

“Tôi không nghĩ rằng việc công nhận độc lập của các nước cộng hòa ly khai ở Donbass sẽ đưa chúng ta tới gần hơn một giải pháp, vì hiện nay chúng ta sẽ phải thiết lập lại toàn bộ quá trình”, ông Lukyanov nói.

Việc Nga chính thức công nhận DPR và LPR là các quốc gia độc lập cũng đồng nghĩa với việc khuôn khổ 2 thỏa thuận Minsk đã kết thúc.

Cho rằng việc Nga có khả năng triển khai quân đội tới các nước cộng hòa mới được Moscow công nhận độc lập sẽ khiến tình hình “ổn định hơn” về khía cạnh an ninh, nhưng ông cũng nhận định, “về mặt chiến lược”, điều đó sẽ trở nên “khó dự đoán hơn”.

Việc công nhận các nước cộng hòa ly khai ở miền Đông Ukraine đã dấy lên làn sóng trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, trong đó có cả Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức.

Dự án đã xây dựng xong từ tháng 9/2021, nhưng chưa được phê duyệt hoạt động. Ngày 22/2, Berlin thông báo dừng phê duyệt dự án này.

Ông Oleg Barabanov, Phó Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Đại học MGIMO nói với RT rằng quyết định của Đức về Dòng chảy phương Bắc 2 “không nằm ngoài dự đoán”.

Theo ông, dù Moscow dự kiến mất một số lợi nhuận do các lệnh trừng phạt nhằm vào Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng thiệt hại cũng không phải là “khủng khiếp”, bởi đây là một “dự án thiệt hại trong nhiều năm” sau một loạt các động thái trì hoãn từ trước tới nay.

“Đó không phải là trường hợp có thể đánh gục hoàn toàn nền kinh tế Nga”, ông Barabanov nói.

Ông Barabanov nhận định, những hạn chế đối với Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ ảnh hưởng đến Liên minh châu Âu (EU) nhiều nhất.

“Các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, trên thực tế, sẽ gây tổn thất cho chính EU”, ông nói.

Quan điểm này tương tự như bình luận trước đó của cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga. Ông Medvedev cho rằng, Châu Âu sẽ sớm phải chịu giá năng lượng cao gấp đôi nếu hủy bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại