Theo một báo cáo gần đây của Henley & Partners, số lượng triệu phú ở các quốc gia BRICS sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong thập kỷ tới. Điều này góp phần mang lại sự tăng trưởng tài sản lớn nhất cho BRICS so với bất kỳ nhóm quốc gia nào.
Được biết số lượng triệu phú ở các quốc gia BRICS - cùng nắm giữ tổng tài sản có thể đầu tư lên tới 45 nghìn tỷ USD - được dự báo sẽ tăng 85% trong 10 năm tới. Đây sẽ là mức tăng trưởng cao nhất so với bất kỳ khối hay khu vực nào trên toàn cầu, Andrew Amolis, nhà phân tích tài sản tại New World Wealth nói với CNBC.
Nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi - trước đây bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. Nhóm này vừa trải qua quá trình mở rộng và có thêm các thành viên Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) gia nhập. Ả Rập Xê-Út cũng có động thái sẽ tham gia vào khối.
Juerg Steffen, Giám đốc điều hành của Henley & Partners nhận định rằng việc kết nạp các quốc gia này là sự công nhận tầm vóc kinh tế ngày càng tăng của nhóm các quốc gia. Khu vực có vị trí then chốt về mặt lịch sử nhờ nguồn tài nguyên năng lượng hiện đang khẳng định vai trò kinh tế đa dạng hơn.
Ông nói thêm, sự hiện diện ngày càng tăng của các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông trong BRICS có thể mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư toàn cầu ngoài khu vực, cũng như cung cấp khả năng tiếp cận các thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh chóng, định vị địa lý chiến lược, môi trường kinh doanh và văn hóa độc đáo.
Theo báo cáo, nhóm BRICS hiện có 1,6 triệu cá nhân có tài sản có thể đầu tư trên 1 triệu USD, trong đó có hơn 4.700 cá nhân với tài sản trên 100 triệu USD và hơn 500 tỷ phú.
Để so sánh, nhóm G7 nắm giữ tài sản có thể đầu tư khoảng 110 nghìn tỷ USD tính đến tháng 12 năm 2023 và dự kiến sẽ chứng kiến số lượng triệu phú tăng 45%, dữ liệu do Amolis cung cấp cho thấy. G7 là liên minh gồm các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, bao gồm Canada, Pháp, Nhật Bản, Ý, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu.
“BRICS đang thách thức trật tự thế giới và tự khẳng định mình là đối thủ mạnh mẽ của G7 và các tổ chức quốc tế khác”, Dominic Volek của Henley & Partners cho biết trong một bài thuyết trình trên webcast.
Ấn Độ đang dẫn đầu về tốc độ mở rộng tài sản, với ước tính tài sản bình quân đầu người tăng 110% vào năm 2033, tiếp theo là Ả Rập Xê-Út - tài sản bình quân đầu người được dự báo sẽ tăng hơn 105% trong cùng kỳ. UAE dự kiến sẽ tăng trưởng 95%, trong khi tài sản của Trung Quốc và Ethiopia dự kiến sẽ tăng lần lượt 85% và 75%.
Trong thập kỷ qua, sự gia tăng tài sản tư nhân của Trung Quốc dẫn đầu trong số các nước BRICS với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc 92%, trong khi Ấn Độ đứng thứ hai với mức tăng trưởng 85% trong cùng khoảng thời gian. UAE theo sau ở vị trí thứ ba với mức tăng trưởng tài sản 77%. Báo cáo cũng cho thấy Trung Quốc hiện có số lượng triệu phú lớn nhất trong BRICS với 862.400 người và Ấn Độ là 326.400 người.
Ngoài ra, các thành viên khác trong liên minh BRICS, như Nam Phi và Iran, đã chứng kiến số lượng triệu phú sụt giảm kể từ năm 2013.