1. Sự hỗ trợ của phương Tây cần thay đổi như thế nào?
Về mặt tương đối ngắn hạn, phương Tây giờ đây nhận thấy việc họ giúp hình thành một quân đội Ukraine hiện đại trong cuộc xung đột với Nga là điều không hề dễ dàng.
Vì vậy, sự hỗ trợ của phương Tây cần tập trung vào việc chuyển từ việc nhanh chóng cung cấp vũ khí chiến thuật sang vũ khí thực sự có khả năng tác động chiến lược trên chiến trường. Các loại pháo tầm xa truyền thống như HIMARS, MLRS… là những ví dụ về sự thay đổi này.
Mặc dù các hệ thống này giúp tăng đáng kể khả năng quân sự của Ukraine , nhưng sự phức tạp của chúng đòi hỏi sự duy trì và bảo trì ở cấp độ cao hơn hẳn. Vì vậy, cần tính toán kỹ hơn về chương trình đào tạo và hỗ trợ của phương Tây.
Đồng thời, sự đa dạng của các nền tảng vũ khí tạo ra một thách thức không nhỏ về hậu cần trong việc duy trì những loại vũ khí cần thiết cũng như các bộ phận thay thế.
Sự chênh lệch trên chiến trường về lực lượng pháo binh của Nga và Ukraine và khả năng ngày càng tăng của vũ khí phương Tây đòi hỏi phải cân nhắc lại các chiến thuật. Ukraine không thể dàn hàng đối đầu với Nga.
Làm như vậy sẽ đốt cháy kho dự trữ vũ khí của nước này ở mức báo động. Ukraine đang bắn ước tính 3.000 viên đạn pháo 155mm mỗi ngày.
Các hệ thống rốc-két tầm xa tiên tiến đã có hiệu quả rõ ràng khi nhằm vào các nút chỉ huy và kiểm soát, kho đạn và hậu cứ của các lực lượng Nga. Nhưng phương Tây phải khuyến khích Ukraine chọn lọc các mục tiêu vì nhu cầu đạn dược lớn hơn nhiều so với khả năng cung ứng.
Phương Tây cũng phải nhận thức được nguy cơ tạo ra một hình ảnh phản chiếu của các lực lượng của chính họ.
Tại Iraq và Afghanistan, Mỹ đã tạo ra các cơ cấu lực lượng địa phương phản ánh chính mình và trong trường hợp không có các mức hỗ trợ tương tự về mặt chính trị và hậu cần, Mỹ không thể tự đứng vững trong dài hạn ở Iraq và Afghanistan.
Thay vào đó, phương Tây phải tập trung vào việc tạo ra một lực lượng phù hợp với mục đích, bối cảnh ở Ukraine, và một lực lượng có thể hỗ trợ các mục tiêu chiến lược của Kiev.
Mỹ đang cung cấp các hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS như thế này cho Ukraine. Ảnh: UKInform. |
2. Mục tiêu chính trị của Ukraine là gì?
Tất nhiên, đảm bảo sự tồn tại và độc lập chính trị của Ukraine là mục tiêu chính và là mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về mục tiêu chính trị của Kiev hiện nay là gì sẽ cung cấp thông tin cho việc cơ cấu và thiết kế lực lượng cũng như quá trình hỗ trợ tiếp theo của phương Tây.
Hiện tại, trong khi phương Tây đang dồn dập cung cấp vũ khí, đạn dược nhằm tăng cường khả năng cho Kiev, vẫn chưa rõ mục tiêu chiến lược của Ukraine là gì. Sự tồn tại và độc lập của quốc gia rõ ràng là trọng tâm của những cân nhắc này, nhưng những mục tiêu chính trị có thể đạt được của Kiev là gì?
Hồi tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski nói rằng, mục tiêu là đẩy người Nga ra khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea, và tái lập những khu vực đó thành đất của Ukraine.
Vậy Kiev còn giữ mục tiêu này và liệu có khả thi không, trong khi Nga đang ở thế thượng phong giành quyền kiểm soát phía đông Ukraine và Ngoại trưởng Nga mới đây nói rằng, mục tiêu của Nga không chỉ là miền đông Ukraine.
Mục tiêu cuối cùng của sự hỗ trợ của phương Tây phải là giúp Ukraine đạt được một vị trí sức mạnh trên chiến trường, từ đó khi các cuộc đàm phán bắt đầu, Kiev sẽ có được một vị trí thuận lợi hơn so với Mátxcơva.
Điều này đòi hỏi NATO phải thẳng thắn hơn với Ukraine về tính khả thi của các mục tiêu mà Kiev đặt ra từ khi xung đột mới bùng phát.
Các mục tiêu theo chủ nghĩa tối đa không khả thi và việc theo đuổi những mục tiêu này có nguy cơ mở rộng hoặc leo thang xung đột.
Mục tiêu của bất kỳ sự trợ giúp nào của phương Tây cuối cùng cũng phải là về phòng thủ của Ukraine trước tiên, nhưng mục tiêu thứ hai cũng quan trọng không kém là tạo điều kiện trên thực địa để giải quyết xung đột.
Mỹ đang thử nghiệm hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS hồi năm 2005. Ảnh: Pentagon. |
3. Vũ khí phương Tây có thể duy trì một cuộc chiến lâu dài hay không?
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cuối cùng kể trên, một câu hỏi hóc búa khác đã được chú ý trong những tháng gần đây. Với mức độ hỏa lực pháo binh gần như Chiến tranh Thế giới thứ nhất và nhu cầu lớn về vũ khí, liệu phương Tây có thể hỗ trợ một cuộc chiến tiêu hao lâu dài hay không? Đây không phải là một câu hỏi vu vơ.
Trong các chiến dịch quân sự ở Syria và Iraq, Mỹ thiếu các loại vũ khí dẫn đường chính xác trọng yếu.
Trong khi cuộc chiến ở Ukraine đòi hỏi phải có đạn pháo, nhu cầu này xuất hiện vào thời điểm Mỹ đang giảm lượng dự trữ và mua sắm. Tỷ lệ tiêu thụ HIMARS (hệ thống rốc-két pháo cơ động cao) đang làm dấy lên lo ngại trong Lầu Năm Góc.
Việc Ukraine sử dụng vũ khí với số lượng, tốc độ như thế nào cũng là một vấn đề với nhiều thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).
Các nước này đang chuyển kho vũ khí từ thời Liên Xô của mình cho Ukraine, tạo ra khoảng trống trong kho vũ khí nội của chính họ. Họ chắc chắn sẽ được trang bị vũ khí, khí tài tiêu chuẩn NATO. Điều này làm gia tăng nhu cầu đối với các dây chuyền sản xuất vốn đã hạn chế.
Kho dự trữ tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa đất đối không vác vai Stinger của Mỹ đang giảm nghiêm trọng. Nhưng đáng báo động hơn là các dây chuyền sản xuất những vũ khí này hoặc đã ngừng hoạt động hoặc tốn nhiều thời gian để chế tạo.
Việc sản xuất tên lửa Stinger cũng như các loại vũ khí phức tạp, tiên tiến hơn ở Mỹ như máy bay F-35, xe tăng M1A2… có thể bị đình trệ do chất bán dẫn thiếu hụt và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Một câu hỏi còn bỏ ngỏ là liệu các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ có thể đối phó sự gia tăng nhu cầu hay không và điều này có thể thúc ảnh hưởng tới sự hỗ trợ lâu dài cho Ukraine.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden không chỉ cần gửi một tín hiệu về nhu cầu cấp bách đến các cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ, mà còn cần báo hiệu rằng nhu cầu vũ khí sẽ không biến mất trong thời gian 2 hoặc 3 hoặc 5 năm.
Việc đầu tư về thời gian và nguồn lực để khởi động lại hoặc mở rộng sản xuất không phải là không đáng kể, và các nhà thầu lớn sẽ không muốn rơi vào tình trạng không có khách hàng khi sản xuất tăng lên.
Các thỏa thuận mua bảo đảm của Lầu Năm Góc đối với những loại vũ khí cụ thể sẽ giúp giảm bớt lo ngại của các nhà thầu quốc phòng và giúp đảm bảo kho dự trữ của Mỹ luôn đầy đủ trong những năm tới.
Tên lửa Stinger. Ảnh: Defensehere. |
4. NATO có thể duy trì sự răn đe lâu dài hay không?
Việc khẳng định lại các cam kết chi tiêu quốc phòng, hoặc trong trường hợp Anh, việc tăng cam kết lên 2,5% GDP vào năm 2030 (hoặc có thể là 3%), chắc chắn sẽ được hoan nghênh. Một NATO mở rộng cả về số lượng lẫn chiều dài biên giới với Nga sẽ đòi hỏi nguồn lực bổ sung.
Châu Âu đã được hưởng lợi từ các cam kết an ninh và sự lớn mạnh về quân sự của Mỹ trong suốt và kể từ Chiến tranh Lạnh. Một châu Âu được tái thiết về an ninh lục địa sẽ giải phóng nguồn lực cho Mỹ xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, tính toán về Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với Ukraine có thể bị ảnh hưởng không phải bởi những đánh giá về khả năng quân sự của NATO, mà bởi những nghi ngờ về ý chí chính trị của phương Tây trong hành động đáp trả chiến dịch quân sự của Nga.
Từng có rất ít ý kiến cho rằng phương Tây sẽ hành động hoặc phản ứng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vì phương Tây từng lặng yên khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 hoặc xung đột với Georgia (Gruzia) năm 2008.
Các liên minh phương Tây, cả NATO và Liên minh châu Âu, có vẻ phân cực và mất tập trung về mặt chính trị. Hơn nữa, Ukraine là một bên không tham gia liên minh.
Chắc chắn, phương Tây đang thể hiện ý chí chính trị của mình (dù không đồng đều) trên chiến trường Ukraine.
Liệu điều đó có tiếp diễn nếu chiến sự kéo dài, nỗi đau kinh tế gia tăng, hoặc khi Kiev và Mátxcơva đạt được một thỏa thuận? Đó là một câu hỏi về việc thiết lập khả năng răn đe tổng hợp thực sự, nhưng định nghĩa và cách thực hiện vẫn chưa rõ ràng.
Việc cung cấp vũ khí, đạn dược cũng như tình trạng thiếu hụt đồng thời mà NATO đang tạo ra sẽ tạo cơ hội cho khối này thiết lập một lực lượng thực sự hiện đại hóa và có khả năng tương tác, hoạt động tương hỗ.
Sự răn đe thông thường và sức mạnh cứng rắn là rất quan trọng, nhưng ý chí chính trị và sự sẵn sàng hành động cũng quan trọng không kém.
Trừ khi châu Âu và Mỹ hướng tới một chiến lược kinh tế và chính trị lâu dài, mạnh mẽ hơn để tương tác với Nga (khi thích hợp) và hạn chế hành vi của nước này (khi cần thiết), các chương trình vũ khí sẽ chỉ mang tính trưng bày mà thôi.