NASA cho biết, động cơ RS-25 sử dụng trong tên lửa đẩy siêu nặng SLS (Space Launch System) đã được thử nghiệm lần 3 trên mặt đất. NASA dự kiến sử dụng SLS trong các chuyến bay thám hiểm có người lái dài ngày trong vũ trụ, trong đó có đích đến là sao Hỏa.
SLS đã vượt qua lần phóng thử kéo dài 533 giây, tương đương thời gian lần phóng thứ nhất và thứ hai trong các vụ phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo tại Trung tâm Không gian Stennis, bang Mississippi.
Chứng kiến vụ phóng thử là hơn 1.200 quan chức, chuyên gia NASA và đông đảo phóng viên báo giới. Mặc dù kết quả phân tích cuối cùng chỉ có trong vài ngày tới, nhưng các chuyên gia NASA đều khẳng định vụ phóng thử đã thành công.
Đại diện công ty Aerojet Rocketdyne - nơi phát triển SLS cho biết, trên thế giới hiện nay chỉ có Boeing có đủ khả năng chế tạo các tên lửa đẩy công suất lớn nhất thế giới như SLS. Chuyên gia Boeing tiết lộ, SLS sẽ dài 100m và tổng trọng lượng đạt tới 3.000 tấn. Dòng tên lửa đẩy hạng nặng này có thể chở tới 130 tấn hàng hóa mỗi chuyến lên quỹ đạo.
Được biết, đây là lần thứ 3 NASA thử nghiệm thành công với SLS trên mặt đất sau 2 lần được tiến hành trong năm 2015. Theo đó, tại cuộc thử nghiệm SLS đã sản sinh nhiệt độ cao lên tới 2.500 độ C.
Trong cuộc thử nghiệm đầu tiên chỉ được thực hiện trong 126 giây và tiến hành trong điều kiện nhiệt độ cao (90 độ F/32 độ C). Dự kiến, trong những cuộc thử nghiệm SLS tiếp theo sẽ được NASA thực hiện trong điều kiện nhiệt độ thấp (40 độ F/4,4 độ C).
Nếu dự án SLS tiến hành đúng tiến độ (dự kiến, SLS sẽ đươc phóng thử lần đầu tiên vào năm 2017), điều này đồng nghĩa với việc tuyên bố của Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia (Nga) hồi cuối tháng 1/2015 cho rằng Mỹ cần trên 3 tỷ USD và khoảng thời gian 10 năm để sản xuất thay thế các động cơ Nga đã trở nên vô nghĩa.
Hãng RIA Novosti dẫn lời Chủ tịch của Energia, ông Vladimir Soltsev cho biết: "Nếu nói về việc chế tạo động cơ ở Mỹ, tất nhiên mọi cường quốc đều có khả năng. Theo tính toán của tôi, sẽ cần tới 3 tỷ USD hoặc hơn thế, và từ bảy đến mười năm người Mỹ mới có thể thành công," – ông Soltsev nói.
Chủ tịch Energia nhấn mạnh, tuy nhiên kết quả có thể rất mơ hồ, chưa chắc đã thu được thành công. Mặc dù nhận xét về khả năng phát triển động cơ nội địa của Mỹ không mấy lạc quan nhưng nhà lãnh đạo của Energia đã hé mở về sự hợp tác với Mỹ khi nói rằng chưa ai "bãi bỏ hay giết chết" sự hợp tác quốc tế.
Trước đó, ông Solstev đã cho biết Energomash đang dự định cung cấp cho Orbital Sciencis của Mỹ 60 động cơ RD-181 mới, 20 chiếc trong đó đã được ký hợp đồng.