Bộ tứ Nga-Pháp-Đức-Thổ "gật gù" công nhận ông Assad đã thắng

Quốc Vinh |

Những tuyên bố từ Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Nga và Pháp trong hội nghị Istanbul cho thấy rằng Tổng thống Bashar al-Assad đã thắng sau 7 năm.

Chiến thắng của chính quyền Assad

Có nhiều điều được rút ra từ hội nghị thượng đỉnh Istanbul về vấn đề Syria cuối tuần trước, nhưng điều quan trọng nhất chính là Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thắng trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm, học giả Marc Pierini nêu quan điểm trong một bài viết cho trung tâm Trung Đông Carnegie.

Hội nghị 27/10 - có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Nga và Pháp – mang đến kết quả chỉ là những cam kết đơn giản, nhưng tuyên bố cuối cùng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria có thể được xem là một sự khẳng định chiến thắng của chính quyền Assad.

"Tuy nhiên, một chiến thắng cho Assad cũng có nghĩa là một chiến thắng cho Nga và Iran", Pierini nói thêm.

"Nga bây giờ có một căn cứ không quân gần Lattakia và sẽ hiện diện trong nhiều thập kỷ. Iran, mặc dù không có mặt trong hội nghị ở Istanbul, nhưng đã giúp cho chính quyền Assad chiếm ưu thế và sẽ giữ mối liên hệ quan trọng với Hezbollah thông qua Syria".

Sự tham gia của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Istanbul cũng thúc đẩy một hình ảnh tích cực cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, theo học giả Pierini.

Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan không thể đạt được tất cả các mục tiêu của mình tại hội nghị, vì những bên khác không đồng ý với lời xác định kẻ thù chính của Thổ Nhĩ Kỳ là Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).

"Câu hỏi tiếp theo là liệu Ankara sẽ thực hiện các hoạt động quân sự ở phía Đông sông Euphrates và đi đến tận biên giới Iraq trên sông Tigris hay không", Pierini đặt câu hỏi.

"Khi mọi thứ diễn ra theo đúng thói quen chính trị của Erdogan - ông thường làm chính xác những gì bản thân tuyên bố - quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tung ra các cuộc tấn công chống lại YPG gần đây. Điều này sẽ tạo ra những vấn đề mới với Washington và Paris, có thể dẫn đến các cuộc đụng độ quân sự trực tiếp", học giả tiếp tục nhận định.

Trong khi đó, Pierini cho biết, sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh rằng Mỹ ở giai đoạn này đang chịu những thiệt thòi lớn và không đóng vai trò tích cực trong kết quả của cuộc chiến Syria.

Sự tham dự của bà Merkel và ông Macron lại cho thấy hai cường quốc châu Âu đang trở lại cuộc chơi ở Syria.

Hội nghị thành công

Bộ tứ Nga-Pháp-Đức-Thổ gật gù công nhận ông Assad đã thắng - Ảnh 1.

Nga, Iran cũng hưởng lợi từ hội nghị thượng đỉnh.

Người chiến thắng lớn nhất của hội nghị thượng đỉnh này là Nga. Trên tất cả, Tổng thống Putin đã quản lý hiệu quả với Đức và Pháp trong một số quyết định của tiến trình Astana mà ông đã có được với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trước đó.

Thứ hai, ông đã thuyết phục được Pháp và Đức chống lại mối quan hệ của Mỹ với người Kurd. Thứ ba, tiếp tục khai thác rạn nứt trong các mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách gửi một thông điệp tích cực cho Ankara trong khi tiếp tục cô lập Mỹ trong sự cân bằng quyền lực lớn ở Syria.

Không ai tin rằng khối lượng công việc lớn như vậy sẽ được giải quyết trong một cuộc họp thượng đỉnh. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh lần này là một bước đi đúng hướng.

Một trong những bước đi đó là quyết định thành lập Ủy ban Hiến pháp của Syria trước cuối năm nay.

Bước tiến quan trọng thứ hai được đưa ra từ hội nghị thượng đỉnh này là các nhà lãnh đạo của bốn nước đã nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Giải pháp này kêu gọi sự chuyển đổi chính trị do người Syria tự lựa chọn.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo bốn bên có những suy nghĩ khác nhau để giải quyết vấn đề này.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Erdogan giải thích rằng ông không tin "Tổng thống Syria Bashar Al Assad có bất kỳ vai trò nào trong tương lai của Syria", đồng thời cáo buộc nhà lãnh đạo này phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại về người và của trong cuộc chiến.

Lập trường rõ ràng nhất là của Nga . Putin nói rằng ông chống lại bất kỳ điều kiện nào sẽ hạn chế sự lựa chọn của người Syria.

Thái độ của các nước khác có thể được tóm tắt là "quyết định về tương lai Syria nên được thực hiện bởi người Syria, nhưng sẽ không tốt nếu ông Assad tái đắc cử".

Bước quan trọng thứ ba được thực hiện là tái khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Cho đến nay, không một quốc gia nào đưa ra tuyên bố thách thức chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Tuy nhiên, việc nhấn mạnh lại thực tế này trong hội nghị thượng đỉnh là một bước đi tích cực vì một số quốc gia nước ngoài vẫn giữ sự hiện diện quân sự tại Syria bất chấp sự phản đối của chính quyền Damascus.

Tình hình ở Idlib – thành trì nổi loạn cuối cùng ở Syria – cũng cho thấy những tín hiệu tích cực khi chiếm một vị trí quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh lần này.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hulusi Akar, tuyên bố rằng Ankara đã tuân thủ 90% thỏa thuận về thiết lập khu phi quân sự và rút khủng bố ra khỏi khu vực.

Tổng thống Putin thừa nhận rằng mặc dù những kỳ vọng của thỏa thuận này vẫn chưa đạt được, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm tất cả những gì có thể và không thể đổ lỗi cho họ.

Ông cũng ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách lưu ý rằng cuộc đấu chiến chống khủng bố của Ankara rất thành công. Kết quả tích cực hơn có thể được mong đợi nếu Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga tiếp tục làm việc cùng nhau về chủ đề của Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại