"Bộ Tứ kim cương" và con bài chiến lược

Hoàng Nguyễn |

Hôm nay (12/3), Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Nhóm “Bộ Tứ” dưới hình thức trực tuyến.

Một cuộc diễn tập thường niên của hải quân các nước nhóm “Bộ Tứ”. Ảnh: AP.

Một cuộc diễn tập thường niên của hải quân các nước nhóm “Bộ Tứ”. Ảnh: AP.

Sự kiện cho thấy các quốc gia thành viên đều đánh giá cao tầm quan trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ nhóm. Thời gian gần đây hoạt động đối thoại, hợp tác của nhóm "Bộ Tứ" và các thành viên trong nhóm này được củng cố và tăng cường.

Cuộc họp cấp ngoại trưởng lần đầu tiên diễn ra vào tháng 9/2019 bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tháng 10/2020, Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ hai do Nhật Bản đăng cai tổ chức lần đầu tiên độc lập với một hội nghị quốc tế và bất chấp đại dịch Covid-19.

Tại đây, nhóm đạt được quy chế “thường niên” để tổ chức các cuộc họp ngoại trưởng thường niên. Và mới đây nhất là Hội nghị Ngoại trưởng trực tuyến hôm 18/2.

Hội nghị Thượng đỉnh "Bộ Tứ" lần này diễn ra trong bối cảnh, cả 4 quốc gia thành viên đều đang gặp nhiều “vấn đề” trong quan hệ với Trung Quốc. Dự kiến, ngoài việc thảo luận những vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay như chuỗi cung ứng linh hoạt, ứng phó với dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu...

Hội nghị sẽ tập trung vào cam kết đảm bảo “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và các giải pháp nhằm “xử lý” tốt quan hệ với Trung Quốc.

Ngoài ra, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Biden có thể sẽ chia sẻ lập trường của về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Phân phối vaccine ngừa Covid-19 và đảo chính quân sự tại Myanmar cũng sẽ là những nội dung quan trọng có thể được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này.

Việc Tổng thống Biden tham gia Hội nghị Thượng đỉnh "Bộ Tứ" đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền cho thấy chính quyền Mỹ đặc biệt chú trọng tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nước Mỹ trở nên khiêm tốn hơn, mong muốn xây dựng các cơ chế hợp tác với các nước cùng chí hướng để phục vụ các lợi ích toàn cầu lớn hơn.

Hợp tác đa phương trong khuôn khổ nhóm Bộ tứ sẽ là con bài chiến lược để các nước thành viên hoạch định chính sách phát triển trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tháo gỡ những xung đột và “kiềm chế” ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại