Chuyện công sở lắm drama thứ hai thì không có chuyện gì dám đứng nhất. Ngoài lương thưởng, đồng nghiệp thì khao sếp đi ăn cũng là một vấn đề tế nhị và khó nói đối với người trong cuộc.
Hương (27 tuổi, hiện đang làm nhân viên cấp cao cho một công ty đa quốc gia tại TP.HCM) từng khao sếp ở công ty cũ đi ăn tại một nhà hàng sang trọng bậc nhất quận 1. Vì từng làm việc với nhiều sếp lớn, cô hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ với mọi người. Tuy nhiên, trải nghiệm khao sếp đó khiến cô nhớ đời, mãi không quên.
Tương tự như Hương, Tín (25 tuổi, sale tại một cửa hàng kinh doanh nội thất) cũng có kỉ niệm khao sếp không mấy suôn sẻ, dù số tiền anh bỏ ra cho "cuộc đầu tư" này không hề nhỏ, lên tới 4 - 5 triệu.
Còn Ngọc (22 tuổi, mới làm nhân viên nhân sự tại một công ty quận 2) tuy không đầu tư quá nhiều tiền bạc cho việc mời sếp đi ăn, nhưng cô cũng gặp những trường hợp oái oăm khá đáng nhớ khi thấy đồng nghiệp bỏ tiền túi khao sếp.
Vì sao phải khao sếp?
Như chia sẻ ban đầu, Hương là người khá quan tâm đến chuyện sự nghiệp và xây dựng mối quan hệ. Việc khao sếp không bắt buộc nhưng đó là điều cô nàng nghĩ là mình nên làm: "Mình đi làm hơn 5 năm trời nên biết quan sát và chú ý xung quanh nhiều hơn. Mình nghĩ rằng có trước thì có sau, chỉ cần biết cách đối đãi với sếp tốt thì họ sẽ chú ý đến mình nhiều hơn và nếu như hiểu sếp, công việc sau này mới thuận lợi và dễ làm việc chung".
Ảnh minh họa
Không lạc quan như Hương, Tín cho rằng việc khao sếp của anh chàng hoàn toàn là ép buộc, khi các sếp hay gợi ý anh phải "khao chầu liên hoan nhẹ" mỗi đợt nhận lương. Vì khá ngại nên anh chàng cả nể không dám từ chối, sợ mang điều tiếng và ảnh hưởng công việc về sau.
Còn Ngọc, dù chưa mời ăn ai bao giờ nhưng cô cũng hay mang quà từ quê lên biếu sếp mỗi đợt về thăm nhà. Những món quà nhỏ được cô đóng gói cẩn thận và biếu đầy đủ từng người, từ chị sếp trưởng đến anh đồng nghiệp bàn bên. Không thể mua sắm hay khao sếp ăn uống được nhưng cô biết rằng bản thân cần sống "có trên có dưới", được đồng nghiệp quý thì làm gì cũng thuận lợi.
Những trải nghiệm kinh thiên động địa khi khao sếp
Nhắc đến trải nghiệm khao sếp khiến Hương vẫn nổi da gà mỗi lần nhắc lại, bởi cô đã mắc một sai lầm khủng khiếp mà Hương không dám tái lại. Hương kể lại: "Hôm đó mình có mời anh sếp cũ đi ăn, nhưng vấn đề là đi ăn chỉ có 2 người thôi nên mới sinh chuyện. Chị đồng nghiệp cùng công ty lại bắt gặp cùng lúc nên đồn râm ran rằng mình 'có ý' với sếp, thảo mai với sếp để dễ bề thăng tiến".
Tin đồn không đúng khiến cô bị nhiều đồng nghiệp dị nghị, mối quan hệ với sếp cũng thêm phần khó xử. "Đáng lẽ ra mình nên mời thêm vài đồng nghiệp cùng công ty nữa thì sẽ không sinh chuyện thế". Chỉ sau vài tháng, cô nàng phải thay đổi chỗ làm vì quá mệt mỏi với những tin đồn không mấy tích cực về mình, chỉ từ một bữa ăn đáng quên.
Ảnh minh họa
Còn Tín thì cho rằng trải nghiệm khao sếp của mình cũng không hề có kết quả lạc quan như mong đợi, vì hầu như những "chầu liên hoan nhẹ" mà anh hay được sếp gợi ý một cách bị động. "Nói là liên hoan nhẹ nhưng sếp hay rủ đi nhậu ở mấy quán bia lẩu, mà đâu chỉ một tăng, còn tăng 2, tăng 3, lúc thì đi karaoke, lúc thì mới đi ăn xong lại đến bar uống thêm đợt nữa" - Tín than thở.
Anh cũng cho rằng bản thân mình quá "hiền", khiến các sếp dễ "bắt nạt", bởi dù khó chịu và không vui khi phải mời sếp đi ăn, anh cũng chưa bao giờ dám nói lời từ chối bởi vì sợ và cả nể. Tín chia sẻ: "Mỗi lần khao nhẹ nhàng thì mình mất 2 - 3 triệu, những lần sếp 'sung' hơn thì mình tốn hết tận 5 triệu để chi trả hết 3 - 4 tăng mà sếp đi nhậu, chiếm hết cả gần nửa tháng lương của mình".
Ngọc thì cho rằng bản thân mình chưa bao giờ gặp tình huống nào oái ăm bởi cô chưa từng... khao sếp. "Mình nghĩ ai lương cao hơn thì khao chứ nhỉ? Với lại sếp lớn hơn cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, nên khao nhân viên nhỏ tuổi hơn cũng đúng". - Ngọc chia sẻ.
Tuy nhiên, cô nàng cũng nhấn mạnh rằng bản thân mình cũng từng chứng kiến nhiều tình huống oái ăm của đồng nghiệp khi mời sếp đi ăn. "Đi ăn riêng với sếp cũng là câu chuyện khá tế nhị chốn văn phòng công sở, bởi chính bạn là cái gai trong mắt nhiều người, càng khiến các đồng nghiệp khác tò mò hơn. Mà một người thì mười ý, chuyện nhỏ xé ra to, đôi khi mời sếp một bữa mà gây hiểu lầm về sau" - cô nhận xét.
Người làm sếp nói gì?
Để có cái nhìn 2 chiều và khách quan về vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với anh Hùng Nguyễn - đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành HW Agency - công ty chuyên về truyền thông thương hiệu ngành âm nhạc, giải trí và nightlife.
Anh Hùng Nguyễn
Về chuyện nhân viên rủ đi ăn, anh Hùng cho biết: "Theo mình, khi nhân viên rủ đi ăn tức là họ thấy sếp thân thiện nên ngoài giờ làm mới coi như anh em, bạn bè vui vẻ, gần gũi. Trong trường hợp này mình sẽ chủ động trả 30 - 50% hóa đơn, còn lại để các bạn tự share với nhau. Riêng với những quán mình đang quản lý thương hiệu và mình chủ động mời thì mình thanh toán toàn bộ, không ai phải trả. Ngoài ra mình cũng nghĩ bản thân mọi người cũng muốn góp tiền, dù ít dù nhiều để lần sau đi chơi với nhau được thoải mái".
Từ quan điểm cá nhân, vị sếp này cho rằng khi đi ăn với nhân viên thì không nên nói chuyện công việc. Nhưng đây cũng là hoạt động rất quan trọng: "Lúc đó mình và nhân viên công bằng, chỉ đơn thuần là bạn. Sau khi làm bạn với nhau thấy vui, thấy thoải mái và quý mến thì mới chủ động hỗ trợ, giúp đỡ nhau những tình huống trong công việc như những người bạn. Đây cũng là lý do mà mình thường để nhân viên mới và nhân viên cũ đi chơi với nhau, thấy hợp mới ráp team".
Tuy nhiên anh Hùng Nguyễn nhấn mạnh rằng đây chỉ là góc nhìn và kinh nghiệm của bản thân, không phải đại diện cho các sếp nói chung. "Một phần là mình làm ngành truyền thông thì cả sếp lẫn nhân viên đều khá thoải mái, cởi mở và một phần là với các sếp ở công ty hay tập đoàn lớn, đông nhân viên thì sẽ khó mà áp dụng được như mình" - Anh Hùng chia sẻ.
Khao sếp hay không là do bạn!
Việc khao sếp tuy có là vấn đề khá khó nói, nhưng cũng không phải là không có cách.
Nếu mục tiêu của bạn là lấy lòng sếp hay muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong công việc, hãy thể hiện bằng những hành động khác. Chẳng hạn như: đi làm đúng giờ, chú trọng cách ăn mặc đúng hoàn cảnh, lịch sự, đồng thời chủ động giao tiếp trên công ty, bạn cũng nên lắng nghe và biết tiếp thu ý kiến, làm đúng trách nhiệm công việc của mình mà không cần đợi sếp nhắc nhở. Và điều quan trọng nhất, luôn biết giữ ranh giới giữa bản thân và các sếp, nên nhớ, đừng cố gắng tạo drama hoặc trở thành tâm điểm của drama chốn văn phòng, cực kì khó xử.
Ảnh minh họa
Nếu bạn rơi vào trường hợp bị bắt buộc khao sếp, hãy niềm nở ở những lần đầu tiên. Tuy nhiên, bạn cũng nên đánh khẽ ở những lần sau hoặc chủ động nói không nếu bạn không muốn. Bởi, quyết định là ở bạn.
Cuối cùng, hãy nhớ khao sếp là vấn đề không lớn. Đừng vì một "chầu khao" mà quên đi công việc của mình, hãy biết tự tạo ranh giới vừa đủ để đi làm gặp đồng nghiệp là một niềm vui, chứ không phải là sự dòm ngó và đồn đoán ngầm.