Hiệp ước New START hiện là thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ. (Ảnh: AP)
Tờ Rossiyskaya Gazeta dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin cho biết, Nga không loại trừ quan điểm của Mỹ về vấn đề gia hạn Hiệp ước START-3 có thể thay đổi do tình hình chính trị trong nước hiện nay.
“Tình hình xung quanh Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START - phía Nga gọi là START-3) không phát triển theo hướng tốt nhất, vì chỉ còn ít thời gian nữa là đến ngày hết hạn (ngày 5/2/2021), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga nói.
Ông Fomin nhắc lại rằng Nga đã đề xuất với Mỹ gia hạn Hiệp ước, đồng thời bắt đầu công việc chung về việc chuẩn bị một hiệp định mới có tính đến tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược.
“Phía Mỹ có những ưu tiên khác, liên quan đến việc họ không thể hiện sự quan tâm đến việc gia hạn Hiệp ước START”, ông Fomin nói thêm.
Đồng thời, ông Fomin cũng bày tỏ hy vọng về sự thay đổi quan điểm của Mỹ đối với việc gia hạn Hiệp ước START dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden.
“Do tình hình chính trị hiện tại của Mỹ, chúng tôi không loại trừ rằng lập trường của người Mỹ về vấn đề này có thể thay đổi”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga kết luận.
Trước đó, những người ủng hộ việc kiểm soát vũ khí hạt nhân tại Mỹ đang thúc giục Tổng thống đắc cử Joe Biden gia hạn Hiệp ước New START với Nga thêm 5 năm nữa.
Theo đó, Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Mỹ (ACA), Câu lạc bộ môi trường Sierra, tổ chức phi lợi nhuận có tên Hội đồng Vì một Thế giới sống được (LCW) và Giáo hội Giám lý Liên hiệp (UMC) đã cùng gửi một bức thư đến ông Biden hôm 19/11.
“Giống như những hành động mạnh mẽ cần thiết để chống lại vấn đề biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, chính quyền Mỹ cần một quyết định thông minh và táo bạo để có thể giảm mối đe dọa về một thảm họa hạt nhân”, những tổ chức này chia sẻ.
Theo các chuyên gia, sau khi chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2021, ông Biden sẽ phải đối mặt với quyết định có nên gia hạn Hiệp ước New START hay không. Nếu không gia hạn, hiệp ước sẽ hết hạn trong 16 ngày sau đó, đồng nghĩa với việc Washington và Moscow có thể triển khai không giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược.
Tổng thống Putin nhận định Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới đã hoạt động hiệu quả tính tới thời điểm này. Ông nói rằng sẽ vô cùng đáng buồn nếu hiệp ước đó không còn hiệu lực. Ông Putin cũng nhấn mạnh, Nga sẵn sàng thảo luận về các loại vũ khí mới mà nước này đã triển khai trong các cuộc đàm phán vũ khí với Mỹ trong tương lai.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.
Hiệp ước quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau bảy năm kể từ khi ký kết hiệp ước và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai.
Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng hai lần mỗi năm.