‘Bộ giáp siêu nhân’ của quân đội Nga không phải là chuyện viễn tưởng

Anh Minh |

Sau nỗ lực của Mỹ nhằm chế tạo bộ giáp vận hành bằng năng lượng theo phong cách Người Sắt (Iron man) bị rơi và cháy, một số nhà bình luận đã kết luận rằng “bộ giáp siêu nhân” sẽ luôn là chuyện khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, trong khi lính Mỹ sẽ không sớm trở thành những “người sắt” như diễn viên Tony Stark, lính Nga nay đã được hưởng lợi từ công nghệ khung xương ngoài.

Trong cuộc đua này, người Nga đang dẫn đầu với công nghệ khiêm tốn nhưng hiệu quả, theo Forbes.

Exoskeleton (bộ xương ngoài, hay bộ khung-giáp ngoài) là thiết bị đặc biệt được chế tạo có chức năng bổ trợ sức mạnh và khả năng cho con người khi đeo lên mình.

Hiện tại các thiết bị dạng exoskeleton mới chỉ dùng để phục vụ mục đích quân sự nên mục tiêu của các dự án chế tạo exoskeleton là tạo ra một “khung xương” giúp tăng tốc độ, tính cơ động và sức mạnh của con người, ngoài ra exoskeleton còn có tác dụng như một bộ giáp bảo vệ binh sỹ.

Bộ xương ngoài của Nga, được gọi là bộ quần áo chiến đấu Ratnik (Chiến binh), được Viện Nghiên cứu Trung ương về Chế tạo Máy Chính xác (TSNIITOCHMASH) thiết kế. Viện này là một phần của công ty quốc phòng khổng lồ Rostec. Phiên bản ban đầu của Ratnik là một bộ xương ngoài không sử dụng năng lượng nhưng vẫn giúp giảm tải cho người lính và cho phép họ thực hiện các cuộc hành quân và tấn công kéo dài trong khi mang nặng vài chục kg.

‘Bộ giáp siêu nhân’ của quân đội Nga không phải là chuyện viễn tưởng - Ảnh 2.

Bộ xương ngoài thụ động sử dụng lò xo hoặc các thiết bị khác để lưu trữ và giải phóng năng lượng, giúp san sẻ sự nặng nhọc của binh sỹ. Các thiết bị này đã được giới thiệu với số lượng nhỏ trong ngành công nghiệp ô tô, với tác dụng giảm số lượng chấn thương ở lưng và vai, giảm mệt mỏi và tăng năng suất.

Bởi vì chúng không yêu cầu nguồn điện, các nhà thiết kế không phải chịu nhiều thách thức kỹ thuật phức tạp của các bộ áo giáp được cung cấp năng lượng - và chúng không khiến người mặc bị mắc kẹt với pin hết điện sau vài giờ.

“Thách thức chính bao gồm việc lựa chọn vật liệu cho bộ xương ngoài. Chúng phải bền và nhẹ ”, Giám đốc điều hành TSNIITOCHMASH Albert Bakov nói với Forbes. Ông Bakov không thể cung cấp thông tin chi tiết, nhưng các nguồn tin khác cho rằng phiên bản hiện tại được làm bằng composite sợi carbon.

Trong khi Bakov tin rằng phiên bản giáp ngoài sử dụng năng lượng cuối cùng sẽ ra đời, ông không nghĩ rằng công nghệ hiện tại có thể đáp ứng yêu cầu này.

Bakov nói đơn giản: “Một loại pin có dung lượng và kích thước cần thiết vẫn chưa được phát triển”.

Một phiên bản ban đầu của bộ xương ngoài Ratnik, được gọi là EO-1, đã trải qua quá trình thử nghiệm rộng rãi - các kỹ sư được cho là đã mang chúng ra thử nghiệm ở chiến trường Syria vào năm 2017. Trớ trêu thay, điều này lại cần thiết vì trọng lượng của các thiết bị điện tử mà binh sỹ Nga điều khiển robot rà phá bom mìn Uran-6 phải mang theo.

Samuel Bendett, cố vấn chương trình Nga của tổ chức nghiên cứu CNA, chuyên về các hệ thống quân sự không người lái của Nga, nói: “Người điều khiển Uran-6 phải mang trên ngực một bảng điều khiển và chỉ huy nặng nề.

Hộp điều khiển nặng hơn gần 20kg, nhưng với sự hỗ trợ của bộ xương ngoài, người lính có thể di chuyển nhanh chóng mà không gặp khó khăn và có thể ngồi, nằm, đứng dậy mà không cần cố gắng quá mức”.

Bộ xương ngoài này rất dễ sử dụng. Chỉ mất một vài phút để mặc vào và có thể được tháo ra nhanh chóng. Theo một nguồn tin, chúng có giá khoảng 3.500 USD / chiếc. Ngoài việc mang thiết bị hạng nặng, bộ xương ngoài còn có thể hoạt động như một giá treo vũ khí.

Ông Bakov nói: “Thiết kế của bộ xương ngoài với “cánh tay thứ ba” đảm bảo khả năng sử dụng vũ khí nặng hơn và mạnh hơn, chẳng hạn như súng máy”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại