Iran tung 2 tên lửa mới với những cái tên "xóc óc" Mỹ và Israel!
Hôm 20/8, tờ Fars News đưa tin nhân Ngày Công nghiệp Quốc phòng của Iran, 2 tên lửa mới được nước này chế tạo đã được công bố trong một buổi lễ với sự tham gia của Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông qua hội nghị truyền hình.
Phát biển trong sự kiện, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Tướng Amir Hatami cho biết một tên lửa đạn đạo đất đối đất có tầm bắn 1.400 km được đặt tên theo Tướng Iran Qassem Soleimani và một tên lửa hành trình được đặt tên Chỉ huy người Iraq Abu Mahdi.
Hai viên chỉ huy nói trên đã thiệt mạng cùng thời điểm trong vụ ám sát vào tháng 1/2020 tại Baghdad, Iraq bằng máy bay không người lái (UAV) của Mỹ, vụ việc được cho là có liên quan tới tình báo Israel.
Bình luận về tính năng của các thành tựu nói trên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Iran, Tướng Qassem Taqizadeh cho biết tốc độ của tên lửa đạn đạo Qassem Soleimani "khiến việc đánh chặn nó là không thể".
Còn đối với tên lửa hành trình Abu Mahdi, Tướng Taqizadeh tự tin cho rằng nó có khả năng bay ở độ cao thấp cùng khả năng "đi vòng" tránh né các hệ thống phòng không của đối phương.
Các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mới được Iran công bố hôm 20/8 (Nguồn: Irib News).
Ngoài các thông số về tầm bắn của tên lửa đạn đạo Qassem Soleimani và tên lửa hành trình Abu Mahdi, các quan chức quân sự Iran không đưa thêm chi tiết về các thông số khác như kích cỡ, đầu đạn của 2 tên lửa.
Tuy nhiên, bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận ra rằng tên lửa hành trình Abu Mahdi có sự tương đồng trong thiết kế với tên lửa hành trình đất đối đất Soumar vào 5 năm trước.
Tại thời điểm năm 2015, các chuyên gia quân sự Nga đã nhận định rằng tên lửa hành trình Soumar có thể là sản phẩm sao chép công nghệ của tên lửa Kh-55 do Liên Xô sản xuất và suy đoán rằng tầm bắn của Soumar là từ 2.000 đến 3.000 km.
Từ trên xuống: Tên lửa hành trình Abu Mahdi, tên lửa Soumar và tên lửa Kh-55.
Đối với tên lửa đạn đạo Qassem Soleimani. Theo Tasnim News, tên lửa này được coi là thế hệ mới của dòng tên lửa đạn đạo Fateh-110, loại tên lửa có khả năng "vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa".
Có thể dễ dàng nhận ra sự tương đồng giữa tên lửa Qassem Soleimani với biến thể gần nhất của dòng tên lửa Fateh-110 là Dezful có tầm bắn 1.000 km.
So sánh hình dáng tên lửa, có thể thấy các kỹ sư Iran đã tiến hành "nâng cấp" khoang chứa động cơ và nhiên liệu khiến nó lớn hơn với mục đích tăng tầm bắn của tên lửa.
Dòng tên lửa Fateh-110 đã "ghi điểm" vào đầu năm 2020 sau vụ tập kích bằng tên lửa đạn đạo của Iran nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq.
Hãng thông tấn Tasnim đưa tin Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã sử dụng các biến thể tầm ngắn Fateh-313 và Qiam-1 của dòng tên lửa Fateh-110 trong cuộc tấn công và tuyên bố rằng lực lượng Mỹ không đánh chặn được vì chúng được trang bị đầu đạn chùm - tự dẫn.
Tehran đã chứng minh rằng mình sở hữu tên lửa tầm ngắn (SRBM - dưới 1.000 km), tầm trung (MRBM - từ 1.000 đến 3.500 km) và có thể là cả tầm trung gian, tầm xa và xuyên lục địa (IRBM, LRBM và ICBM tầm bắn trên 3.500 km) thông qua vụ phóng vệ tinh Noor gần đây.
Từ hành động của Iran những năm qua, có thể nhận thấy Tehran sẽ từ từ "bật mí" năng lực tên lửa, gây sức ép ngược đối với Mỹ và các đồng minh nhằm nới lỏng trừng phạt trong bối cảnh lệnh cấm vận vũ khí Iran sắp kết thúc (tháng 10) và mùa bầu cử Mỹ đang đến gần (tháng 11).
Tên lửa đạn đạo Qassem Soleimani và tên lửa đạn đạo tầm trung Dezful có tầm bắn 1.000 km thuộc dòng tên lửa Fateh-110 được Iran công bố tháng 2/2019.
"Thông điệp chết chóc" của Iran?
Các quan chức Iran luôn nhấn mạnh rằng các chương trình phát triển tên lửa phục vụ cho việc phòng thủ. Tuy nhiên tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình là các loại vũ khí tấn công phủ đầu hoặc đáp trả can thiệp quân sự.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng những tiến bộ trong việc phát triển vũ khí của Tehran đã trở thành một yếu tố "răn đe" trước các hành động của các nước thù địch, đặc biệt là Mỹ và Israel.
Vào cuối tháng 7/2020, trong cuộc tập trận "Nhà tiên tri vĩ đại -14", IRGC đã bắn thử tên lửa đạn đạo được chôn dưới lòng đất, một thành tựu quan trọng có thể gây thách thức lớn cho tình báo các nước "thù địch".
Đồng thời IRGC cũng đã tập luyện tiêu diệt "tàu sân bay USS Nimitz" bằng cách nã tên lửa ồ ạt vào một mô hình trên Eo biển Hormuz.
Với tên lửa đạn đạo Qassem Soleimani, Iran hoàn toàn có thể tấn công các mục tiêu tại Trung Đông, Trung Á và Đông Âu.
Cuộc tập trận và các phản ứng của Mỹ đối với nó - nhấn mạnh mối đe dọa kéo dài về xung đột quân sự giữa Iran và Mỹ sau một loạt sự cố leo thang vào năm 2019 dẫn đến vụ ám sát Tướng Soleimani và đáp trả tên lửa của Iran đầu năm 2020.
Trong khi đại dịch Covid-19 đang "nhấn chìm" cả Iran lẫn Mỹ, rõ ràng một thông điệp chết chóc vẫn đang được Tehran nhắc đi nhắc lại như tuyên bố của Tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy không quân IRGC hôm 9/1 - một ngày sau tập kích tên lửa đạn đạo vào các căn cứ Mỹ ở Iraq rằng:
"Đây chỉ là khởi đầu của một chiến dịch lớn sẽ tiếp tục trên khắp khu vực".
Có lẽ các chuyên gia phân tích cao cấp ở Washington lúc này nên tính đến việc tái diễn kịch bản tập kích tên lửa hành trình và máy bay không người lái như những gì đã xảy ra cho các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi vào mùa thu năm 2019.
Iran công bố các cảnh quay thử nghiệm tên lửa đạn đạo Qassem Soleimani. Với tầm bắn 1.400 km như Tehran tuyên bố, đây là tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM).