Theo báo cáo của Bộ Công Thương gửi đại biểu Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 4, từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Công Thương đã tiếp tục phối hợp với các tỉnh xem xét để loại khỏi quy hoạch bốn dự án thủy điện tại tỉnh Quảng Nam và Gia Lai.
Bộ cũng không xem xét bổ sung quy hoạch đối với 11 dự án thủy điện theo đề nghị của các tỉnh Đồng Nai, Hòa Bình và Lai Châu do không khả thi về kinh tế-kỹ thuật, có ảnh hưởng đến rừng phòng hộ và môi trường-xã hội.
Thủy điện Sông Bung 2.
Hiện nay UBND các tỉnh vẫn tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn quản lý để xem xét thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án đã quá hạn theo hạn trong giấy chứng nhận đầu tư được cấp mà chủ đầu tư không triển khai thực hiện.
Các dự án thuộc danh mục được đầu tư trong giai đoạn 2015-2020 và đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư giai đoạn sau năm 2020 vẫn được tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và kết quả nghiên cứu đầu tư để có phương án điều chỉnh hợp lý hoặc xem xét thu hồi để loại khỏi quy hoạch.
Đối với sự cố hầm dẫn dòng thi công công trình thủy điện Sông Bung 2 tại tỉnh Quảng Nam (do Tổng Công ty Phát điện 2 - Genco 2, thuộc EVN làm chủ đầu tư), Bộ Công Thương xác định đây sự cố công trình nghiêm trọng, gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng lớn đến tiến độ phát điện của công trình.
Đây cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá trong công tác quản lý chất lượng xây dựng công trình của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đối với các dự án thủy điện.
Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện giám định nguyên nhân sự cố theo đúng quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, cơ quan tư vấn kiểm định đã có báo cáo cuối cùng về nguyên nhân sự cố.
Bộ Công Thương cũng đang hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả kiểm định để chuẩn bị báo cáo chính thức Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời Bộ cũng đã chỉ đạo EVN thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và chuẩn bị sẵn sàng phương án thi công trở lại sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép.