Bộ Công Thương nói gì về dự án thép Cà Ná bị đánh giá quy hoạch vội vàng?

Diệu Thùy |

“Quy hoạch của dự án thép Cà Ná thực chất là đưa trở lại quy hoạch chứ không phải là quy hoạch mới. Chúng tôi khẳng định rằng quy hoạch dự án thép Cà Ná không phải vội vàng và thiếu thận trọng”.

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận vừa được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025 đang làm nóng dư luận.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai dự án này theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, với tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỉ đô la Mỹ (hơn 230.000 tỉ đồng).

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công Thương đã có quyết định khá vội vàng và thiếu thận trọng khi đưa dự án này vào quy hoạch ngành thép bởi hiện nay công suất thép trong nước đang dư thừa.

Bộ Công Thương nói gì về dự án thép Cà Ná bị đánh giá quy hoạch vội vàng? - Ảnh 1.

Phối cảnh siêu dự án Tổ hợp luyện thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận

Liên quan đến vấn đề này, Phóng viên báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương.

- Thưa ông, vì sao Bộ Công Thương lại bổ sung siêu dự án thép Cà Ná vào quy hoạch? Nhiều ý kiến cho biết, sản xuất thép trong nước đang dư thừa, quyết định của Bộ Công Thương liệu có vội vàng?

Ông Trương Thanh Hoài: Theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, cụ thể là quyết định 2146 ngày 1/12/2014 sẽ hình thành các doanh nghiệp có quy mô trên 3 triệu tấn, tập trung sản xuất một số loại thép mà ngành công nghiệp trong nước còn thiếu như thép tấm, thép chế tạo phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thực tế thời gian qua chúng ta nhập thép rất lớn. Việt Nam chỉ mới sản xuất được thép xây dựng, phải nhập khẩu hoàn toàn thép phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ, chế tạo với số lượng mỗi năm khoảng 13 triệu tấn. Nhập siêu của ngành thép rất lớn khoảng 7 tỉ USD.

Định hướng của Thủ tướng Chính phủ rất rõ như thế, phải hình thành doanh nghiệp thép có quy mô lớn để đảm bảo sức cạnh tranh và tận dụng nguồn quặng sắt trong nước mà Việt Nam đang có: trữ lượng khoảng 1,3 tỉ và nguồn tài nguyên đánh giá chưa chính xác khoảng 2,2 tỉ ở Tây Nguyên.

Mặt khác, thực tế Dự án liên hợp thép Cà Ná đã có trong quy hoạch, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 do liên doanh Lion Group (Malaysia) và Vinashin làm chủ đầu tư, với tổng vốn đăng ký 9,8 tỷ USD.

Tuy nhiên do các bên không thể thu xếp được vốn và lần lượt rút khỏi dự án nên đầu năm 2011, Ninh Thuận đã rút chứng nhận đầu tư tại đây. Quy hoạch của dự án thép Cà Ná thực chất là đưa trở lại quy hoạch chứ không phải là quy hoạch mới.

Chúng tôi khẳng định rằng quy hoạch dự án thép Cà Ná không phải vội vàng và thiếu thận trọng. Chúng tôi đã khảo sát hiện trạng ngành thép từ năm 2015 và đến năm 2016 mới ban hành quyết định xây dựng quy hoạch tổng thể.

- Việc bổ sung Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025 đã đúng trình tự?

Ông Trương Thanh Hoài: Tất nhiên là đúng trình tự. Khi thấy lượng thép nhập khẩu tăng đột biến, đầu năm 2015 chúng tôi đã rà soát các dự án thép trong quy hoạch và nghiên cứu những địa điểm khả thi có thể đặt được nhà máy thép, trong đó đã tính đến dự án Cà Ná.

Từ tháng 1/2016, Bộ Trưởng Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch toàn bộ ngành thép Việt Nam để thay quy hoạch cũ.

Tháng 7/2016, tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất vào vị trí Cà Ná cũng phù hợp với nghiên cứu của Bộ Công Thương trong năm 2015. Chúng tôi thấy phù hợp nên đã bổ sung vào. Hơn nữa dự án này cũng đã từng có trong quy hoạch.

- Vậy Bộ Công Thương có lấy ý kiến của các Hiệp hội hay Bộ ngành khác khi bổ sung dự án này vào quy hoạch không?

Ông Trương Thanh Hoài: Theo quy định thì đây là một dự án cụ thể nên khi điều chỉnh nằm trong thẩm quyền của Bộ Công Thương và không phải xin ý kiến khi bổ sung điều chỉnh quy hoạch. Bộ Công Thương sẽ chủ động điều chỉnh để đảm bảo với quy hoạch tổng thể đã đưa ra.

Chỉ khi phê duyệt quy hoạch tổng thể thì phải xin ý kiến địa phương, các bộ ngành đặc biệt là Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

- Đối với Tập đoàn Hoa Sen, Bộ Công Thương đã xem xét, đánh giá về năng lực của doanh nghiệp này chưa?

Ông Trương Thanh Hoài: Theo kiểm tra sơ bộ thì Hoa Sen đủ năng lực đầu tư với quy mô 4,5 triệu tấn đến năm 2020. Chúng tôi cũng đã cân đối năng lực của nhà đầu tư rồi và cũng không phải đầu tư ngay một lúc 4,5 triệu tấn mà chia làm 3 giai đoạn.

Dự án Thép Cà Ná có công suất 16 triệu tấn/năm nhưng được chia nhiều bước nhỏ và Chính phủ thẩm định từng bước một chứ không phải cho phép làm một lúc 16 triệu tấn.

Để cụ thể hóa thì doanh nghiệp phải tính toán đầu tư quy mô lớn, ít ra cũng tương đương hoặc gần tương đương với tổ hợp thép trên thế giới đang có.

Quan trọng nhất vẫn là năng lực vốn, tài chính của chủ đầu tư. Hiện nay bất kỳ một nhà đầu tư nào có năng lực tài chính thì họ có thể thuê đơn vị tư vấn giám sát, quản lý dự án… Nếu họ có đánh giá đúng thị trường hiệu quả thì họ làm, cũng giống như những nhà đầu tư tài chính, điều này cũng rất bình thường trên thế giới.

- Nhưng thưa ông, dự án này có vốn đầu tư lớn, lại gần biển, dư luận đang lo ngại liệu có xảy ra Formosa thứ hai?

Ông Trương Thanh Hoài: Lo ngại đó là có cơ sở vì sự cố môi trường đã xảy ra ở Formosa rồi. Tuy nhiên ở châu Âu, châu Mỹ, các dự án thép hoạt động đã trên 70 năm ở rất gần trung tâm thành phố.

Công nghệ thép cũng không phải là công nghệ hiện đại, công nghệ cao mà là công nghệ truyền thống. Ở Việt Nam có 2 dự án lò cao là ở Thái Nguyên hoạt động đã gần 50 năm, và dự án của Hòa Phát đã hoạt động 10 năm đều rất hiệu quả, đảm bảo môi trường.

Với trình độ, công nghệ hiện nay để giải quyết môi trường tại các dự án thép cũng không có gì khó khăn nhưng quan trọng ở đây là sự tuân thủ của chủ đầu tư và sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình triển khai dự án.

Khi xảy ra sự cố người dân bị ảnh hưởng nhưng quyền lợi của nhà đầu tư cũng bị thiệt hại. Từ bài học Formosa, cơ quan quản lý nhà nước phải triển khai giám sát chặt chẽ hơn, đặc biệt nhà đầu tư càng phải thận trọng hơn, quy trình xử lý thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự như Formosa.

Về nguyên tắc quy hoạch thì bao giờ cũng dựa trên tiềm năng của khu vực, cụ thể đây là khu vực Cà Ná và năng lực sơ bộ của chủ đầu tư.

Tuy nhiên dự án còn phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT thẩm định lại, nếu dự án tiền khả thi thì sau đấy mới chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và còn nhiều bước tiếp theo. Tức là còn nhiều bước để đến bước xây dựng, khởi công nhà máy.

Hiện nay Bộ KH&ĐT vẫn chưa thẩm định vì theo quy định của Luật Đầu tư thì tỉnh Ninh Thuận phải nộp hồ sơ, thẩm định xong hồ sơ sẽ trình lên Thủ tướng.

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận có được chấp thuận hay không còn phải xem hồ sơ, khả năng chứng minh năng lực tài chính, báo cáo đánh giá tác động môi trường…

- Theo tính toán nếu các dự án trong quy hoạch đi vào hoạt động, tính đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 50 triệu tấn thép/năm, trong khi nhu cầu thép của Việt Nam đến năm 2030 cũng chưa tới mức 40 triệu tấn/năm. Ông có ý kiến gì về điều này?

Ông Trương Thanh Hoài: Nói chúng ta đang có 30- 40 triệu tấn thép là không chính xác, có sự nhầm lẫn.

Năm 2015 chúng ta nhập 18,8 triệu tấn. Riêng 8 tháng đầu năm 2016 đã nhập 14 triệu tấn thép và dự kiến cả năm nay sẽ nhập khẩu 22 triệu tấn thép thô quy đổi. Nhập siêu của ngành thép 7 tỷ USD. Nếu chúng ta thừa thì làm sao lại nhập khẩu nhiều như thế và nhập siêu lớn như thế.

Có thể nhầm lẫn vì cộng theo quy hoạch nhưng thực tế một số dự án không triển khai được, chậm triển khai so với quy hoạch, con số cho thấy chậm triển khai so với quy hoạch là 20 triệu tấn.

Ví dụ dự án thép Quang Liên, Quảng Ngãi thu lại giấy chứng nhận đầu tư với quy hoạch 5 triệu tấn thép; Liên Hiệp thép ở Hà Tĩnh 4 triệu tấn, dự án ở Quảng Ninh với 2 triệu tấn thép…

Từ đầu 2015, Bộ Công thương đã rà soát hoạt động ngành thép và đánh giá là thiếu hụt. Đến năm 2020 thiếu hụt khoảng 17 triệu tấn, kể cả Formosa đi vào hoạt động thì vẫn thiếu chừng đó. Đến năm 2025 sẽ thiếu 22- 25 triệu tấn thép.

Rõ ràng bức tranh như vậy, số liệu nhập khẩu thép cụ thể khách quan do Tổng Cục Hải Quan công bố.

Ngoài việc thiếu hụt thép thì có một yếu tố nữa giúp thép chúng ta có khả năng cạnh tranh đó là chúng ta chủ động được nguồn nguyên liệu như đá vôi, quặng sắt trong nước, chi phí logistic, nhân công… cho nên lợi thế cạnh tranh vẫn còn nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại