Dự án thép Cà Ná kỳ vọng hiệu quả đầu tư tài chính cao hơn hẳn cùng ngành, khả thi không?

Có vẻ như còn nhiều băn khoăn quanh con số tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) lên tới 30% của thép Cà Ná bởi mới đây Dự án Mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên cũng chỉ đưa ra giả định hiệu quả đầu tư tài chính chỉ chưa đầy 11%. Các dự án thép khác có vốn của VnSteel khi lên kế hoạch cũng chỉ dưới 18%.

Tại Đại hội cổ đông bất thường tổ chức hôm mồng 6/9, ông Lê Phước Vũ chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen với mã chứng khoán HSG đã mạnh mồm khẳng định: "Đừng quá lo lắng về nguồn vốn đầu tư vào dự án Cà Ná vì tôi đã lo xong hết rồi".

Phải vậy, nếu là cổ đông HSG, tôi cũng không đặt vấn đề vốn liếng hay lãi suất cho dự án 10 tỷ đô lên đầu tiên. Với doanh nghiệp đầu ngành như Hoa Sen thì việc vay vốn tỷ đô nếu đã nói là làm được thì ắt sẽ làm được.

Để minh chứng cho việc không phải lo về nguồn vốn đầu tư, Hoa Sen dù chưa xin ý kiến cổ đông về chủ trương đầu tư dự án đã ký thỏa thuận khung với Ngân hàng Vietinbank từ 27/8/2016. Giả sử Đại hội cổ đông bất thường ngày 6/9 không thông qua cho Hoa Sen dự án 10 tỷ đô thì cam kết tài trợ vốn nêu trên cũng thành vô nghĩa.

Đó là chưa kể đến, phải hiểu rõ rằng thỏa thuận khung khác với đồng ý cho vay và giải ngân. Từ cái khung này còn phải quá nhiều yếu tố để đi đến quyết định cho vay vì khi đó, báo cáo khả thi dự án sẽ phải đem ra mổ xẻ lên xuống từng li từng tí.

Tạm để sang một bên con số 10 tỷ đô đi. Ngay khi tài liệu họp Đại hội cổ đông được công bố thì nhiều người đã nhìn vào con số IRR (tỷ suất hoàn vốn nội bộ) là một trong 3 chỉ tiêu chính trong phần báo cáo hiệu quả tài chính của dự án đạt đến 30%.

Để cộng đồng hiểu được IRR là gì thì chúng tôi cũng xin đưa ra định nghĩa sơ bộ. IRR (internal rate of return) suất thu lợi nội tại. Có nghĩa là suất sinh lợi của chính bản thân dự án. Hiểu một cách chung nhất, tỉ lệ hoàn vốn nội bộ càng cao thì khả năng thực thi dự án là càng cao.

Trao đổi với chúng tôi về tỷ lệ IRR của các dự án xây lắp, 2 chuyên viên của 2 quỹ đầu tư thường phải làm việc nhiều liên quan đến lựa chọn các khoản đầu tư cho biết những dự án mà anh tiếp xúc thường cũng chỉ kỳ vọng IRR loanh quanh mức từ 12-16%.

Hai chuyên viên này cùng cho hay thường các dự án liên quan sản xuất không thể kỳ vọng IRR cao được, thông thường nằm ở mức 14-16%.

Đem băn khoăn đó đi trao đổi với một người từng viết báo cáo khả thi cho một số dự án thép ở khu vực miền Bắc, người này chia sẻ IRR thực tế của dự án thép thường đạt khoảng 14-16%, nếu mọi điều kiện rất rất tốt thì may ra đạt 20% là cùng.

Khi được hỏi về con số 30% mà Hoa Sen đưa ra, người này khẳng định gần như chắc chắn không thể đạt được tỷ lệ đó.

Cũng ngay sau đại hội, nhiều nhà đầu tư đã truyền tai nhau về dự án Cà Ná của Hoa Sen với nhiều lo ngại. Có người cũng đem vấn đề thời gian hoàn vốn phân kỳ 1 của dự án chỉ chưa đầy 6 năm liệu có quá ảo tưởng không, cũng có người thắc mắc về chỉ số IRR như trên.

Để góp phần giúp nhà đầu tư có thêm thông tin, chúng tôi có thu thập thêm thông tin các dự án khác.

Mới gần đây, hồi tháng 3/2016, doanh nghiệp Thép từng một thời hàng đầu Việt Nam là Gang Thép Thái Nguyên (Tisco) đã đưa ra báo cáo sau khi tiến hành rà soát lại Dự án Mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên.

Theo đó, tổng mức đầu tư của Dự án Mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên sau khi được rà soát lại đã nâng lên 9.030 tỷ đồng. Con số này dựa trên việc Tisco thuê Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) lập dự toán và Viện Kinh tế xây dựng thẩm tra trên cơ sở kết quả đàm phán và các báo giá tạm tính của nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC).

Với tổng mức đầu tư này, tỷ suất sinh lời nội tại (IRR) và thời gian thu hồi vốn đều không đạt. Kèm theo đó, Tisco cũng đưa ra hàng loạt điều kiện giả định để Dự án đạt hiệu quả đầu tư tài chính với IRR là 10,78%, thu hồi vốn trong 17 năm.

Cụ thể, tổng mức đầu tư sẽ còn là 7.871 tỷ đồng, nhưng kèm theo các cơ chế đặc thù cho Dự án như miễn một số khoản thuế, cơ chế tín dụng, khoanh/giảm lãi, điều chỉnh lãi suất, thời gian vay, trả nợ ngân hàng hay không tính thuế giá trị gia tăng trong tổng mức đầu tư.

Quay trở lại với các dự án thép của các doanh nghiệp thép lớn, mọi người cũng có thể nhìn thấy chỉ tiêu IRR của đa phần các dự án thép đều ở mức khá thấp. Cụ thể:

-Dự án thép Lào Cai của chủ đầu tư Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện Kim Việt Nam xây mới hoàn toàn, tổng mức đầu tư kế hoạch là 5.464 tỷ đồng và IRR dự kiến ở mức 16,52% với thời gian hoàn vốn 9,8 năm.

-Dự án Thép tấm cán nóng 2 triệu tấn/năm: Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Thép Tấm Miền Nam. Trong đó Tổng Công ty Thép Việt Nam góp 83.49%, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam góp 15% khi lên kế hoạch cũng có tổng mức đầu tư hơn 527 triệu USD, thời gian hoàn vốn 6,7 năm và IRR ở mức 17,7%.

-Dự án khai thác mỏ Quặng sắt Thạch Khê: Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê trong đó Tổng Công ty Thép Việt Nam góp 480 tỷ, tương đương 20% khi xây dựng đề án cũng có tổng mức đầu tư 500 triệu USD tính cả lãi vay dự kiến, thời gian hoàn vốn là 12,2 năm và IRR ở mức 14,1%.

-Dự án Cảng Quốc tế Thị Vải ban đầu dự kiến tổng vốn đầu tư 2,394 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn của chủ đầu tư (VNSTEEL là 718.4 tỷ, tương đương với 30% tổng vốn đầu tư). Dự án này khi lên kế hoạch có thời gian hoàn vốn 10,2 năm và IRR dự kiến ở mức 14,91%.

Nhắc đến Tisco, VnSteel để nói lên rằng, ngay cả những doanh nghiệp đã “mòn chân” trong ngành thép cũng chỉ kỳ vọng IRR ở mức dưới 18% thì có vẻ con số 30% của Hoa Sen là còn nhiều điều cần phải bàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại