Nhiều lần định tự vẫn nhưng nghĩ đến con nên lại cố gắng sống tiếp
Mấy năm nay, bà con các khu chợ ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa đã quá quen thuộc với hình ảnh chàng trai trẻ, gầy trơ xương, liệt cả 2 chân vẫn miệt mài, rong ruổi trên chiếc xe lăn đi khắp các chợ để bán thẻ, sim điện thoại. Anh là Tống Văn Khanh (SN 1989) ở Đoài Thôn, Đông Sơn, Thị xã Bỉm Sơn.
Nói về Khanh, bà con ở đây vừa thương, vừa khâm phục ý chí vươn lên, không từ bỏ của anh.
Theo chia sẻ của người dân và chính quyền địa phương, trong lúc làm việc ở công trường xây dựng, Khanh bị rơi thang máy từ tầng 3 xuống đất. Tai nạn này đã khiến anh bị liệt vĩnh viễn từ 2015 đến nay.
Các bác sĩ kết luận, Khanh bị đa chấn thương, rách tĩnh mạch chủ dưới, chấn thương cột sống. Từ đấy, anh chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân.
Được biết gia đình Khanh vẫn thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Bố của Khanh là ông Tống Văn Thọ (SN 1958) bị tai biến và nhiều bệnh nền nên cũng chỉ làm một số việc nhẹ. Duy có bà Trương Thị Tâm (SN 1965) - mẹ của Khanh giờ đây vừa chăm chồng ốm lại chăm con bị liệt. Ngoài công việc đồng áng, hễ ai thuê gì bà đều làm.
Từ một chàng trai trẻ, khỏe mạnh giờ phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều chỉ có thể dựa vào người khác, cứ dăm bữa nửa tháng lại đi viện, kinh tế gia đình cứ thế đi xuống,... tất cả đã khiến cho Khanh lâm vào bế tắc thực sự. Anh gần như trầm cảm, nhiều lần muốn tìm đến cái chết.
"Nhiều khi muốn tự vẫn cho xong, để không phải sống thừa, làm gánh nặng cho mọi người nhưng lại nghĩ, sợ con mình không có cha, người đời trêu chọc, sợ không ai chỉ bảo cho con, nó lớn lên đi vào con đường hư hỏng", Khanh chia sẻ.
Suốt hơn 2 năm sau tai nạn, Khanh vừa đối diện với những đau đớn về thể xác, vừa đấu tranh với chấn thương tinh thần. Và động lực để anh 'cố sống' chính là tình thương dành cho con.
Khanh nói, thương con trai còn quá nhỏ dại; thương vợ mới cưới niềm vui ngắn chẳng tày gang đã phải gánh vác mọi việc; thương cha già nhiều bệnh tật; thương mẹ đã yếu lại phải nai lưng làm lụng thêm bao nhiêu việc để có tiền phụ cùng con dâu...
Hàng ngày, anh tập tành tự làm mọi thứ, từ việc phụ vợ tắm rửa cho con, đưa đón con trai đi học, rồi dần dà ngồi xe lăn đi chợ, tự nấu ăn cho cả gia đình.
"Mấy năm đầu chán nản, cứ hết nằm nhà rồi lại đi viện. Đến 2019 em cố gắng vay mượn mua xe 3 bánh điện cho người khuyết tật để đi bán hàng, bán sim, thẻ điện thoại ở các chợ gần nhà, cũng may được bà con mua ủng hộ", Khanh chia sẻ.
Vậy là từ đó, bên cạnh khoản trợ cấp 1.000.000 đồng cho người tàn tật, anh Khanh có thêm đồng ra đồng vào nhờ vào việc bán sim thẻ.
Dẫu đã nỗ lực hết mình để vượt lên nghịch cảnh nhưng bệnh ngày càng tặng, kinh tế suy kiệt, nợ nần chất chồng khiến anh Khanh và gia đình vô cùng khó khăn.
"Không biết lần này có ổn để về với con không"
Gần nửa năm nay, sức khỏe của anh Khanh yếu đi nhiều. Thời gian phải nằm nhiều hơn ngồi, anh không còn đưa đón con đi học, không còn tắm rửa được cho con, không nấu nướng được cho gia đình. Đến bữa cơm của anh cũng diễn ra tại giường.
"Em ước không bị đau thêm, không phải mổ, không phải đi viện. Liệt cũng được, nhưng vẫn chăm con được như trước, vẫn ra chợ, vẫn nấu cơm được cho bố mẹ và vợ con là em cũng vui rồi", Khanh nói về ước mơ hiện tại chỉ đơn giản vậy thôi.
Tháng 5/2023, anh vừa trải qua 3 cuộc phẫu thuật, và hiện tại đang chuẩn bị cho ca phẫu thuật mới.
Ngày 01/6, tại phòng 317 của Trung tâm Liền vết thương - Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, chị Phạm Thị Duyên (SN 1989) vợ anh Khanh cho biết, chờ đến đầu tuần tới các bác sĩ ở đây sẽ tiến hành phẫu thuật cho chồng chị.
"Anh nhà em cứ bảo cố gắng tự điều trị ở nhà cho đỡ tiền vì mỗi lần đi viện phải vay cả mấy chục triệu. Nhưng gần 1 năm rồi mà chỉ thấy nặng hơn, không thấy đỡ, nên đợt này tranh thủ lúc con được nghỉ hè, em động viên anh ra Hà Nội điều trị. Mong là mọi chuyện ổn."
Khác hẳn những lần nằm viện và phẫu thuật trước đó, lần này Khanh tỏ rõ sự lo lắng, anh nhận thấy bản thân sau khi bị nhiễm Covid-19 thì sức đề kháng kém đi rõ rệt.
"Không biết lần này có ổn để về với con không. Em cứ dặn con, sau này, nếu bố không còn trên đời, con cố gắng sống tử tế, làm một người tốt", Khanh nói rồi quay mặt về phía bức tường.
Chị Duyên cho biết, mỗi lần nhắc đến bố mẹ và con trai là Khanh lại khóc, tự trách bản thân.
"Bố mẹ chồng em đều rất tốt, nhưng khổ từ xưa, đến nay con lớn vẫn khổ. Nhẽ ra đến tuổi của mẹ em thì người ta cũng không làm được nhiều nhưng vì hoàn cảnh, mẹ vẫn làm thêm ruộng, rồi lại tranh thủ đi bốc gạch, phụ xây nữa.
Năm nay, bao nhiêu tiền đi làm thuê được bà dồn cho chồng em đi viện cả. Bà vất vả lắm... Trông vào nhà có mỗi mấy người mà ai cũng ốm đau, bệnh tật. Bố bị tai biến, mẹ mấy năm gần đây vất vả quá tới nỗi xuất huyết dạ dày rồi lại rối loạn tuần hoàn não. Riêng anh nhà em thì đi viện nào người ta cũng quen mặt, thuộc cả tên và ngày tháng năm sinh rồi."
Ông Lưu Bá Thược – Trưởng khu phố Đoài Thôn xác nhận với chúng tôi: "Gia đình nhà anh Khanh thì quá khó khăn. Ông Thọ thì bị tai biến, chỉ quanh quẩn thi thoảng hái bó rau khoai cho lợn thôi; bà Tâm gần như lo toan mọi thứ, ngoài làm ruộng thì ai thuê gì cũng làm. Chúng tôi cũng cố gắng hết sức nhưng ở quê còn nhiều hạn chế. Ví dụ như tiêu chuẩn khu phố, được một suất quà 1/6 của phường thì chúng tôi cũng xét, ưu tiên tặng cho con trai anh Khanh."
Dù đã nỗ lực hết mình để vượt lên nghịch cảnh nhưng bệnh tật ngày càng nặng, kinh tế suy kiệt, nợ nần chất chồng khiến anh Khanh và gia đình vô cùng khốn đốn. Mong cho gia đình anh sẽ gặp được nhiều may mắn, có được sự quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia từ các nhà hảo tâm khắp nơi.
Nếu quý độc giả đồng cảm, thương và muốn giúp đỡ xin gửi về:
Anh Tống Văn Khanh (SN 1989), trú tại khu phố Đoài Thôn, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
STK 106867342156. Ngân hàng ViettinBank chi nhánh Bỉm Sơn. Chủ TK Tống Văn Khanh
Hoặc STK 50510000415427. Ngân hàng BIDV chi nhánh Bỉm Sơn. Chủ TK Phạm Thị Duyên (vợ anh Khanh).