Ngày 12/12, theo nguồn tin của PV Báo Người Lao Động, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Thái Bình về việc đề nghị phối hợp rà soát, cung cấp thông tin liên quan những văn bản kiến nghị, phiếu chuyển với tư cách đại biểu Quốc hội và Phó trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội của ông Lưu Bình Nhưỡng.
Theo đó, qua rà soát, UBND tỉnh Bình Định phát hiện có 2 văn bản, phiếu chuyển đơn do ông Lưu Bình Nhưỡng ký gửi đến tỉnh này với cương vị đại biểu Quốc hội và Phó trưởng Ban Dân nguyện. Trong đó, một vụ việc liên quan đến tranh chấp giữa Công ty CP Cảng Quy Nhơn và một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố. Ảnh: Công an Thái Bình.
Trước đó, ngày 1/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã có văn bản gửi các tỉnh, thành đề nghị phối hợp rà soát, cung cấp thông tin liên quan những văn bản kiến nghị, phiếu chuyển với tư cách đại biểu Quốc hội của ông Lưu Bình Nhưỡng.
Các văn bản, phiếu chuyển đơn thực hiện rà soát tính từ tháng 7/2016 đến nay, kèm theo kết quả xử lý, trả lời đối với các văn bản, phiếu chuyển đơn nêu trên của ông Lưu Bình Nhưỡng.
Sau khi tiếp nhận văn bản của Công an tỉnh Thái Bình, nhiều tỉnh đã đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành... tiến hành rà soát.
Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP. Đà Lạt và Bảo Lộc rà soát toàn bộ các văn bản kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký với cương vị đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban thường vụ Quốc hội để gửi đến UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP. Đà Lạt và Bảo Lộc; kết quả xử lý, trả lời đối với các văn bản của ông Lưu Bình Nhưỡng từ tháng 7/2016 đến nay.
Theo thông tin trên báo Sức khoẻ và Đời sống, đến ngày 11/12, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Y tế Lâm Đồng đã rà soát các văn bản kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký gửi đến Sở này.
Kết quả rà soát, từ tháng 7/2016 đến nay, Sở Y tế Lâm Đồng không tiếp nhận các văn bản kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký với chức vụ Đại biểu Quốc hội hoặc Phó Trưởng Ban dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến Sở Y tế Lâm Đồng.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình, việc bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng là kết quả điều tra mở rộng vụ án liên quan đến Phạm Minh Cường (ảnh phải).
Để cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án hình sự trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát, thống kê danh sách và kết quả thực hiện các nội dung tại các văn bản kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký với chức vụ Đại biểu Quốc hội hoặc Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi đến, trong thời gian từ tháng 7/2016 đến nay.
UBND tỉnh Nam Định cũng đã ra văn bản gửi các sở, ngành; UBND các huyện và thành phố Nam Định đề nghị thực hiện nội dung trên. Đồng thời, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai, thực hiện, gửi thông tin, tài liệu về Thanh tra tỉnh để tổng hợp.
Ngày 14/11 vừa qua, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng (60 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội) về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Nơi ở, nơi làm việc của ông Lưu Bình Nhưỡng cũng bị khám xét.
Việc bắt tạm giam này là từ kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (37 tuổi, thường gọi là Cường "quắt", trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, đối tượng có 3 tiền án) cưỡng đoạt tài sản.
Ông Lưu Bình Nhưỡng là tiến sĩ luật kinh tế, từng là đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016-2021) thuộc Đoàn Đại biểu tỉnh Bến Tre, ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Từ tháng 9-2018, ông Lưu Bình Nhưỡng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Dân nguyện.