Biên giới Trung - Ấn lại nóng, quân đội hai bên liên tục xung đột

Thu Thủy |

Tình hình biên giới Trung Quốc - Ấn Độ liên tục căng thẳng từ đầu tháng 5. Dù hai bên đã tổ chức nhiều vòng đàm phán nhưng vẫn không giải quyết được các vấn đề then chốt. Tối các ngày 29 và 30/8, quân đội hai bên lại xảy ra đụng độ.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 31/8, Quân đội Ấn Độ cùng ngày đã đưa ra một tuyên bố nêu rõ: trong các tối ngày 29 và 30/8/2020, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã vi phạm sự đồng thuận trước đó đạt được thông qua các cuộc tiếp xúc quân sự và ngoại giao trong thời gian đối đầu ở đông Ladakh và áp tiến hành các hành động quân sự có tính khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng.

Tuyên bố nói, quân đội Ấn Độ đã tiến hành các biện pháp "tiên phát chế nhân" (ra tay trước phủ đầu) để củng cố các trận địa của Ấn Độ ở bờ nam Hồ Pangong và đánh bại ý đồ đơn phương thay đổi thực trạng tại chỗ của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Ấn Độ không đề cập đến số liệu về thương vong của hai bên.

Biên giới Trung - Ấn lại nóng, quân đội hai bên liên tục xung đột - Ảnh 1.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ về các vụ xung đột giữa quân đội Trung - Ấn ở phía Nam Hồ Pangong tối 29 và 30/8 (Ảnh: Đa Chiều).

Tuyên bố cũng cho biết, để giải quyết những vấn đề này, Trung Quốc và Ấn Độ đang tổ chức cuộc họp cấp lữ đoàn ở Chushul.Tuyên bố chỉ ra rằng quân đội Ấn Độ cam kết duy trì hòa bình và an ninh thông qua đối thoại, nhưng cũng quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh gần đây đã đến mặt trận để xem các cuộc tập trận quân sự và nói rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc có thể không giải quyết được vấn đề.

Được biết, tình hình căng thẳng lần này giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu từ đầu tháng 5. Vào tối ngày 15/6, đã xảy ra cuộc đụng độ đẫm máu giữa hai quân đội ở Thung lũng Galwan đã khiến nhiều người thiệt mạng.

Sau cuộc hội đàm khẩn cấp giữa các quan chức cấp cao giới ngoại giao và quân sự của hai bên, tình hình đã bớt căng thẳng, nhưng khu vực hồ Pangong vẫn là điểm bế tắc lớn nhất.

Biên giới Trung - Ấn lại nóng, quân đội hai bên liên tục xung đột - Ảnh 3.

Nhiều cuộc xung đột giữa lính hai bên đã xảy ra ở ven Hộ Pangong trong tháng 5 và 6/2020 (Ảnh: Đa Chiều).


Theo báo chí Ấn Độ đưa tin, PLA đã chiếm đóng khu vực giữa Finger 4 và Finger 8 trên bờ bắc của Hồ Pangong, nhưng phía Ấn Độ cho rằng đây là lãnh thổ của Ấn Độ. Ấn Độ yêu cầu PLA phải rút khỏi khu vực này, nhưng PLA hy vọng duy trì được sự hiện diện của lực lượng quân sự nhất định ở đây.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng chỉ trích PLA chiếm đóng lãnh thổ Ấn Độ ở Đồng bằng Depsang, để ngăn cản binh lính Ấn Độ thực hiện các cuộc tuần tra truyền thống trong khu vực này.

Đồng thời, tờ Times of India ngày 23/8 đưa tin, Trung Quốc không cho thấy có ý định cách ly tiếp xúc quân đội ở khu vực xung đột quân sự ở đông Ladakh, mà tiếp tục xây dựng đường sá, cầu cống, bãi đỗ máy bay trực thăng và các cơ sở quân sự khác dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) để hỗ trợ quân đội của họ tại các điểm đối đầu thực tế.

Biên giới Trung - Ấn lại nóng, quân đội hai bên liên tục xung đột - Ảnh 4.

Ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Trung Quốc cho khắc hình bản đồ Trung Quốc và hai chữ "Trung Quốc" rất lớn ở khu vực bắc Hồ Pangong, nơi Ấn Độ cho là thuộc lãnh thổ của mình (Ảnh: Đa Chiều).


Hình ảnh chụp từ vệ tinh phát hiện PLA đã cho khắc tên Trung Quốc rất lớn bằng chữ Hán và bản đồ Trung Quốc bên bờ hồ Pangong để tuyên bố chủ quyền. Nội dung khắc này có chiều dài khoảng 81 mét và chiều rộng 25 mét, nằm giữa Finger 4 và Finger 5.

Ngoài ra, giữa Finger 4 và Finger 6 ở ven Hồ Pangong, người ta có thể đếm được ít nhất 186 căn lều, nơi trú ẩn và nhà đúc sẵn của Trung Quốc. Nhiều công sự cũng có thể được nhìn thấy trên cầu tàu gần Finger 5. Việc PLA xây dựng quy mô lớn khiến Ấn Độ rất lo lắng.

Một quan chức quân sự cấp cao của Ấn Độ hôm 22/8 nói: "Trung Quốc nghiện chiến thuật bóng bàn, họ quay qua quay lại giữa các cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự, nhưng không nghiêm túc muốn giải quyết xung đột. Tình hình trên thực tế vẫn không có sự thay đổi".

Tin cho biết, một quan chức Ấn Độ khác cho rằng Trung Quốc quyết tâm thực hiện chiến lược đẩy ranh giới tuyến kiểm soát thực tế ở Ladakh về phía tây.

Kể từ khi quân đội Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ tại nhiều địa điểm trong khu vực núi cao này hồi đầu tháng 5, Trung Quốc đang phát triển các cơ sở hạ tầng quân sự của họ với tốc độ cấp số nhân.

Biên giới Trung - Ấn lại nóng, quân đội hai bên liên tục xung đột - Ảnh 6.

Xe tăng Ấn Độ được triển khai ở khu vực biên giới gần nơi xảy ra tranh chấp ở Đông Ladakh (Ảnh: Sohu).


Các quan chức Ấn Độ cho biết, từ việc xây dựng đường giao thông tại nhiều địa điểm gần với Tuyến kiểm soát thực tế (LAC), nâng cao sức chiến đấu của các căn cứ không quân, đến việc lắp đặt cáp quang ở khu vực Hồ Pangong và Gogra-Hot Springs, Trung Quốc đã tiến hành tất cả những việc này.

Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ Bipin Rawat ngày 24/8 nói với tờ India Today rằng, các phương án quân sự để giải quyết hành vi vượt biên giới của quân đội Trung Quốc ở khu vực Ladakh đã được đặt lên bàn.

Ông cũng nói thêm rằng, lựa chọn quân sự sẽ chỉ được sử dụng nếu các cuộc đàm phán quân sự và lựa chọn ngoại giao giữa hai bên thất bại.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương chiều 31/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ thông tin PLA vượt biên giới, nói rằng Trung Quốc đang liên lạc với Ấn Độ để hiểu biết lẫn nhau.

Biên giới Trung - Ấn lại nóng, quân đội hai bên liên tục xung đột - Ảnh 7.

Quân khu Tây Tạng, Trung Quốc tổ chức diễn tập thực binh ở gần biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Đa Chiều).


Ông Triệu Lập Kiên đáp lại những cáo buộc của phía Ấn Độ trong cuộc họp báo chiều hôm thứ Hai, nói "lực lượng phòng thủ biên giới Trung Quốc chưa bao giờ vượt qua đường ranh giới khu vực quản lý thực tế của họ" và nói phía Trung Quốc đang liên lạc với Ấn Độ về tình hình liên quan.

Cũng theo Đa Chiều, trong một thông tin liên quan đến vụ xung đột giữa quân đội Trung - Ấn ở Thung lũng Galwan tối 15/6, trên mạng internet Trung Quốc mới đây đã xuất hiện bức ảnh chụp một bia mộ "liệt sĩ" cho thấy một lính Trung Quốc 19 tuổi chết ở biên giới Trung - Ấn hôm 15/6.

Biên giới Trung - Ấn lại nóng, quân đội hai bên liên tục xung đột - Ảnh 8.

Hình ảnh mộ lính Trung Quốc chết ở biên giới Trung - Ấn tháng 6/2020 rò rỉ trên mạng internet Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).


Tờ Times of India ngày 29/8 dẫn lời một quan chức của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói: "Quân đội Ấn Độ chưa bao giờ bình luận về con số thương vong của kẻ thù. Bởi vì PLA không hài lòng với việc rò rỉ thông tin như vậy. Điều quan trọng đối với chúng tôi là, chúng tôi biết rằng đã có thương vong trong PLA do hậu quả của cuộc xung đột".

Dòng chữ trên bia mộ của bức ảnh có nội dung: "Mộ của Trần Tường Dung, chiến sĩ đơn vị 69316, quê ở Bình Nam, Phúc Kiến; sinh tháng 12/2001, hy sinh trong trận chiến với Ấn Độ tháng 6/2020; được Quân ủy Trung ương thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất- Quân khu Nam Cương lập bia mộ vào tháng 8/2020".

Bên cạnh bia mộ này, người ta còn nhìn thấy ít nhất 2 chiếc bia khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại